Cảnh giác "sữa bắp" giá rẻ không nhãn mác
Trong thực tế, đã xảy ra nhiều trường hợp người tiêu dùng bị ngộ độc thực phẩm vì những thức uống rẻ tiền, không rõ nguồn gốc kiểu như này.
Chỉ cần bỏ ra số tiền vài trăm nghìn đồng mua nguyên liệu, có thể chế biến được nghìn lít sữa bắp, đó cũng là lý do hàng loạt cửa hàng mở ra để kinh doanh loại đồ uống này.
Sản phẩm kém, giá rẻ cung ứng thị trường
Tại các quán ăn và cửa hàng đồ ăn vặt, một chai sữa ngô vàng ươm không có nhãn mác có giá từ 10.000 đồng - 12.000 đồng/chai 330ml và khoảng 20.000 - 25.000 đồng/1 chai 500ml. Nó được nhiều người ưa chuộng vì không chỉ có khả năng giải khát, mà còn rất tốt cho sức khỏe vì chúng chứa nhiều vitamin, ngăn ngừa xơ cứng động mạch… Thậm chí nhiều cơ sở sản xuất và rao bán sữa ngô trên mạng còn cam kết sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không chất bảo quản, không phẩm màu, rất tốt cho sức khỏe(?).
Có thể dễ dàng mua được đủ nguyên liệu để làm sữa ngô gồm: bột kem, chất tạo mầu, tinh dầu ngô (chất tạo mùi). Bột kem có tác dụng tạo độ sánh, ngậy, mỗi gói bột với trọng lượng 1 kg có thể chế biến được cả trăm chai sữa. Mức giá cũng chỉ dưới 100 ngàn đồng/kg. Để pha 10 lít sữa ngô chỉ cần dùng 3 thìa bột ngô, 3 thìa bột sữa ngô và 4 thìa tinh dầu ngô, khuấy đều với nước lọc là có được hàng chục lít sữa ngô hóa chất.
Phụ gia hóa chất pha chế sữa ngô là tinh dầu ngô, sữa ngô bột và bột ngô có giá rất rẻ, nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Pha chế rất đơn giản như trên xong là có những ly sữa ngô "chất lượng" và hương thơm như sữa ngô thật, mùi vị y hệt sữa ngô làm từ ngô nếp tươi. Nhờ các hóa chất mà sữa ngô "không nhất thiết phải làm từ ngô".
Độc hại nữa là tinh dầu ngô đựng trong vỏ chai nhựa không có nhãn mác hay hạn sử dụng, nhưng ngửi là cảm nhận được hương thơm đậm đặc của ngô.
Siêu lợi nhuận
Bột ngô và sữa ngô bột là dạng bột xay nhỏ, đóng túi nilon, không có nhãn mác. Giá của 1 lít tinh dầu ngô là 450.000 đồng, 1 kg bột ngô là 30.000 đồng và 1 kg sữa ngô bột 50.000 đồng.
Như vậy, bỏ ra số tiền vài trăm nghìn đồng mua nguyên liệu, có thể chế biến được 1000 chai sữa ngô loại 330 ml (giá thị trường 10 – 12.000đ/chai). Giá trị lợi nhuận rất lớn, đó cũng là lý do hàng loạt cửa hàng mở ra để kinh doanh loại đồ uống này.
Một chủ quán chuyên bán sữa ngô chia sẻ, bằng mắt thường rất khó để phân biệt sữa ngô xịn với "sữa ngô" hóa chất - vì có khá nhiều điểm tương đồng về màu sắc, chất sữa và hương vị. Nhưng tinh ý một chút có thể nhận ra sữa ngô pha chế bằng tinh dầu sữa, bột ngô – khi pha chế xong sẽ đặc sánh, có màu vàng như của ngô và sữa thơm nức, vị ngọt nhạt, không thể có giá trị dinh dưỡng như sữa ngô sản xuất theo truyền thống.
Sữa ngô và cơ sở sản xuất sữa ngô phải đạt ‘chuẩn’ nào?
Là một loại thức uống thuộc nhóm nước giải khát không cồn, nên sẽ phải đảm bảo các quy định về chất lượng trước khi được đưa ra thị trường.
Cuộc sống ngày nay ngày càng đa dạng hóa. Cùng với sự phát triển đó, các nguồn thực phẩm cũng đa dạng theo. Bắt buộc các doanh nghiệp phải sản xuất ra lượng thực phẩm ngon, bổ dưỡng để cung ứng nhu cầu. Trong đó, sữa ngô đang được xem là loại thực phẩm thức uống thịnh hành trên thị trường tại Việt Nam.
Theo đó, sữa ngô là một loại thức uống thuộc nhóm nước giải khát không cồn, nên sẽ công bố Hợp quy theo QCVN 6-2/2010/BYT; tại Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 chính thức có hiệu lực. Để hướng dẫn thực hiện luật An toàn thực phẩm Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
Cụ thể, các đơn vị là cá nhân, tổ chức, công ty sản xuất, kinh doanh lĩnh vực thực phẩm bắt buộc phải xin Giấy phép chứng nhận cơ sở đủ điều kiện Vệ sinh an toàn thực phẩm. Sở Công Thương quản lý và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất sữa bắp.
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm có hiệu lực 3 năm. Việc xin giấy phép an toàn thực phẩm cho cơ sở là việc cần làm đầu tiên và bắt buộc đối với cơ sở sản xuất thực phẩm.
Nếu cơ sở đã đi vào hoạt động mà không tiến hành xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì mức phạt từ cảnh cáo đến đóng cửa và phạt hành chính lên đến 200 triệu (mức phạt quy định chi tiết trong Nghị định 178/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt hành chính vi phạm an toàn thực phẩm) của Chính phủ./.
Bùi Quốc Dũng