Cần Thơ: Triển khai nhiều giải pháp cải thiện chỉ số PAPI
Nhằm góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, TP. Cần Thơ đang triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện điểm số chỉ số PAPI thời gian tới.
Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) không xếp hạng các địa phương bởi mỗi tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội, dân số và địa lý khác nhau, nhưng căn cứ trên số điểm đạt được của 61 tỉnh, thành phố (2 tỉnh không có dữ liệu đánh giá), TP. Cần Thơ xếp thứ 55/61 tỉnh, thành phố, 12/13 tỉnh, thành thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và 5/5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong 8 chỉ số nội dung (bao gồm 28 chỉ số thành phần) của chỉ số PAPI, có 6/8 chỉ số giảm điểm. Trong đó, giảm nhiều nhất lần lượt là các chỉ số: tham gia của người dân ở cấp cơ sở, cung ứng dịch vụ công và kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; chỉ có 2 chỉ số tăng điểm so với năm 2021 là chỉ số công khai, minh bạch và quản trị điện tử.
Theo ông Nguyễn Thanh Nhanh, Trưởng phòng Cải cách hành chính - Văn thư, lưu trữ (Sở Nội vụ TP. Cần Thơ), có nhiều nguyên nhân dẫn đến chỉ số PAPI năm 2022 mất điểm, như: việc giải đáp khiếu nại, tố cáo của người dân chưa kịp thời; công tác vận động đóng góp tự nguyện trên địa bàn dân cư chưa minh bạch; người dân khó tiếp cận thông tin về thu, chi ngân sách cấp xã, danh sách hộ nghèo.
Bên cạnh đó, dịch vụ thủ tục hành chính về đất đai còn phức tạp, người dân phải đi lại nhiều lần; có tình trạng công chức, viên chức làm khó dân; các dịch vụ giáo dục - y tế còn nhiều bất cập…
Tương tự, bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Cần Thơ cho biết, công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo là 1 trong 28 chỉ số thành phần đánh giá chỉ số PAPI. Tuy nhiên, qua khảo sát, chỉ số về công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo trên địa bàn thành phố đạt tỷ lệ thấp so với các tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng và Cà Mau. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, quy trình rà soát, công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo ở cơ sở còn hạn chế. Một số hộ nghèo chưa được tiếp cận kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo.
“Để khắc phục tình trạng này, Sở đề xuất xây dựng “Ứng dụng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của thành phố trên thiết bị điện tử”, nhằm thay đổi hình thức điều tra bản giấy sang ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách giảm nghèo; rà soát và điều tra hộ nghèo, cận nghèo đúng quy trình, đúng đối tượng, đảm bảo công bằng”, bà Mai nhận định.
Hiện các cấp, các ngành TP. Cần Thơ đang triển khai nhiều mô hình, giải pháp mới nhằm nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Tiêu biểu như chương trình “Cà phê doanh nhân”, “Gặp gỡ và đối thoại với người dân và doanh nghiệp”; thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp…
Đồng thời, công tác kiểm tra về cải cách hành chính nói chung, văn hóa công sở, việc thực thi công vụ được tăng cường; việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính được đẩy mạnh. Qua đó, từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (viết tắt theo tên tiếng Anh là PAPI) là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp.
PAPI hướng tới cải thiện hiệu quả phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của nhân dân thông qua việc: tạo cơ hội cho người dân tham gia đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền, vận động chính quyền cải thiện cung cách phục vụ nhân dân; thúc đẩy việc tự đánh giá để đổi mới, tạo tập quán để cạnh tranh lành mạnh và văn hóa học hỏi kinh nghiệm giữa các chính quyền địa phương.
Yến Thanh