Ai sẽ chịu trách nhiệm cho “lời kêu cứu” của 4 sông nội đô Hà Nội?
Nhiều năm trở lại đây, hệ thống sông Tô Lịch - Kim Ngưu - Lừ - Sét đang bị ô nhiễm nặng nề bởi nước thải.
“Lá phổi đen” trong lòng Thủ đô
4 con sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét vốn được xem là linh hồn của thành phố nhờ vào những tiềm năng phong phú mà chúng có thể mang lại. Cụ thể, cấu trúc của đô thị Hà Nội được định hình và phát triển không gian dựa trên cấu trúc mặt nước tự nhiên; trong đó cấu trúc tự nhiên của các dòng sông trong nội đô đóng vai trò xương sống, cấu thành hình thái cấu trúc cảnh quan đô thị cổ Hà Nội. Đây là những yếu tố địa lý cơ bản giúp định hình hệ thống xóm làng và mạng lưới giao thông của đô thị cổ.
Bên cạnh đó, những dải đất tự nhiên ven sông đóng vai trò là không gian xanh rất quan trọng trong hệ sinh thái của đô thị. Đồng thời, nơi giao thoa các dòng sông cũng là nơi bố trí các chợ ven đô, chợ cửa ô trong quá khứ. Không chỉ dừng ở đó, 4 dòng sông kể trên còn giữ vai trò đặc biệt đối với các giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội - Thành phố sông hồ.
Tuy nhiên, đến nay, các dòng sông nội đô đều ở mức ô nhiễm từ vừa đến nặng. Chỉ số DO cho thấy sức khỏe dòng sông suy giảm rõ rệt, đặc biệt là đánh giá theo chuỗi thời gian 10 năm trở lại đây của Sở Tài nguyên & Môi trường, phối hợp với các cơ quan trên địa bàn thành phố. Rõ ràng, dưới sức ép ngày càng tăng của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hoá, đặc biệt là sức ép dân số cơ học tại Thủ đô, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị dần trở nên quá tải, kéo theo hệ quả báo động đỏ do ô nhiễm môi trường tại các con sông chảy qua TP.Hà Nội .
4 dòng sông nội đô giờ đây khó có thể coi là linh hồn hay lá phổi xanh của thành phố mà đã dần biến đổi thành “lá phổi đen”, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình môi trường cũng như sức khỏe người dân.
Kỳ vọng về sự vực dậy của 4 con sông nội đô
Thực tế, việc phục hồi lại chất lượng nước, môi trường và cảnh quan 4 con sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét là một trong những nhiệm vụ của Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 về xử lý vấn đề môi trường được UBND Thành phố phê duyệt từ tháng 12/2021.
Công tác cải thiện chất lượng nước sông, đặc biệt là các quận nội đô đã được thành phố quan tâm, chỉ đạo. Trong nhiều năm qua, Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp cải tạo các dòng sông bao gồm xây đê, kè bờ, xây đập và cống ngăn, thậm chí cả lấp bớt một phần sông (trường hợp sông Tô Lịch) hoặc cống hoá sông, mương. Song, dù đã có nhiều công trình được triển khai nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm.
Nguyên nhân xuất phát từ các vấn đề nguồn lực hạn chế, phụ thuộc vốn vay, đầu tư dàn trải, chắp vá, không đồng bộ, nhiều giải pháp mang tính kỹ thuật không phù hợp hoặc không khả thi cộng thêm thiếu việc huy động xã hội hoá trong đầu tư nâng cấp cải tạo. Mặt khác còn là sự thiếu đi các giải pháp liên quan đến cơ chế, chính sách, vốn, tài chính, tuyên truyền, vận động, sự tham gia của người dân,…
Dựa trên tình hình đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đang đánh giá lại các quy hoạch, đề án đã được duyệt trước đây nhằm hoàn thiện để trình UBND TP. Hà Nội xem xét phê duyệt, triển khai Đề án "Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét". Thêm vào đó, Sở cũng đặt ra mục tiêu sẽ ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo chất lượng môi trường nước trên hệ thống sông nội đô, đáp ứng các quy chuẩn về môi trường.
Ở một góc nhìn khác, nếu đề án muốn đi vào thực tiễn thì cần có sự quan tâm và chú trọng từ các cấp, ban ngành liên quan đến người dân thành phố. Suy cho cùng, 4 dòng sông nội đô chỉ có thể được giải cứu khi và chỉ khi có sự đồng bộ về cả nhân lực, vật lực lẫn nguồn lực.
Hải Ly