0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ hai, 10/04/2023 09:35 (GMT+7)

Phú Thọ: Cần làm rõ việc san gạt hàng chục ha đất rừng ở Đoan Hùng

Theo dõi KT&TD trên

Tại Đoan Hùng, hàng chục nghìn m2 đất lâm nghiệp và nông nghiệp bị đào bới băm vạt để mở ra một con đường rộng tới 10 mét chạy dài khoảng 2km.

Ngày 7/2/2023, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành văn bản số 303/UBND-KTN về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật và phòng chống cháy rừng năm 2023...

Văn bản cũng nêu rõ, UBND các huyện, thành, thị: Chỉ đạo thực hiện đảm bảo các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển rừng năm 2023 trên địa bàn. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền các xã, thị trấn, các chủ rừng tăng cường biện pháp quản lý, bảo vệ rừng; quản lý chặt chẽ diện tích rừng, đất rừng theo quy hoạch; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhất là đối với rừng tự nhiên, tránh tình trạng lợi dụng việc chuyển mục đích sử dụng rừng để phá rừng trái pháp luật.

Tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng điều tra, làm rõ đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các vụ án hủy hoại rừng, vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản trong thời gian qua trên địa bàn quản lý nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung; xử lý trách nhiệm của các chủ rừng và các tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn quản lý.

Tuy nhiên, văn bản chỉ đạo của tỉnh vẫn chưa ráo mực thì tại huyện Đoan Hùng lại có việc một số đơn vị thi công dùng máy móc mở đường, san gạt trên một diện tích lớn, tác động tới nhiều diện tích đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp của người dân và đất lâm nghiệp do UBND địa phương quản lý...

Phú Thọ: Cần làm rõ việc san gạt hàng chục ha đất rừng để làm khu sinh thái ở Đoan Hùng - Ảnh 1
Một phần diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp được san gạt. Trong quá trình thi công đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Ghi nhận của PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường vào ngày 29/3/2023 trên địa bàn 2 xã Phú Lâm, Tây Cốc (huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) cho thấy, hàng chục nghìn m2 đất lâm nghiệp và nông nghiệp bị đào bới băm vạt để mở ra một con đường rộng tới 10 mét chạy dài khoảng 2km.

Phú Thọ: Cần làm rõ việc san gạt hàng chục ha đất rừng để làm khu sinh thái ở Đoan Hùng - Ảnh 2
Cạnh đó, một đường điện dân dụng đang được thi công, với những cây cột bằng bê tông cao tới 7 - 8m, chôn kiên cố thành hàng dài thẳng tắp.

Theo người dân, đây là một dự án sinh thái cây xanh có diện tích khoảng trên dưới 30 ha. Được xây dựng trên đất lâm nghiệp tại thôn Bằng Tường (xã Phú Lâm) và thôn Phúc Khuê (xã Tây Cốc). Tuy nhiên, người dân không thấy có biển bảng về dự án cũng như chưa được họp ở thôn để được phổ biến về việc "có dự án được triển khai".

Đáng nói, hoạt động san gạt ở đây không những mập mờ về thông tin như không có biển bảng thông báo về dự án (nếu có) việc công bố các giấy tờ về thủ tục môi trường tại trụ sở UBND xã cũng như công khai lấy ý kiến người dân (theo quy định tại luật BVMT đối với các dự án lớn) cũng chưa được thực hiện, ngoài ra hoạt động san gạt còn gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người dân địa phương.

Theo quan sát của PV, nhiều quả đồi bát úp nơi đây đã bị đơn vị thi công làm biến dạng, một con đường rộng thênh thang cắm thẳng vào khu đất đồi trung du đang trong quá trình hình thành từng hạng mục. Nhiều công trình xây dựng dạng bể nước rộng hàng trăm m2 bị bỏ dở, chỏng chơ giữa đỉnh đồi...

Phú Thọ: Cần làm rõ việc san gạt hàng chục ha đất rừng để làm khu sinh thái ở Đoan Hùng - Ảnh 3
Nhiều công trình xây dựng tại đây đã bắt đầu được hoàn thiện.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức L. - người dân sinh sống gần đó cho biết: “Đơn vị thi công ở đây đã được khoảng hơn 2 tháng, và họ cũng có trao đổi qua với người dân xin đất làm đường.

Hiện tại, đơn vị thi công không đền bù gì cả. Họ nói tạm thời các gia đình có đường đi qua cứ chấp nhận hiến đất. Khi nào họ xin được dự án sẽ có kế hoạch hỗ trợ sau".

Ngoài ra, một số diện tích đất ruộng trồng lúa đã lên xanh mơn mởn, đơn vị thi công đã lấp một phần và đắp đập cho nên hiện tại những người dân có đất xung quanh cũng không thể canh tác được nữa.

Phú Thọ: Cần làm rõ việc san gạt hàng chục ha đất rừng để làm khu sinh thái ở Đoan Hùng - Ảnh 4
Con đường mới được san gạt rộng khoảng 10m, chạy dài khoảng 2km.

Liên quan đến vụ việc trên, ông Phạm Văn Hạnh - Trưởng thôn Phúc Khuê (xã Tây Cốc) cho biết: Mặc dù thời gian thi công đã lâu, nhưng địa phương cũng không hề nhận được bất cứ thứ giấy tờ nào hết, được biết do diện tích xây dựng nằm trên địa bàn của 2 xã Phú Lâm và Tây Cốc nên việc quản lý tương đối khó khăn.

