Chỉ 7,5% TPDN phát hành riêng lẻ được xếp hạng tín nhiệm trong 4 tháng đầu năm
4 tháng đầu năm 2024 ghi nhận có 31 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 29.050 tỷ đồng. Tuy nhiên, các trái phiếu đã được xếp hạng tín nhiệm chỉ chiếm 7,5% giá trị phát hành.
Dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, tính đến ngày công bố thông tin 2/5, có 13 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 13.940 tỷ đồng trong tháng 4/2024. Lũy kế từ đầu năm đến nay, có 31 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 29.050 tỷ đồng và 06 đợt phát hành ra công chúng trị giá 8.878 tỷ đồng.
Cũng theo dữ liệu này, trong tháng 13.940 tỷ đồng trái phiếu phát hành riêng lẻ của tháng 4 này nhóm ngân hàng thương mại vẫn giữ tỷ lệ phát hành cao nhất với 09 đợt phát hành, tổng giá trị phát hành 7.800 tỷ đồng (chiếm 48%). Trong đó, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) có 06 đợt phát hành, với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) với 02 đợt phát hành, tổng giá trị phát hành 2.800 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) với 01 đợt phát hành, giá trị phát hành 3.000 tỷ đồng.
Ngành Bất động sản chỉ ghi nhận 03 đợt phát hành của hệ sinh thái Vin Group: 02 đợt phát hành của CTCP Tập đoàn Vin Group với tổng giá trị phát hành 4.000 tỷ đồng và CTCP VinHomes với lô trái phiếu trị giá 2.000 tỷ đồng.
Trong số 13 đợt phát hành riêng lẻ, các trái phiếu đã được xếp hạng tín nhiệm chiếm 7,5% giá trị, chỉ khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.
Cũng theo VBMA, trong tháng 4, các doanh nghiệp đã mua lại 12.001 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 9 tháng còn lại của năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 183.484 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 73.784 tỷ đồng, tương đương 40.2%.
Về tình hình công bố thông tin bất thường, VBMA ghi nhận, có 1 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi mới trong tháng với giá trị 47 tỷ đồng và 12 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc thời gian mua lại trái phiếu trước hạn.
Trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch trái phiếu riêng lẻ trong tháng 4 đạt 68.406 tỷ đồng, giảm 25% so với tháng 3/2024. Hầu hết các trái phiếu được giao dịch nhiều nhất đều do nhóm ngân hàng thương mại phát hành.
VBMA cũng cho biết, tổ chức này ghi nhận 02 kế hoạch phát hành trong thời gian tới của Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDB) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID).
Theo đó, HĐQT HDB đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ giai đoạn 1 năm 2024, được chia thành đợt 1 và đợt 2 với tổng giá trị tối đa lần lượt là 8.000 tỷ đồng và 12.000 tỷ đồng.
Còn về BID, HĐQT ngân hàng này đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ giai đoạn 1 trong năm 2024 với tổng giá trị tối đa 8.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn trên 5 năm.
Theo các chuyên gia, việc phát triển văn hóa xếp hạng tín nhiệm là nhân tố quan trọng góp phần cải thiện tính minh bạch cho thị trường. Đồng thời, hỗ trợ phát triển hạ tầng mềm cho thị trường thông qua hình thành đường cong lợi suất, định giá trái phiếu. Từ đó, tạo đà phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh và bền vững hơn và hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ nâng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào 2030 từ mức 10% GDP như hiện nay.
Tuy nhiên, theo thông tin từ bà Hồ Việt Hương, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) tại Hội thảo “Thị trường xếp hạng tín nhiệm Việt Nam: Định hướng và tiềm năng phát triển" được tổ chức vào tháng 4/2024 vừa qua. Số lượng doanh nghiệp chủ động xếp hạng tín nhiệm và công bố ra thị trường có xu hướng tăng nhưng vẫn rất khiêm tốn.
Năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp đã tham gia xếp hạng tín nhiệm đạt gần 27.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 9% tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.