Những thương hiệu được người tiêu dùng mua nhiều nhất
Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam công bố bảng xếp hạng những thương hiệu ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) được chọn mua nhiều nhất năm 2022 nhằm vinh danh những thương hiệu đã thành công trong việc thu hút người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam vừa phát hành báo cáo Dấu chân thương hiệu Việt 2023, công bố bảng xếp hạng những thương hiệu ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) được chọn mua nhiều nhất năm 2022.
Theo đại diện của Kantar Việt Nam, kinh tế Việt Nam cũng bị tác động bởi lạm phát toàn cầu dẫn đến sự tăng cao chỉ số giá tiêu dùng vào nửa cuối năm 2022. Bởi vì người dân càng thắt chặt chi tiêu, nên các thương hiệu phải cạnh tranh khốc liệt hơn để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.
Bảng xếp hạng này được công bố nhằm vinh danh những thương hiệu đã thành công trong việc tiếp cận và thu hút người tiêu dùng ngay trong thời điểm kinh tế khó khăn. Năm nhóm ngành được xếp hạng bao gồm thực phẩm đóng gói, đồ uống, sữa và sản phẩm thay thế, sức khỏe và làm đẹp, chăm sóc gia đình..
Cụ thể, tốp 10 thương hiệu thực phẩm đóng gói được chọn mua nhiều nhất ở thành thị và nông thôn, Hảo Hảo và Nam Ngư xuất sắc duy trì vị trí số một.
Theo đó, gần 3/4 hộ gia đình thành thị đã mua sản phẩm này trong năm qua. Điều này củng cố vị thế là nhãn hiệu mì gói quen thuộc trong các bữa ăn nhờ đẩy mạnh chiến dịch quảng cáo phổ biến trên nhiều điểm tiếp xúc với NTD, từ thương mại điện tử đến cộng đồng game thủ.
Tốp 10 thương hiệu đồ uống được chọn mua nhiều nhất, Coca-Cola dẫn đầu bảng xếp hạng, bảo vệ vị trí số 1 trong khu vực thành thị. Thương hiệu này có một năm tăng trưởng ấn tượng khi thu hút được hơn một triệu hộ gia đình mua hàng mới ở thành thị và tiến lên vị trí số một ở nông thôn.
Thương hiệu bia Tiger giữ vị trí thứ hai ở thành thị trong khi đó đứng ở vị trí này ở nông thôn là Bia Saigon sau khi đã nhường vị trí số một năm ngoái cho Coca-Cola.
Tốp 10 thương hiệu sữa và sản phẩm thay thế sữa được chọn mua nhiều nhất ở cả thành thị và nông thôn, Vinamilk giữ vững vị thế là thương hiệu được chọn mua nhiều nhất với 155 triệu lượt mua tại Việt Nam mua trong năm qua. Đứng vị trí số hai, TH là thương hiệu sữa duy nhất đã tăng lượt mua và thu hút thêm 130.000 hộ gia đình trong năm 2022.
Tốp 10 thương hiệu chăm sóc gia đình được chọn mua nhiều nhất ở thành thị và nông thôn, tốp ba tiếp tục được dẫn đầu là Sunlight, Omo và Comfort của Unilever.
Trong khi đó, bột giặt Net của Việt Nam là thương hiệu chăm sóc gia đình duy nhất ở nông thôn tăng trưởng dương về chỉ số điểm tiếp cận người tiêu dùng. Chỉ số này tăng hai bậc để trở thành lựa chọn ngày càng phổ biến của người dân trong thời kỳ giá cả tăng cao.
Tốp 10 thương hiệu chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp được chọn mua nhiều nhất ở thành thị và nông thôn, đều được thống trị bởi các thương hiệu của Unilever.
Tốp năm chủ thương hiệu FMCG được lựa chọn nhiều nhất thì Vinamilk và Masan đều ở vị trí số một.
Nhìn chung, phần lớn chủ sở hữu thương hiệu trong 5 bảng xếp hạng hàng đầu đã trải qua sự suy giảm CRP trong quá trình người tiêu dùng chuyển từ trạng thái giãn cách xã hội sang cuộc sống bình thường mới vào năm 2022. Sự thay đổi này đi kèm với sự cạnh tranh gia tăng từ các thương hiệu nhỏ hơn và các lựa chọn chi phí thấp, trong thời điểm người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, để thu hút sự lựa chọn của người tiêu dùng, các thương hiệu cần sử dụng một hoặc nhiều chiêu bài để tăng trưởng. Họ cần hiện diện ở nhiều nơi hơn, trong nhiều ngành hàng hơn, ở nhiều phân khúc nhu cầu hơn cũng như đổi mới để thu hút nhiều người mua và đáp ứng nhiều nhu cầu tiêu dùng mới hơn.
Bảo An