Các dự án bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ được Chính phủ hỗ trợ tài chính
Chính phủ mới ban hành Nghị định 182/2024/NĐ-CP quy định về thành lập, quản lý và sử dụng quỹ Hỗ trợ đầu tư. Theo đó, quỹ này là quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập, giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không vì mục tiêu bảo toàn nguồn tài chính của quỹ.
Theo đó, các doanh nghiệp được hỗ trợ phải là doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư vào sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm R&D nếu đáp ứng các điều kiện sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp công nghệ cao có dự án đầu tư với quy mô vốn tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu của dự án tối thiểu 20.000 tỷ đồng/năm.
Thứ hai, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn của dự án tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu của dự án tối thiểu 20.000 tỷ đồng/năm.
Thứ ba, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo có quy mô vốn của dự án tối thiểu 6.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu của dự án tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm.
Thứ tư, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao đột phá được ưu tiên nghiên cứu, phát triển do Thủ tướng Chính phủ ban hành thì không phải đáp ứng tiêu chí về quy mô vốn hoặc doanh thu quy định tại Nghị định.
Thứ năm, doanh nghiệp có dự án thiết kế vi mạch thì không phải đáp ứng tiêu chí về quy mô vốn hoặc doanh thu quy định tại Nghị định này nhưng phải có cam kết sử dụng tối thiểu 300 kỹ sư, cán bộ quản lý người Việt Nam sau thời gian 5 năm hoạt động tại Việt Nam và hàng năm hỗ trợ Việt Nam đào tạo được tối thiểu 30 kỹ sư chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch.
Các doanh nghiệp này nếu đáp ứng các tiêu chí sẽ được hỗ trợ chi phí từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư, bao gồm Hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu và Hỗ trợ chi phí hàng năm.
Với hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu, doanh nghiệp có thể nhận hỗ trợ lên đến 50% chi phí đầu tư ban đầu cho các dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, và các dự án có tác động tích cực đến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ mới.
Bên cạnh đó, với Hỗ trợ chi phí hàng năm, doanh nghiệp sẽ nhận được hỗ trợ cho các hoạt động như đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển, đầu tư tài sản cố định, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, đầu tư công trình hạ tầng xã hội, và các trường hợp khác theo quyết định của Chính phủ. Quỹ sẽ chi trực tiếp bằng tiền để hỗ trợ hạng mục này.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 50 doanh nghiệp thiết kế vi mạch với đội ngũ nhân lực ước tính hơn 6.000 kỹ sư, công đoạn đóng gói kiểm thử có 7 nhà máy, với khoảng 6.000 kỹ sư và hơn 10.000 kỹ thuật viên; các doanh nghiệp về sản xuất thiết bị và nguyên liệu cho ngành công nghiệp bán dẫn như Samsung, Seojin, Coherent... cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động.
Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như NVIDIA, Qualcomm, LAM Research, Qorvo, AlChip... chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD.
Việt Nam đã tích cực thúc đẩy làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác chủ chốt, tiềm năng trong lĩnh vực bán dẫn, đưa hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ thành nội hàm then chốt của các khuôn khổ đối tác, khai thác hiệu quả các cơ hội hợp tác từ việc nâng cấp, nâng tầm quan hệ đầu tư, công nghệ như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ... Đồng thời, có sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác liên quan của Hà Lan, Pháp, Đức, Bỉ... để kết nối doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, cũng như cấp các chương trình học bổng cho sinh viên, giảng viên Việt Nam sang học tập, làm việc trong lĩnh vực bán dẫn tại châu Âu…
Việc hỗ trợ tài chính cho các dự án AI và bán dẫn không chỉ mang lại lợi ích trước mắt mà còn giúp định hình nền kinh tế số trong tương lai. Một hệ sinh thái công nghệ mạnh mẽ sẽ tạo ra chuỗi cung ứng bền vững, giảm sự phụ thuộc vào các thị trường nước ngoài và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nước. Điều này không chỉ giúp nâng cao vị thế quốc gia trên bản đồ công nghệ thế giới mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm và nâng cao đời sống cho người dân.
Trong bối cảnh công nghệ đang trở thành yếu tố then chốt quyết định sức mạnh kinh tế và địa chính trị, việc Chính phủ chủ động hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực AI và bán dẫn là một bước đi quan trọng. Đây không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước phát triển mà còn là nền tảng để Việt Nam vươn lên trở thành trung tâm công nghệ mới của khu vực.
Tiến Hoàng