Tiền Giang: Giải pháp để phát triển du lịch theo hướng bền vững
Nhằm phát huy những tiềm năng và lợi thế về du lịch, UBND tỉnh Tiền Giang đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển ngành du lịch bền vững và hiệu quả trong thời gian tới.
Tiền Giang là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng khi đang sở hữu 22 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia (trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt) và 162 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh gắn liền tên tuổi các anh hùng dân tộc, các sự kiện văn hóa lịch sử đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến như: Di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút, di tích chiến thắng Ấp Bắc, lăng Trương Định, lăng Hoàng Gia, đền thờ Thủ Khoa Huân, chùa Vĩnh Tràng, đình Long Hưng, di tích khảo cổ Óc Eo - Gò Thành...
Bên cạnh đó, Tiền Giang có không khí trong lành, thoáng mát, người dân có lối sống chân chất, nhiệt tình và nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc trưng của người dân vùng sông nước miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng là những điểm để thu hút du khách. Đây là điều kiện khá thuận lợi để tỉnh phát triển du lịch bền vững và hiệu quả trong thời gian qua và trong thời gian tới.
Ngoài ra, với lợi thế về khoảng cách và điều kiện giao thông thuận tiện gần TP Hồ Chí Minh nên những điểm du lịch của Tiền Giang như: Mỹ Tho, Cái Bè, cù lao Thới Sơn… đã từng bước là những điểm đến nổi bật và có thương hiệu không thể thiếu đối với khách du lịch quốc tế khi từ TP Hồ Chí Minh đến với các tuyến điểm du lịch vùng ĐBSCL.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, công tác phát triển sản phẩm du lịch luôn được tỉnh chú trọng. Tỉnh đã đẩy mạnh khai thác các sản phẩm sông nước miệt vườn ở cù lao Thới Sơn (TP. Mỹ Tho); tham quan Làng cổ Đông Hòa Hiệp, chợ nổi và làng nghề truyền thống (huyện Cái Bè); vườn cây ăn trái cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy); tham quan khu du lịch biển Tân Thành, Trại rắn Đồng Tâm, di tích lịch sử Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút; chiến thắng Ấp Bắc; tham quan các làng nghề truyền thống, thưởng thức trái cây đặc sản, ẩm thực, nghe đờn ca tài tử… Tỉnh còn thực hiện liên kết, hợp tác phát triển vùng để cùng khai thác, bổ sung sản phẩm đặc trưng cho nhau giữa các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, có 2 khu du lịch là Cái Bè và Thới Sơn thực hiện liên kết tuyến du lịch trong tỉnh với các tuyến ngoài tỉnh khá hiệu quả.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay du lịch Tiền Giang nhìn chung vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh như: mức chi tiêu của khách du lịch còn thấp; dịch vụ du lịch chưa đa dạng và phong phú; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng điểm đến chưa cao; các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành ở Tiền Giang có qui mô vừa và nhỏ, cơ sở hạ tầng phát triển du lịch chưa được đầu tư tương xứng với nhu cầu phát triển du lịch; việc mời gọi đầu tư các dự án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn khiêm tốn, chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược...
Về vấn đề này, Thạc sỹ Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn cho rằng, Tiền Giang cần chú ý đến một trong những yếu tố then chốt phát triển du lịch bền vững, đó là đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng nhu cầu khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ hậu COVID-19. Về lâu dài, ngành Du lịch tỉnh cần xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch một cách cụ thể, khả thi, đáp ứng được nhu cầu thực tế, mang tính dài hơi. Công tác đào tạo nguồn nhân lực phải gắn với các chính sách thu hút nhân lực, chính sách giữ chân người lao động…
Tương tự, lãnh đạo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, giải pháp thúc đẩy liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố và tỉnh Tiền Giang nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch giữa hai địa phương một cách căn cơ, hiệu quả, bền vững. Trong đó, chú trọng các nội dung xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng gắn liền với tài nguyên sinh thái sông nước miệt vườn; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch để thu hút du khách; liên kết phát triển sản phẩm du lịch địa phương gắn với định hướng của tiểu vùng Đồng Tháp Mười, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long… Từ đó, phát huy tốt hơn vai trò Thành phố Hồ Chí Minh và Tiền Giang là cầu nối du lịch cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp cho sự phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Thành Diệu cho rằng, các tham luận, ý kiến đều khẳng định việc phát triển du lịch phải không ngừng đổi mới mạnh mẽ bởi hiện đã xuất hiện những nhu cầu mới, đòi hỏi mới, cảm nhận mới. Hội thảo đặt ra vấn đề rất quan trọng là phải tập trung, nâng cao hơn nữa công tác phát triển du lịch. Trước tiên là thay đổi và luôn luôn đổi mới sản phâm du lịch.
Ngoài ra, trong thời đại hiện nay, phải xây dựng một hệ du lịch chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu du lịch trong, ngoài nước, hướng đến lâu dài. Hội thảo cũng đặt ra vấn đề là phải phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đồng bộ, hệ thống. Đồng thời, phải có sự kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong phát triển du lịch…
Năm 2019, Tiền Giang đón 2,1 triệu lượt khách, trong đó có trên 850.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu hoạt động du lịch đạt 1.160 tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào GRDP của tỉnh và góp phần tạo động lực phát triển cho các ngành kinh tế khác.
Sau 2 năm bị tác động của đại dịch Covid-19, ngành đã và đang tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm sớm phục hồi ngành Du lịch. Theo đó, 10 tháng năm 2022, tổng lượng khách du lịch đến tỉnh trên 600.000 lượt, trong đó có 36.000 lượt khách quốc tế, doanh thu trên 300 tỷ đồng.
Phạm Thạch