Bổ sung tài sản đảm bảo, Tập đoàn Thái Tuấn gia hạn lô trái phiếu 500 tỷ thêm hai năm
Thái Tuấn không thu xếp được tài chính để thanh toán lô trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng đến hạn. Các trái chủ đã thông qua phương án kéo dài thời gian đáo hạn trái phiếu và kéo dài thời gian xử lý tài sản bảo đảm, bổ sung tài sản bảo đảm.
Lô trái phiếu TTDCH2122002 phát hành ngày 20/5/2021, đáo hạn vào 20/22/2022. Lô trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng của Thái Tuấn là trái phiếu có tài sản đảm bảo gồm bảo lãnh thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc đến hạn bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ 3 theo quy định và 16,05 triệu cổ phần của Tập đoàn Thái Tuấn với tổng giá trị định giá hơn 809,7 tỷ đồng – tương ứng định giá mỗi cổ phần 50.450 đồng theo chứng thư thẩm định giá của CTCP Giám định và thẩm định tài sản Việt Nam ngày 27/4/2021.
Đến thời hạn thanh toán Thái Tuấn không thu xếp được tài chính để trả. Trước đó Thái Tuấn có thông tin sẽ tổ chức Hội nghị trái chủ vào cuối tháng 5 để xin ý kiến về việc kéo dài thời gian thanh toán gốc/lão trái phiếu.
Theo thông tin công bố lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây, CTCP Tập đoàn Thái Tuấn công bố kết quả lấy ý kiến bằng văn bản về điều chỉnh kéo dài thời gian thanh toán gốc lãi trái phiếu TTDCH2122002.
Cụ thể, theo Nghị quyết của chủ sở hữu trái phiếu TTDCH2122002, trái chủ thông qua việc điều chỉnh thời hạn và kéo dài thời gian xử lý tài sản bảo đảm, bổ sung tài sản bảo đảm. Trong đó, ngày đáo hạn dời từ 20/11/2022 đến 20/11/2024, tức thay đổi kỳ hạn từ 18 tháng sang 42 tháng. Lãi suất áp dụng 16.5%/năm từ ngày 20/11/2022 đến 20/11/2024. Bổ sung tài sản bảo đảm là 7 căn biệt thực dự án Cross Long Hải.
Tỷ lệ trái chủ thông qua các điều khoản sửa đổi chiếm khoảng 3/4 tổng số lượng trái phiếu đang lưu hành.
Biên bản họp hội nghị trái chủ của Thái Tuấn ghi nhận sự tham dự của ông Trần Hoài Nam – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Thái Tuấn, ông Nguyễn Văn Huynh – Giám đốc tài chính, ông Nguyễn Viết Luận – đại diện người sở hữu trái phiếu (BVSC), bà Lưu Thị Việt Hà – Giám đốc khối DVCK – đại diện đại lý quản lý tài sản bảo đảm (PSI), bà Trần Thu Lan – Trưởng phòng quản lý nghiệp vụ (PSI), bà Bùi Hồng Mai – Trưởng phòng quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ (PSI). Tổng số trái chủ của Thái Tuấn theo danh sách trái chủ chốt ngày 16/11/2022 là 87 người, đại diện cho 5,000 trái phiếu.
Theo biên bản, ngoài điều khoản gia hạn thời gian thanh toán, áp dụng lãi suất 16.5%/năm từ 20/11/2022 đến 20/11/2024 thì Thái Tuấn phải thanh toán lãi từ tháng 06/2023 đến tháng 01/2024 mỗi tháng 2 tỷ đồng, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng. Từ tháng 02/2024 đến 20/11/2024, số tiền lãi còn lại chưa thanh toán sẽ chia đều cho các tháng còn lại.
Trường hợp Thái Tuấn vi phạm một trong các nội dung sau: không trả lãi đúng hạn sau 30 ngày; không cung cấp đầy đù các nội dung (kế hoạch kinh doanh 2023, kế hoạch trả lãi năm 2024, báo cáo thuế hoặc báo cáo kiểm toán 2022, hồ sơ chứng minh việc sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu gói 500 tỷ đồng) chậm nhất 30/07/2023, thì công ty Thái Tuấn, Công ty Tân Thành tự nguyện bàn giao và đồng ý để các trái chủ thực hiện bán tài sản bảo đảm bổ sung.
