7 tháng đầu năm, vốn FDI đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh hơn 16 tỷ USD
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/7/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2023.
Đáng chú ý, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2023 đạt 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước (bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài).
Chỉ tính riêng trong tháng 7/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt hơn 2,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với tháng 6/2023; tăng 41,9% so với tháng 5/2023 và tăng 85,7% so với cùng kỳ tháng 7/2022.
Tính chung 7 tháng đầu năm, có 1.627 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt gần 7,94 tỷ USD, tăng 75,5% về số dự án và tăng 38,6% về số vốn so với cùng kỳ.
Có 736 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, 1.627 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7 ước đạt 58,5 nghìn tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 291 nghìn tỷ đồng, bằng 41,3% kế hoạch năm và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 39,7% và tăng 12,3%).
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2023 ước đạt 11,58 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 7 tháng năm 2023 có 69 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn là 149,2 triệu USD, giảm 52,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, có 17 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 171,4 triệu USD, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 320,6 triệu USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong 7 tháng đầu năm, đã có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 3,64 tỉ USD, chiếm hơn 22,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 15,5% so với cùng kỳ 2022.
Hàn Quốc đứng thứ 2 với gần 2,34 tỉ USD, chiếm 14,4% tổng vốn đầu tư, giảm 28,2% so với cùng kỳ. Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,33 tỉ USD, chiếm gần 14,4% tổng vốn đầu tư, tăng 77,8% so với cùng kỳ.
Về địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 52 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 7 tháng năm 2023. Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,28 tỉ USD, chiếm gần 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,76 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Hải Phòng xếp thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2 tỉ USD, chiếm hơn 12,3% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 96,5% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bình Dương…
Xét về số các dự án, TP.HCM là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (39,5%), số lượt dự án điều chỉnh (24,7%) và góp vốn mua cổ phần (69%).
Về giải ngân vốn, tới 20/7, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 11,58 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 0,3 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm.
Theo Báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng DBS - tập đoàn dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia hàng đầu của Singapore, bất chấp những cơn gió ngược theo chu kỳ, FDI vẫn là "cơn gió thuận" đối với Việt Nam trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.
Báo cáo của DBS đánh giá Việt Nam vẫn là nước hưởng lợi chính từ sự chuyển dịch sản xuất hoặc đồng sản xuất nhờ các yếu tố thuận lợi riêng gồm chi phí cạnh tranh cho lực lượng lao động tương đối lành nghề.
Ngoài ra, nhờ việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam được đánh giá có triển vọng tăng trưởng trung hạn tươi sáng ở mức 6 - 7% và hệ sinh thái điện tử đang phát triển.
"Điểm nổi bật là dòng vốn FDI mới đổ vào lĩnh vực sản xuất tăng mạnh trong năm 2023, bất chấp những khó khăn kinh tế toàn cầu và những hạn chế khác sau đại dịch Covid-19", báo cáo của DBS nhấn mạnh.
Trong 7 tháng đầu năm, tại TP.HCM - đầu tàu kinh tế của cả nước, vốn đầu tư thực hiện xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện đạt 20.295,5 tỷ đồng, tăng 45,3% so với cùng kỳ.
Cục Thống kê TPHCM cho biết, riêng trong tháng 7, vốn đầu tư thực hiện đạt 4.842,5 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 57,6% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách cấp thành phố đạt 20.052,1 tỷ đồng, tăng 43,1%, vốn ngân sách cấp huyện đạt 241,4 tỷ đồng, tăng 55,8%.
Lan Anh