Nhiều khởi sắc cho vận tải hàng hóa đường sắt
Sự lãng quên đầu tư về hạ tầng cùng dịch vụ lạc hậu, chưa theo kịp nhu cầu khách hàng, khiến đường sắt thua thiệt khi cạnh tranh.
Đường sắt tăng năng lực vận chuyển cũng sẽ giảm tải cho đường bộ. Dự kiến, lượng hàng lưu thông trên tuyến sẽ tăng 1,5 lần so với hiện nay.
Giới phân tích cho rằng dù ngành đường sắt có nỗ lực cải thiện hình ảnh, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ và hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng so với sự chuyển mình rõ rệt của các phương thức khác, ngành đường sắt vẫn không đủ sức cạnh tranh, thiếu đổi mới nên bị bỏ xa.
Sự lãng quên đầu tư về hạ tầng cùng dịch vụ lạc hậu, chưa theo kịp nhu cầu khách hàng, khiến đường sắt thua thiệt khi cạnh tranh với hàng không giá rẻ hay vận chuyển linh hoạt bằng ôtô. Trung Quốc chính thức mở cửa thông quan trở lại sau 3 năm thực hiện chính sách Zero COVID được xem là cơ hội để hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường sắt bứt phá.
Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đến thời điểm này đã chuẩn bị nhiều hạ tầng kho bãi để nâng cao năng lực vận tải hàng hóa. Ga Kép tại tỉnh Bắc Giang là một trong 8 ga đang được ngành đường sắt đề xuất nâng cấp trở thành ga hàng hóa liên vận quốc tế. Đến nay, tất cả hạ tầng phục vụ vận chuyển và lưu kho hàng hóa đã chuẩn bị xong 100%.
Bãi hàng rộng gần 30.000 m2 cùng với các thiết bị xếp dỡ cũng như hệ thống kho bãi, văn phòng đã chuẩn bị sẵn sàng chỉ chờ ga Kép của Bắc Giang được công bố trở thành ga liên vận hàng hóa quốc tế. Dự kiến ngay sau khi công bố đây sẽ trở thành một trong những đầu mối làm hàng hóa liên vận quốc tế lớn nhất của khu vực phía Bắc, đóng góp doanh thu lớn cho ngành đường sắt trong năm tới.
Khi ga Kép trở thành ga liên vận quốc tế sẽ "chia lửa" cho các ga hàng hóa đầu mối, góp phần nâng cao năng lực vận tải cho toàn tuyến Hà Nội - Lạng Sơn qua Trung Quốc đi châu Âu, đặc biệt khi nước bạn đã có chính sách thông thoáng hơn về kiểm soát dịch bệnh đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Đường sắt tăng năng lực vận chuyển cũng sẽ giảm tải cho đường bộ. Dự kiến, lượng hàng lưu thông trên tuyến sẽ tăng 1,5 lần so với hiện nay.
Ngành đường sắt những năm gần đây đã có kế hoạch đưa vận tải hàng hóa trở thành mảng kinh doanh mũi nhọn khi đặt mục tiêu doanh thu sẽ chiếm 70% của toàn ngành.
Việc nâng cao sản lượng vận tải quốc tế và lần lượt đưa các khu ga hàng hóa vào kế hoạch nâng cấp đã được Tổng Công ty Đường sắt lên phương án trình các cấp cơ thẩm quyền phê duyệt.
Nguồn vốn đầu tư của Nhà nước dành cho đường sắt hàng năm rất hạn hẹp, chỉ chiếm từ 2-3% tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông vận tải.
Hiện Việt Nam chỉ có 2,7% ga liên vận được công bố trên tổng số ga đường sắt trong khi tỷ lệ này tại Trung Quốc là 17,9%; Nga 45,3%; Kazakhstan 46,6%. Do vậy, việc giải quyết nút thắt hạ tầng đường sắt liên vận, nâng cấp và đưa các ga như Sóng Thần, Diêu Trì, Kim Liên, Vinh, Đồng Đăng, Đông Anh, Kép thành đầu mối tập kết hàng hóa, container lớn, lập tàu liên vận quốc tế là rất cần thiết.
Huyền Diệu