Nửa đầu tháng 3/2023, xuất nhập khẩu đạt hơn 27 tỷ USD
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 3 đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/3/2023 đạt 122,95 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 62,94 tỷ USD; cán cân thương mại thặng dư 2,94 tỷ USD.
Theo báo cáo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 3/2023 (từ ngày 01/3 đến ngày 15/3/2023) đạt 27,2 tỷ USD, tăng 17,3% (tương ứng tăng 4 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 02/2023.
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 3/2023 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/3/2023 đạt 122,95 tỷ USD, giảm 13%, tương ứng giảm 18,39 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 86,66 tỷ USD, giảm 12,1% (tương ứng giảm 11,9 tỷ USD).
Trong kỳ 1 tháng 3 năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 492 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,94 tỷ USD.
Tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 3/2023 đạt 13,34 tỷ USD, tăng 6,9% (tương ứng tăng 865 triệu USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 02/2023.
Trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 3/2023 tăng so với kỳ 2 tháng 2/2023 ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 342 triệu USD, tương ứng tăng 18,2%; hàng dệt may tăng 149 triệu USD, tương ứng tăng 13,7%; thủy tinh & các sản phẩm từ thủy tinh tăng 107 triệu USD, tương ứng tăng 297%; phương tiện vận tải & phụ tùng khác tăng 100 triệu USD, tương ứng tăng 21,6%...
Tính đến hết 15/3/2023, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 62,94 tỷ USD, giảm 10,8% tương ứng giảm 7,64 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, một số nhóm hàng giảm như: hàng dệt may giảm 1,27 tỷ USD, tương ứng giảm 18%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 963 triệu USD, tương ứng giảm 30,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 906 triệu USD, giảm 8,9%; điện thoại các loại và linh kiện 577 triệu USD, tương ứng giảm 5%... so với cùng kỳ năm 2022.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 1 tháng 3/2023 đạt 9,75 tỷ USD, tăng 5,7% tương ứng tăng 525 triệu USD so với kỳ 2 tháng 2/2023. Tính đến hết ngày 15/3/2023, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp này đạt 47,08 tỷ USD, giảm 8,7%, tương ứng giảm 4,49 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 74,8% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 3/2023 đạt 13,83 tỷ USD, tăng 29,4% (tương ứng tăng 3,14 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 2/2023.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 3/2023 tăng so với kỳ 2 tháng 2/2023 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 620 triệu USD, tương ứng tăng 23,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 383 triệu USD, tương ứng tăng 28,7%; nguyên vật liệu ngành dệt, may, da giày (bông, vải, xơ sợi, nguyên phụ liệu dệt, may, da giày) tăng 277 triệu USD, tương ứng tăng 34%...
Như vậy, tính đến hết 15/3/2023, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 60 tỷ USD, giảm 15,2% (tương ứng giảm 10,75 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó một số nhóm hàng giảm mạnh như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 2,92 tỷ USD, tương ứng giảm 64,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,95 tỷ USD, tương ứng giảm 11%; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác giảm 1,44 tỷ USD, tương ứng giảm 16,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 8,71 tỷ USD, tăng 24,1% (tương ứng tăng 1,69 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 2/2023. Tính đến hết ngày 15/3/2023, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 39,6 tỷ USD, giảm 15,8% (tương ứng giảm 7,42 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 66% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Từ đầu năm đến nay, xuất nhập khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn cả về thị trường và đơn hàng. Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu.
Mới đây nhất, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030. Theo đó, Quyết định đặt ra mục tiêu duy trì thặng dư cán cân thương mại với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn nhập khẩu và tăng bình quân khoảng 6 - 8%/năm.
Bảo Anh