Bảo đảm nguồn nước đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt
Với việc vận hành theo quy định của quy trình liên hồ, các hồ chứa nước đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ gây ra đối với khu vực hạ du các lưu vực sông lớn và cấp nước an toàn phục vụ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt ở hạ du.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú, dồi dào. Tổng lượng nước mặt trung bình khoảng 840 tỷ m3 /năm. Với hơn 7.500 đập, hồ chứa đã tạo nên dung tích trữ nước chủ động trên 70 tỷ m3. Nguồn nước là sự sống, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của đất nước, sinh kế của người dân. Do đó, bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân qua các thời kỳ.
Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp, đô thị chưa gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước, làm suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước, thậm chí gây mất an ninh nguồn nước; Công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước còn nhiều hạn chế; Công tác quản trị nguồn nước còn yếu, chưa hiệu quả; Ý thức, trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương và người dân trong việc quản lý, khai thác, sử dụng nước chưa cao; Ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng...
Việc vận hành theo quy định của quy trình liên hồ, các hồ chứa nước đã đóng góp vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh nguồn nước.
Trước tình hình đó, nhằm bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý; khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, ngày 23/6/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đề ra mục tiêu tổng thể dài hạn, các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn và yêu cầu triển khai 9 nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu để bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước.
Tại Kết luận số 36-KL/TW, Bộ Chính trị đã yêu cầu thực hiện các mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2025, 2030, 2045, gồm: Đến năm 2025, hoàn thành việc lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến nước; 95% hộ gia đình ở thành thị và 60% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước cho sản xuất, đặc biệt là các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung bộ, miền núi phía Bắc; cơ bản sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các đập, hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp, chưa đủ khả năng chống lũ theo thiết kế.
Đến năm 2030, cân đối đủ nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế-xã hội; 100% hộ gia đình ở thành thị và 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Giải quyết căn bản nước sinh hoạt cho các đảo có đông dân cư; hoàn thiện đồng bộ hệ thống công trình điều tiết nước mặn, nước ngọt, tích trữ nước trên các lưu vực sông lớn; hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng, chống lũ; bước đầu khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng tại một số lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi lớn; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và vận hành hệ thống theo dõi, đánh giá, giám sát an ninh nguồn nước quốc gia theo phương thức quản trị nguồn nước của quốc tế.
Đến năm 2045, chủ động được nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; dự báo, cảnh báo dài hạn để xử lý ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; kiểm soát và khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước tại các lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi; hoàn thiện chính sách về nước đồng bộ, thống nhất liên ngành, liên vùng, bảo đảm an ninh nguồn nước.
Xác định công tác bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên, liên tục, phải có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở và toàn xã hội, trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Với hơn 7000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện, trong đó có 134 hồ chứa lớn quan trọng, có khả năng điều tiết nguồn nước cho hạ du và đã được quy định vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông do Thủ tướng Chính phủ đã ban hành (gồm lưu vực sông Hồng, Mã, Cả, Hương, Vu Gia-Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn-Hà Thanh, Ba, Sê San, Srê Pốk và Đồng Nai). Thời điểm đầu mùa cạn năm 2023, Bộ TN&MT đã có văn bản về việc thực hiện các giải pháp cấp bách, giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du các lưu vực sông miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ các tháng cuối mùa cạn năm 2023.
Các địa phương chủ động, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước có thể xảy ra trên các lưu vực sông, bảo đảm cân đối đủ nguồn nước cấp cho hạ du các lưu vực sông.
Ngoài ra, Cục Quản lý tài nguyên nước đã có các văn bản đôn đốc, yêu cầu vận hành đối với các hồ chứa trên 11 lưu vực sông nhằm giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du các tháng cuối mùa cạn năm 2023, đặc biệt là đối với các hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia -Thu Bồn phải cấp nước an toàn cho sản xuất, sinh hoạt của các địa phương ở hạ du. Việc vận hành của các hồ chứa lớn trong quy trình đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ gây ra đối với khu vực hạ du các lưu vực sông lớn và cấp nước an toàn phục vụ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt ở hạ du.
Thời gian tới, để chủ động, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước có thể xảy ra trên các lưu vực sông, bảo đảm cân đối đủ nguồn nước cấp cho hạ du các lưu vực sông và để gia tăng hiệu quả trong vận hành liên hồ chứa, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát, hỗ trợ ra quyết định vận hành các hồ chứa theo quy định của các Quy trình vận hành liên hồ chứa, Cục Quản lý tài nguyên nước tiếp tục triển khai việc phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, EVN và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan tổ chức thực hiện nghiên cứu, đề xuất kế hoạch vận hành linh hoạt, điều tiết nước các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện lớn trên các lưu vực sông, trong đó có lưu vực sông Hồng-Thái Bình và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Cục Quản lý tài nguyên nước cũng đề xuất tổ chức nghiên cứu, xây dựng và công bố kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông lớn khi Luật Tài nguyên nước được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6 có hiệu lực thi hành. Cục cũng sẽ xây dựng cơ chế chính sách quy định các điều kiện để vận hành linh hoạt, hướng tới vận hành các hồ chứa tiệm cận theo thời gian thực, xây dựng hệ thống hỗ trợ ra quyết định để điều hành, vận hành các hồ chứa.
Đồng thời, đôn đốc các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành đập, hồ chứa nghiên cứu, đầu tư đồng bộ các giải pháp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đáp ứng các điều kiện, yêu cầu vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo thời gian thực và lập, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực khi hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đáp ứng các điều kiện, yêu cầu vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo thời gian thực.
Lê Mai