Cao tốc Phan Thiết–Dầu Giây: Thiếu đất đắp, nguy cơ trẽ tiến độ
Với việc tình trạng thiếu nguồn đất đắp, Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ vào ngày 30 - 4 .
Theo cấp phép của UBND tỉnh Đồng Nai, các dự án hạ cote nền, cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi đất dôi dư sử dụng làm vật liệu san lấp phục vụ dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có thời hạn thực hiện đến ngày 31-12-2022. Đến thời điểm trên, các dự án này đều đã tạm ngưng thực hiện vì hết thời hạn được cấp phép. Chính vì vậy, nguồn đất đắp cho dự án cũng bị ngưng cung cấp từ thời điểm trên.
Mới đây, tại cuộc họp với UBND tỉnh Đồng Nai vào đầu tháng 1-2023, đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long (đơn vị được Bộ Giao thông Vận tải giao làm chủ đầu tư dự án) đã kiến nghị tỉnh Đồng Nai cho gia hạn thời gian khai thác đối với các dự án hạ cote nền, cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi đất dôi dư sử dụng làm vật liệu san lấp phục vụ dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã được cấp phép đến ngày 30-4-2023. Tuy nhiên, do các dự án này đang được Thanh tra Chính phủ thanh tra nên sau khi có kết luận chính thức UBND tỉnh Đồng Nai mới xem xét xử lý.
Đại diện ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, khối lượng đất đắp đã khai thác từ các dự án hạ cote nền, cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi đất dôi dư sử dụng làm vật liệu san lấp đến nay đã cơ bản đáp ứng nhu cầu về đất đắp trong quá trình thi công tuyến chính của dự án qua địa bàn Đồng Nai.
Tuy nhiên, khó khăn phát sinh hiện nay là việc thi công các hạng mục khác của dự án gồm: đường gom dân sinh, đường song hành, đường dẫn các đầu cầu vượt qua đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang bị thiếu hụt nguồn đất đắp nền đường.
“Để hoàn thành toàn bộ các hạng mục, dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua tỉnh Đồng Nai cần thêm khoảng 650 ngàn m3 đất đắp” - đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc liên doanh gói thầu xây lắp số 3, các hạng mục đường gom dân sinh, đường song hành, đường dẫn cầu vượt trong gói thầu hiện cần thêm khoảng 400 ngàn m3 đất đắp. Từ đầu năm 2023 đến nay, do chưa có nguồn đất đắp nên các nhà thầu chưa thể triển khai thi công được các hạng mục trên.
Tương tự, tại gói thầu xây lắp số 4, dù đã huy động đủ các phương tiện, máy móc nhưng các nhà thầu cũng chưa thể thi công được các hạng mục đường gom dân sinh, đường song hành, đường dẫn các đầu cầu vượt do chưa có nguồn đất đắp nền đường.
“Nếu không sớm giải quyết được nguồn đất đắp, đến thời điểm ngày 30-4, gói thầu số 4 có khả năng chỉ hoàn thành xây dựng phần tuyến chính (phần đường cao tốc). Trong khi đó, các hạng mục còn lại như đường gom dân sinh, đường song hành, đường dẫn các đầu cầu vượt rất khó để hoàn thành” – ông Hải nhận định.
Đối với vấn đề này, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai ông Lê Quang Bình cho hay, nếu không giải quyết được vướng mắc về vấn đề đất đắp nền đường thì khả năng đến ngày 30-4 tới, dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ không thể hoàn thành và đưa vào khai thác.
Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua địa bàn tỉnh có nhu cầu về nguồn đất đắp nền đường khoảng 2,9 triệu m3 (chưa tính khối lượng đất tận dụng, điều phối trong tuyến).
Để phục vụ thi công dự án, năm 2022, Đồng Nai đã chấp thuận cho các đơn vị liên quan thực hiện 4 phương án hạ cote nền, cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi đất dôi dư sử dụng làm vật liệu san lấp tại các vị trí trên địa bàn H.Cẩm Mỹ và H.Xuân Lộc.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai ông Cao Tiến Sỹ cho biết, đến hết ngày 31-12-2022, các dự án hạ cote nền, cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi đất dôi dư sử dụng làm vật liệu san lấp phục vụ dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã khai thác gần 1,1 triệu m3 đất.
Thanh Vũ