Ngoài ra, theo dữ liệu của HNX, Thái Tuấn còn 1 lô trái phiếu mã TTDCH2122001 kỳ hạn là 18 tháng và được phát hành riêng lẻ thông qua đại lý phát hành. Mục đích phát hành là tăng quy mô vốn hoạt động, thực hiện đầu tư và các chương trình, dự án đầu tư của tổ chức phát hành. Lãi suất 11%/năm, trả lãi 6 tháng/lần.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Hình thức đảm bảo trái phiếu là bảo lãnh thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc khi đến hạn bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.
Tài sản đảm bảo của trái phiếu TTDCH2122001 là 20 triệu cổ phần của CTCP Tập đoàn Thái Tuấn (tổng mệnh giá là 200 tỷ đồng); nhà ở và Quyền sử dụng đất tại số 7, 8, 9 Trang Tử, phường 14, quận 5, TP HCM và 2,6 ha đất tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An (tổng giá trị 210 tỷ đồng, định giá bởi CTCP Giám định và Thẩm định tài sản Việt Nam).
Theo thời hạn thì lô này phải thanh toán vào ngày 12/10/2022 với giá trị cả gốc và lãi là hơn 316 tỷ đồng, tuy nhiên Công ty chỉ mới trả được khoảng 1,1 tỷ đồng.
Theo nghị quyết chủ sở hữu trái phiếu ngày 12/04/2023, các trái chủ đã đồng ý cho Thái Tuấn điều chỉnh giá bán các tài sản bảo đảm của lô trái phiếu này (quyền sử dụng đất và tài sản của nhà số 7, 8, 9 Trang Tử, phường 4, quận 5, TPHCM) từ 135 tỷ đồng xuống còn 75 tỷ đồng. Đồng thời, chấp thuận kéo dài thời gian xử lý tài sản bảo đảm đến hết ngày 30/04/2023.
Trên thực tế thì việc xử lý tài sản bảo đảm của lô trái phiếu TTDCH2122001 cũng đã không được thực hiện đúng tiến độ. Tại Nghị quyết của chủ sở hữu trái phiếu TTDCH2122001 ngày 17/06, các trái chủ đồng ý chưa xử lý tài sản bảo đảm đến hết ngày 30/07/2023 để Thái Tuấn có thêm thời gian hoàn thành việc xử lý tài sản bảo đảm và chấp thuận cho Công ty kéo dài thời gian thanh toán 75 tỷ đồng từ việc xử lý nhà số 7, 8, 9 Trang Tử đến hết ngày 30/07.
CTCP Tập đoàn Thái Tuấn tiền thân là CTCP Tập đoàn Thời trang Thái Tuấn, do doanh nhân Thái Tuấn Chí thành lập năm 2007. Hiện, ông Trần Hoài Nam làm Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật của công ty. Tháng 8/2021, Thái Tuấn tăng vốn điều lệ từ 380 tỷ đồng lên 1.680 tỷ đồng. Như vậy, việc nâng vốn của công ty này được diễn ra ngay sau khi 2 lô trái phiếu trị giá 800 tỷ đồng nêu trên được phát hành.
Tập đoàn Thái Tuấn nổi tiếng với thương hiệu vải Thái Tuấn, là một trong những doanh nghiệp dệt may cung cấp sản phẩm và dịch vụ thời trang hàng đầu Việt Nam, chuyên sản xuất vải dệt jacquard, vải in bông trên công nghệ in digital, vải đơn sắc, vải đa sắc…
Công ty ghi nhận mức doanh thu khá tốt trong những năm gần đây. Ngoại trừ năm 2020 doanh thu giảm mạnh xuống 440 tỷ đồng, do chịu tác động bởi dịch bệnh, còn các năm khác (2017-2021) đều duy trì trên ngưỡng 800 tỷ đồng.
Trong giai đoạn từ năm 2017-2020, tổng tài sản của Tập đoàn Thái Tuấn (theo báo cáo riêng lẻ) biến động khá thất thường, trên dưới 600 tỷ đồng, chủ yếu do hàng tồn kho và các khoản phải thu liên tục thay đổi.
Sau khi huy động 800 tỷ đồng trái phiếu, tổng tài sản công ty tăng vọt lên hơn 3.140 tỷ đồng, trong đó khoản mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng mạnh lên 300 tỷ đồng, cho thấy doanh nghiệp đang có động thái xây dựng nhà máy mới, trong bối cảnh các nhà máy cũ đã khấu hao gần hết.
Trung Anh (t/h)