0922 281 189 [email protected]
Thứ ba, 19/03/2024 16:26 (GMT+7)

Nhiều doanh nghiệp FDI lo ngại tình trạng thiếu điện tái diễn

Theo dõi KT&TD trên

Trước lo ngại của doanh nghiệp FDI, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cam kết sẽ không xảy ra tình trạng thiếu điện trong nay và các năm tiếp theo.

Sáng ngày 19/3, phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2024, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam Hong Sun (Kocham) cho hay, vào tháng 6,7 – năm 2023 nhiều khu vực ở phía bắc Việt Nam thường xảy ra tình trạng bị cắt điện do thiếu điện và 1 số khu công nghiệp cũng bị cắt điện có báo trước với tuần suất 1-2 lần/tuần.

Theo ông Hong Sun, Chính phủ Việt Nam cũng nhận thức được hiện tượng thiếu điện là yếu tố gây cản trở tới việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và nâng cao năng lực cạnh tranh sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp FDI lo ngại tình trạng thiếu điện tái diễn trong năm nay - Ảnh 1
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam Hong Sun. Ảnh: VGP.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã đề ra nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này, nhưng theo ông khó có thể giải quyết được trong thời gian ngắn.

“Các doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp công nghệ bán dẫn nhưng họ chần chừ đưa ra quyết định vì lo ngại thiếu điện", ông Hong Sun cho hay.

Do đại diện cộng đồng doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đề nghị Chính phủ Việt Nam có phương án cung cấp điện thông suốt trong các khu công nghiệp để doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Hàn Quốc duy trì hoạt động sản xuất ổn định.

Không riêng doanh nghiệp Hàn Quốc, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) đánh giá sự cố thiếu điện năm ngoái tại miền Bắc là khá nghiêm trọng, khiến nhiều doanh nghiệp không thể lập được kế hoạch sản xuất, dự báo ngày giao hàng.

“Điều này khiến mô hình "just in time" - cốt lõi của chuỗi cung ứng bị tác động rất lớn", đại diện JCCI nói, thêm rằng một số đơn vị thành viên đang cân nhắc xem xét lại hệ thống sản xuất toàn cầu của họ.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ (Amcham) tại Hà Nội Joseph Uddo cũng khuyến cáo, nhiều mục tiêu của Việt Nam sẽ khó đạt được nếu không có nguồn điện ổn định và giá cả phải chăng.

Ông Joseph Uddo cho biết, một trong các nhu cầu chính của doanh nghiệp và các nhà đầu tư đó là nhu cầu về sự ổn định của nguồn cung cấp năng lượng và khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo ngay lập tức.

Chính vì vậy, Việt Nam cần đưa ra giải pháp khả thi trong ngắn hạn và dài hạn đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng, bao gồm thúc đẩy phê duyệt các dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) quy mô lớn, thiết lập cơ sở hạ tầng năng lượng.

Ngoài ra, đại diện Amcham cũng khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên xem xét điều chỉnh các thoả thuận mua bán điện(PPA) theo tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện cho các tổ chức đa phương và tổ chức tài chính phát triển cho vay các dự án lớn.

Sau khi lắng nghe ý kiến của đại diện các doanh nghiệp FDI, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ đang nỗ lực hết sức để không để thiếu điện trong mọi hoàn cảnh. "Chúng tôi cam kết sẽ không xảy ra thiếu điện năm nay và các năm tiếp theo", ông lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định.

Nhiều doanh nghiệp FDI lo ngại tình trạng thiếu điện tái diễn trong năm nay - Ảnh 2
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân trao đổi tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Theo ông Tân, để không thiếu điện, Việt Nam đang tập trung phát triển nguồn, gấp rút hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 kéo điện ra miền Bắc và đồng bộ hệ thống truyền tải.

Vào cuối tháng 5, nửa đầu tháng 6 năm 2023, miền Bắc Việt Nam xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Một số khu công nghiệp thời điểm đó xảy ra tình trạng cắt điện có báo trước từ 1-2 lần/tuần.

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam thiệt hại khoảng 1,4 tỷ USD do thiếu điện, tương đương khoảng 0,3% GDP.

Đầu năm vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05 về việc đảm bảo cung ứng điện. Trong đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành sớm nhất có thể đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối cấp điện cho miền Bắc (phấn đấu nhất định hoàn thành và đóng điện trong tháng 6 năm 2024).

Khẩn trương hoàn thiện, trình Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp.

Chủ trì phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng Nghị định liên quan đến cơ chế mua bán điện khí, gió theo hình thức rút gọn và chậm nhất phải hoàn thành trong quý II năm 2024.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Nhiều doanh nghiệp FDI lo ngại tình trạng thiếu điện tái diễn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt nhiều doanh nghiệp
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ra các quyết định xử phạt hành chính đối với CTCP Cao-su Sông Bé và CTCP Chứng khoán đầu tư tài chính Việt Nam do những vi phạm trong công bố thông tin, không quy định nội dung họp trực tuyến trong quy chế nội bộ, giao dịch, báo cáo...
Cú đúp giải thưởng AREA 2025 - Dấu ấn đổi mới của ROX Group
Gặt hái “cú đúp” danh hiệu tại AREA 2025, ROX Group chứng minh năng lực quản trị hiện đại và vai trò tiên phong trong phát triển bền vững. Thành quả này là kết tinh từ chiến lược đổi mới toàn diện và nỗ lực không ngừng tạo giá trị thật cho cộng đồng ...

Tin mới

"Cửa nào" cho người trẻ muốn an cư ở Hà Nội?
Nhiều người trẻ ở Hà Nội đang rơi vào trạng thái mắc kẹt giữa ước mơ an cư và thực tế tài chính eo hẹp. Không với tới nhà nội đô, họ đang tìm những lối đi khác như mua nhà ven đô, chờ nhà ở xã hội hoặc săn lùng căn hộ cũ diện tích nhỏ.
Méo mặt "ôm" đất chờ lên quận
Trước thông tin 5 huyện ngoại thành Hà Nội sắp lên quận, nhiều nhà ôm đất chờ tăng giá kiềm lời. Nay, sắp xếp địa phương 2 cấp, bỏ cấp trung gian (quận, huyện), nhà đầu tư đứng ngồi không yên.