Tổng Công ty Xây dựng số 1: Nợ vay cao, cắt giảm hơn một nửa quy mô nhân sự
Tại ngày 30/6/2023, toàn hệ thống Tổng công ty Xây dựng số 1, thành viên trong Liên danh Vietur chỉ còn 867 người, giảm 51% so với cuối năm 2022.
Liên danh Nhà thầu Xây dựng Vietur đang nhận được sự quan tâm lớn trên thị trường khi trở thành ứng cử viên duy nhất lọt vào “chung kết” gói thầu 35.000 tỷ đồng, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật ở sân bay Long Thành, Đồng Nai.
Tuy nhiên, sau khi thông tin này được công bố, Liên danh Hoa Lư, một đối thủ đã bị loại hồ sơ gói thầu đã gửi đơn khiếu nại.
Xét đơn kiến nghị của Liên danh Hoa Lư, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, giải quyết đơn kiến nghị nêu trên theo theo quy định pháp luật.
Từ đây, “sức khỏe” và năng lực của các thành viên trong các Liên danh tham gia đấu thầu bao gồm Liên danh Vietur trở thành tâm điểm của thị trường. Trong đó, Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) gây ngạc nhiên khi quy mô nhân sự giảm hơn một nửa chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023.
Cắt giảm hơn một nửa quy mô nhân sự
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023, tại ngày 30/6/2023, tổng số nhân viên của CC1 chỉ là 867 người, giảm 900 người, tương đương 51% so với cuối năm 2022. Có thể thấy, với 867 người, quy mô nhân sự của CC1 đã xuống “đáy” trong rất nhiều năm gần đây.
Trước đó, quy mô nhân sự tại CC1 lớn hơn rất nhiều: Cuối năm 2021 là 1.635 người, năm 2020 là 1.994 người, năm 2019 là 1995 người, năm 2018 là 1.821 người, năm 2017 là 1.783 người, năm 2016 là 2.144 người.
Tình hình lương thưởng trong kỳ tại CC1 không được công bố tuy nhiên tại bộ phận quản lý doanh nghiệp, có thể dễ dàng thấy thù lao người lao động hao hụt đáng kể.
Cụ thể, chi phí nhân viên quản lý trong kỳ giảm từ 84,4 tỷ đồng xuống chỉ còn 64,1 tỷ đồng. Nhờ đó, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 140 tỷ đồng xuống còn 89,8 tỷ đồng.
Tài sản giảm 1.168 tỷ đồng
Bất chấp nỗ lực cắt giảm quy mô hoạt động để tiết kiệm chi phí nhưng trong kỳ, tổng tài sản tại CC1 vẫn hao hụt mạnh.
Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của CC1 chỉ đạt 14.415 tỷ đồng, giảm 1.168 tỷ đồng, tương đương 7,5% so với cuối năm 2022. Trong đó, chỉ tiêu quan trọng nhất cho hoạt động là tiền giảm mạnh nhất.
Hồi cuối quý II/2023, tiền và các khoản tương đương tiền tại CC1 chỉ còn 897 tỷ đồng, giảm 742 tỷ đồng, tương đương 45,3%. Đứng sau tiền về tốc độ giảm là các khoản phải thu ngắn hạn (giảm 395 tỷ đồng, tương đương 5,4% xuống 6.906 tỷ đồng); Hàng tồn kho (giảm 273 tỷ đồng, tương đương 27,1% xuống 733 tỷ đồng).
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả sụt giảm nhẹ, từ 11.421 tỷ đồng xuống 10.363 tỷ đồng nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguốn vốn, lên đến 79,2%. Có thể thấy, hoạt động của CC1 chủ yếu được tài trợ bởi nợ.
Trong nợ phải trả, nợ vay là con số nổi bật. Tổng nợ vay tại CC1 đạt 6.629 tỷ đồng, cao gấp 1,64 lần vốn chủ sở hữu.
Nợ vay khiến CC1 thua lỗ
Trong quý II/2023, bức tranh tài chính của CC1 xấu đi. Bên cạnh doanh thu sụt giảm, chi phí lãi vay tăng cao đã khiến công ty thua lỗ.
Cụ thể, trong quý II/2023, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của CC1 đạt 1.237 tỷ đồng, giảm 355 tỷ đồng, tương đương 22,3% so với quý II/2022; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 1.782 tỷ đồng, giảm 985 tỷ đồng, tương đương 35,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, CC1 nỗ lực tiết giảm chi phí. Chi phí quản lý doanh nghiệp 6 tháng đầu năm giảm từ 89,8 tỷ đồng; Chi phí bán hàng giảm từ 14,6 tỷ đồng xuống 391 triệu đồng.
Thế nhưng, chi phí lãi vay quá cao đã “xóa” đi những nỗ lực tiết kiệm kể trên. Trong quý II/2023, chi phí tài chính giảm từ 136 tỷ đồng xuống 132 tỷ đồng nhưng chi phí lãi vay lại tăng từ 104 tỷ đồng lên 125 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm chi phí tài chính giảm từ 209 tỷ đồng xuống 197 tỷ đồng nhưng chi phí lãi vay lại tăng từ 180 tỷ đồng lên 189 tỷ đồng.
Kết quả là trong quý II/2023, CC1 thua lỗ 2,5 tỷ đồng dù quý II/2022 lãi 13,3 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm lợi nhuận sau thuế giảm 23,9 tỷ đồng, tương đương 80,5% xuống 5,8 tỷ đồng.