Bộ Tài chính đề xuất giảm 35 khoản phí, lệ phí trong năm 2023
Theo Bộ Tài chính, để tiếp tục hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2023, Bộ đề xuất tiếp tục giảm mức thu khoảng 35 khoản phí, lệ phí.
Bộ Tài chính vừa có công văn số 4296/BTC-CST gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc rà soát đề xuất giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, để tiếp tục hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2023, Bộ đề xuất tiếp tục giảm mức thu khoảng 35 khoản phí, lệ phí.
Thời gian áp dụng từ 1/7 đến hết 31/12/2023.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương đánh giá tình hình thực hiện thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; rà soát và đề xuất điều chỉnh giảm mức thu các khoản phí, lệ phí, thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, gửi Bộ Tài chính và phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư theo quy định.
Trước đó, thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2023 của Chính phủ về Hội nghị Chính phủ với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Bộ Tài chính đã có công văn số 3610/BTC-CST báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án miễn, giảm thuế, phí, lệ phí năm 2023.
Ngày 17/4, Văn phòng Chính phủ có công văn số 2614/VPCP-KTTH về phương án miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2023. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao, Bộ Tài chính chủ động thực hiện việc xây dựng văn bản quy định về giảm các khoản thu phí, lệ phí theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm cả việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với Thông tư của Bộ Tài chính.
Tại khoản 3 và khoản 4 Điều 20 Luật Phí và lệ phí quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ như sau: Báo cáo tình hình thực hiện thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý… Kiến nghị với Chính phủ hoặc Bộ Tài chính về mức thu, nộp, miễn, giảm, quản lý và sử dụng đối với từng khoản phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.
Do đó, tại công văn này, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương đánh giá tình hình thực hiện thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; rà soát và đề xuất điều chỉnh giảm mức thu các khoản phí, lệ phí.
Sau 2 năm thực hiện chính sách giãn, hoãn nộp thuế, tiền thuê đất, mới đây Chính phủ đã tiếp tục ban hành Nghị định 34, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022. Thời gian gia hạn từ 3-6 tháng tùy từng loại thuế. Chính sách này nhằm tạo thêm "trợ lực" cho quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu và xây dựng các giải pháp để đảm bảo điều hành chính sách tài khóa một cách hiệu quả, hợp lý.
Bộ Tài chính đã đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023 với tổng quy mô gói hỗ trợ khoảng 198,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền miễn, giảm là 77,2 nghìn tỉ đồng và số tiền gia hạn là 121,2 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được xem xét gia hạn khoảng 110 nghìn tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc từng nhận định, các chính sách miễn giảm thuế phí là những giải pháp hợp lý, nguồn lực đáng kể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước quý I/2023 rất khó khăn. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 3,32%, kim ngạch xuất nhập khẩu cũng giảm 17%, thu ngân sách nhà nước tới hết quý I/2023 chỉ tăng 2,21%, thu nội địa nếu trừ các khoản đột xuất chỉ còn xấp xỉ 85% so cùng kỳ.
Lan Anh