Thị trường kem chống nắng cháy hàng
Kem chống nắng, món đồ từng bị xem nhẹ, giờ đây trở thành “vật bất ly thân” của hàng triệu người Việt. Bước vào hè, thị trường này bùng nổ mạnh mẽ…
Thị trường tỷ đô
Chớm hè, chị Nguyễn Phương Thảo, nhân viên văn phòng tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội không ngần ngại chi gần 1 triệu đồng mua 2 tuýp kem chống nắng, một cho da mặt, một cho cơ thể, và một dòng mới "có finish lì như phấn phủ" mà đồng nghiệp giới thiệu.
"Mùa này, không có kem chống nắng tôi không dám ra khỏi nhà," chị Thảo cho biết.
Chị Thảo là một trong hàng triệu khách hàng của thị trường kem chống nắng tiềm năng.

Theo báo cáo của Research and Markets, thị trường kem chống nắng toàn cầu được định giá khoảng 13 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ chạm mốc 30 tỷ USD vào năm 2027.
Tại Việt Nam, các nhà bán lẻ mỹ phẩm như Guardian, Watsons, và hệ thống cửa hàng xách tay đều ghi nhận doanh số kem chống nắng tăng từ 30-50% trong giai đoạn từ tháng 4-8 hằng năm.
Ông Trần Hữu Phúc - đại diện một chuỗi bán lẻ mỹ phẩm tại Hà Nội chia sẻ: "Chúng tôi thường phải tăng lượng hàng nhập gấp đôi từ cuối tháng 3. Khách giờ không chỉ quan tâm đến SPF bao nhiêu mà còn chú ý đến thành phần dưỡng da, khả năng chống nước và cả tính thẩm mỹ sau khi thoa".
Sử dụng kem chống nắng đang dần trở thành một phần trong văn hóa chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp của người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ. Theo ghi nhận tại nhiều shop mỹ phẩm trong trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu như: SK-II, The Face Shop, Dior Beauty, L’occitane, Lush… sản phẩm chống nắng đa dạng: Kem, gel, sữa, dạng xịt, dạng thỏi, dạng bột phủ…
Nổi bật trong cuộc đua hè này là các thương hiệu như: Anessa, La Roche-Posay, Eucerin, Supergoop... và cả các tên tuổi mới nổi trong nước như Skinna hay Murad Việt Nam.
Chị Nguyễn Khánh Linh, 24 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học, chia sẻ: "Trước đây, mình chỉ dùng một loại kem chống nắng duy nhất quanh năm. Giờ mình có loại riêng cho đi học, một loại không trôi khi đi biển và một tuýp ‘tone-up’ để thay cho kem nền".
Một điều thú vị là nam giới cũng đang đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng của thị trường này. Các hãng mỹ phẩm ghi nhận mức tăng trưởng từ 15-20% đối với dòng sản phẩm dành riêng cho nam giới hoặc unisex. Những loại không màu, không bóng, thẩm thấu nhanh được phái mạnh ưa chuộng để bảo vệ da mà không làm mất vẻ "nam tính".
Tại một hiệu thuốc lớn ở Hà Nội, một nhóm nam học sinh lớp 12 đang chọn kem chống nắng sau buổi tan học. "Bọn em sắp thi tốt nghiệp, ngồi học cả ngày mà nắng thì chói chang, có đứa bị nám rồi," một em tên Khang chia sẻ.
Nhu cầu tăng đột biến, nhiều nơi cháy hàng
Tại chuỗi cửa hàng Guardian, các sản phẩm chống nắng phổ thông như: Anessa, La Roche-Posay, Biore được cập nhật hàng liên tục. "Từ đầu tháng 5, doanh số tăng gấp đôi so với tháng 3. Có ngày khách vào chỉ hỏi mỗi… kem chống nắng", một nhân viên bán hàng chia sẻ.

