Agribank được tăng vốn điều lệ lên hơn 51.600 tỷ đồng
NHNN vừa quyết định điều chỉnh vốn điều lệ của Agribank lên mức hơn 51.600 tỷ đồng. Dù có mức tăng vốn lớn nhưng Agribank vẫn có vốn điều lệ thấp nhất trong nhóm Big4 và đang xếp thứ 7 toàn ngành.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây có quyết định về việc sửa đổi nội dung về vốn điều lệ tại giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank)
Theo đó, vốn điều lệ của Agribank được tăng từ 40.963 tỷ đồng lên 51.639 tỷ đồng kể từ 4/10/2024. Đây là một bước tiến quan trọng giúp Agribank cải thiện năng lực tài chính và đảm bảo khả năng mở rộng hoạt động.
Với mức vốn điều lệ mới, Agribank hiện là ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ 7 trong toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, so với nhóm Big4, Agribank vẫn có mức vốn điều lệ thấp nhất và đứng sau ba ngân hàng thương mại cổ phần là MB (hơn 52.100 tỷ đồng) và Techcombank (70.450 tỷ đồng) và VPBank (hơn 79.300 tỷ đồng).
Báo cáo tài chính bán niên 2024 của Agribank cũng đã ghi nhận vốn điều lệ ở mức 51.639 tỷ đồng vào cuối tháng 6. Điều này cho thấy"ông lớn" ngân hàng này đã được tăng vốn trong nửa đầu năm nay.
Trước đó, tại Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV đã chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021 - 2030 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2023 của ngân hàng, tối đa là 17.100 tỷ đồng.
Nghị quyết nêu rõ, trong năm 2023, bố trí 6.753 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương đã được Quốc hội phê duyệt để tăng vốn cho Agribank và năm 2024 sẽ bổ sung thêm tối đa 10.347 tỷ đồng.
Dù được phê duyệt tăng vốn hơn 17.000 tỷ đồng trong năm 2023 và 2024 nhưng Chủ tịch Agribank Phạm Đức Ấn cho biết số vốn tăng thêm này cũng chỉ đủ cho tăng trưởng tín dụng của Agribank đến năm 2024. Ông cũng dự báo rằng, để tiếp tục tăng trưởng tín dụng 10% trong năm 2025, Agribank sẽ cần thêm 10.000 tỷ đồng vốn điều lệ.
Tuy vậy, việc Agribank tăng vốn điều lệ lên hơn 51.600 tỷ đồng mang lại nhiều lợi thế quan trọng. Ngân hàng sẽ có thêm nguồn lực để mở rộng quy mô cho vay, đáp ứng nhu cầu tín dụng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bền vững. Điều này cũng giúp cải thiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR), đảm bảo hoạt động an toàn hơn.
Agribank hiện vẫn duy trì tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất ở mức trên 9,2% vào cuối năm 2023. Với mức vốn điều lệ mới, ngân hàng này sẽ có thêm nguồn lực để duy trì tăng trưởng và mở rộng hoạt động trong tương lai.
Về kết quả kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm, Agribank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 13.269 tỷ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện 49,2% kế hoạch cả năm (26.960 tỷ đồng). Cả thu nhập lãi thuần và thu ngoài lãi của Agribank đều ghi nhận kết quả tích cực. Nhưng do ngân hàng này đã tăng trích lập dự phòng khiến lợi nhuận đi xuống so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của Agribank đạt 2,08 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với thời điểm cuối năm 2023, tụt xuống vị trí thứ ba trong nhóm Big4, sau BIDV và VietinBank. Agribank vẫn giữ vị trí dẫn đầu về tiền gửi khách hàng. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này đã được cải thiện 0,01 điểm %, xuống 1,84% vào cuối quý II.
Mai Anh