Phú Thọ: Cần làm rõ việc san gạt hàng chục ha đất rừng để làm khu sinh thái ở Đoan Hùng - Ảnh 5
Nhiều khu vực được ngăn ao, đắp đập...

Ông Vinh - Trưởng thôn Bằng Tường (xã Phú Lâm) cũng cho biết thêm : “Diện tích đang được đào xới trên là đất lâm nghiệp, đơn vị này đã tự mua của các hộ dân xung quanh nói là để làm dự án cây xanh. Theo diện tích trên sổ của các hộ dân tại khu vực đó khoảng trên 30ha, còn về hồ sơ pháp lý, giấy phép xây dựng hay là thông tin quy hoạch dự án chúng tôi cũng chưa được nhìn thấy bao giờ”.

Trả lời Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Bùi Duy Hường - Chủ tịch UBND xã Phú Lâm cho biết: “Diện tích khu vực trên khoảng 30ha, do Siêu thị ô tô Ánh Lý có trụ sở chính tại khu 8, xã Sóc Đăng (Đoan Hùng, Phú Thọ) mua của người dân xung quanh và là đơn vị thi công tại đây.

Về dự án, chúng tôi cũng có nghe và cũng đã làm việc với phía Công ty, họ cũng có nói là đã có giấy phép, hồ sơ dự án. Chúng tôi cũng đã đề nghị họ cũng cấp cho UBND xã Phú Lâm một bộ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại xã vẫn chưa nhận được bất cứ giấy tờ nào từ phía Công ty trên”.

Phú Thọ: Cần làm rõ việc san gạt hàng chục ha đất rừng để làm khu sinh thái ở Đoan Hùng - Ảnh 6
Nhiều diện tích đất lâm nghiệp bị băm vạt nham nhở.

Để có được những thông tin khách quan hơn, ngày 4/4, PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã làm việc với ông Bùi Như Ánh – Giám đốc Siêu thị ô tô Ánh Lý, và được ông này cho biết: “Về giấy tờ pháp lý dưới Tổng Công ty giữ và quản lý, chứ tôi cũng không có bộ nào ở đây…”

Phóng viên cũng đề nghị ông Ánh cung cấp các hồ sơ, giấy tờ về thủ tục môi trường để thông tin được khác quan nhất. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại phía đơn vị Ánh Lý cũng vẫn chưa cung cấp bất cư thông tin, tài liệu nào.

Tiếp tục trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Đỗ Lương Bằng - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Đoan Hùng (Phú Thọ) cho hay: “Trước đó, khi nhận được thông tin có vụ việc nêu trên, ngày 9/3, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Thọ cũng đã tổ chức đoàn kiểm tra và đo lại diện tích đất bị tác động, tuy nhiên, đây là diện tích đất lâm nghiệp thuộc UBND xã quản lý”.

Phú Thọ: Cần làm rõ việc san gạt hàng chục ha đất rừng để làm khu sinh thái ở Đoan Hùng - Ảnh 7
Hàng chục chiếc cột đã được đơn vị đã được lắp đặt cố định, gần 2 nghìn mét dây điện được kéo vào khu sinh thái để phục vụ cho việc xây dựng và đi vào hoạt động.

Trước thông tin có hoạt động san gạt gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống bình thường của người dân tại xã Phú Lâm và Tây Cốc, đề nghị cơ quan chức năng huyện Đoan Hùng, UBND tỉnh Phú Thọ vào cuộc kiểm tra, làm rõ.

LS. Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) bày tỏ quan điểm về bảo vệ môi trường, thiên nhiên trong việc đầu tư các dự án BĐS:

Cùng với tốc độ đô thị hóa phát triển như vũ bão hiện nay, các dự án BĐS không chỉ đua nhau mọc san sát trên những mảnh đất màu mỡ, mà còn “bủa vây” cả những dòng sông, ven biển. Thậm chí trên cả đỉnh núi cũng đã xuất hiện vô số những tòa nhà bê tông cao vút với biệt thự, khách sạn hạng sang, lâu đài đầy kiêu hãnh như thách thức lòng người và bất chấp các quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường…

Bên cạnh một phần nhỏ lợi ích kinh tế mà các dự án đem lại, thì mối nguy hiểm lớn nhất chính là sự thất thoát tài nguyên thiên nhiên, phá hoại cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ để lại hệ luỵ lâu dài… Có thể bắt gặp ở nhiều nơi nổi tiếng du lịch giờ là cảnh tượng những ngọn núi bị xé toạc, cạo trọc nham nhở, màu xanh của núi rừng dần biến mất, nhiều dòng sông, ven biển bị ô nhiễm. Cảnh quan thiên nhiên đã bị phá nát và chắc chắn không thể phục hồi được.

Đỗ Tuấn

Bạn đang đọc bài viết Phú Thọ: Cần làm rõ việc san gạt hàng chục ha đất rừng ở Đoan Hùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.
Câu chuyện hạt cà phê Việt
Nestlé Việt Nam vừa tổ chức thành công chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt” tại nhà máy Nestlé Trị An, một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới của Tập đoàn Nestlé.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Tin mới

Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.
Câu chuyện hạt cà phê Việt
Nestlé Việt Nam vừa tổ chức thành công chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt” tại nhà máy Nestlé Trị An, một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới của Tập đoàn Nestlé.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.