Một số thương hiệu nội như Thorakao, Cocosin, Skinna đã tung ra các sản phẩm chống nắng với giá mềm và thành phần tự nhiên. Dù chưa thể cạnh tranh về công nghệ, nhưng chiến lược tập trung vào phân khúc bình dân và an toàn cho da nhạy cảm giúp họ có nhóm khách hàng riêng.
Theo ghi nhận từ Nielsen Việt Nam, mùa cao điểm của sản phẩm chống nắng thường kéo dài từ tháng 4 đến hết tháng 9. Trong bối cảnh nhu cầu làm đẹp và bảo vệ da ngày càng được quan tâm, phân khúc này vẫn còn dư địa lớn, nhất là khi thói quen dùng kem chống nắng không chỉ giới hạn ở nữ giới mà đã lan sang nam giới và cả trẻ em.
Các chiến dịch khuyến mãi, livestream tư vấn, quảng bá trên TikTok và Instagram diễn ra dồn dập. Nhiều doanh nghiệp hợp tác với bác sĩ da liễu và KOLs để tăng độ tin cậy. Một đại diện truyền thông của Watsons Việt Nam tiết lộ: "Chúng tôi đang kết hợp với trường học và các phòng gym để mở rộng kênh tiếp cận".
Trên Shopee và Lazada, nhiều sản phẩm kem chống nắng của Hàn Quốc và Nhật Bản liên tục nằm top tìm kiếm. Thậm chí, các dòng nội địa Trung giá rẻ cũng "cháy hàng" trong các đợt sale.
Bên cạnh đó, các hãng cũng tung ra chiêu về cuộc đua công nghệ: Từ chống tia UV đến bảo vệ làn da toàn diện không còn đơn thuần là chống nắng, các sản phẩm năm nay được "nâng cấp" rõ rệt như Sunplay Skin Aqua ra dòng Essence kiêm dưỡng ẩm. La Roche-Posay tích hợp công nghệ chống ô nhiễm đô thị. Some By Mi thêm thành phần phục hồi da sau nắng như niacinamide, chiết xuất rau má…
Đặc biệt, sản phẩm chống nắng dạng xịt, dạng sữa và dạng gel đang lên ngôi nhờ tiện lợi và phù hợp với da dầu trong thời tiết oi bức.
Cảnh giác với hàng trôi nổi, quảng cáo "thần thánh"
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa đình chỉ lưu hành và thu hồi 7 sản phẩm kem chống nắng trên toàn quốc trong thời gian gần đây do không đạt tiêu chuẩn chất lượng, bao gồm: Asia Whitening Cream SPF 50+; Coverderm Filteray SPF50+; Careleeser; SH Today SPF30; Linh Chi Vàng UV Cream; |Hasumi SPF30; Vaseline Vitamin E SPF50 (GOCIRCLE).
Chị Nguyễn Thị Mai (Q.3, TP.HCM) cho biết từng mua kem chống nắng được quảng cáo "3 trong 1: chống nắng - make up - dưỡng da" nhưng chỉ sau 2 lần dùng đã bị nổi mụn. Trên TikTok, nhiều "hot beauty reviewer" quảng cáo các sản phẩm không rõ nguồn gốc, khiến người tiêu dùng dễ bị thu hút bởi hiệu ứng mà bỏ qua chất lượng.
Theo các chuyên gia da liễu, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm có chỉ số SPF 30 trở lên, thành phần rõ ràng, thương hiệu uy tín và mua tại kênh phân phối chính hãng để đảm bảo an toàn. Sản phẩm kem chống nắng giả mang thương hiệu nổi tiếng đang là một vấn nạn đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng và uy tín của các hãng mỹ phẩm chính hãng.

Dược sĩ Phạm Nhung skin Homespa cảnh báo, khi sử dụng kem chống nắng giả thường không chứa thành phần chống tia UV đạt chuẩn, khiến da vẫn bị tổn thương dưới nắng. Đồng thời gây kích ứng, dị ứng da… Nhiều sản phẩm giả chứa hóa chất rẻ tiền, không qua kiểm định, dễ gây nổi mẩn, viêm da, thậm chí bỏng nắng. Nguy cơ tích tụ độc tố lâu dài nếu dùng thường xuyên có thể khiến da xỉn màu, lão hóa sớm hoặc tiềm ẩn nguy cơ ung thư da.
Dược sĩ Nhung cảnh báo những thương hiệu thường bị làm giả như: Anessa (Nhật Bản), La Roche-Posay (Pháp), Vichy (Pháp), Biore (Nhật Bản), Some By Mi, Innisfree (Hàn Quốc)… Vì vậy, nên mua sản phẩm tại các cửa hàng chính hãng hoặc nhà thuốc uy tín, kiểm tra kỹ bao bì, nhãn mác, hạn sử dụng và tem chống hàng giả.