Nhiều cửa hàng công khai bán hàng thời trang giả tại các tuyến phố du lịch ở Đà Nẵng
Chiều 20/5, dưới sự giám sát của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, các tổ công tác thuộc Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra nhiều cửa hàng thời trang có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng tại các tuyến phố du lịch trung tâm TP
Triển khai kế hoạch cao điểm về giám sát, kiểm tra và xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước chủ trì để thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong tình hình mới, Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
"Chốt cửa" … hoạt động bên trong
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, các tổ công tác đã tiến hành kiểm tra hàng loạt cửa hàng thời trang gồm Black Label (số 156 Trần Phú), CoCo Accessory & Bag (144 Trần Phú), Gu (số 27 Hùng Vương), Mirror Shop (số 15 Nguyễn Thái Học), đều nằm trên địa bàn quận Hải Châu – khu vực trung tâm có lượng khách du lịch lớn, đặc biệt là khách quốc tế.
Dù tiến hành kiểm tra đột xuất nhưng lực lượng chức năng vẫn ghi nhận tình trạng nhiều cửa hàng đóng cửa bất thường, kéo rèm che kín mặt tiền, khóa chốt bên trong nhằm tránh bị kiểm tra. Trong đó, nổi bật là trường hợp cửa hàng Black Label – địa chỉ chuyên bán túi, ví “hàng hiệu” nổi tiếng tại khu vực Trần Phú do ông T.T.C làm chủ hộ kinh doanh.
Black Label Shop kéo rèm để tránh sự chú ý của lực lượng chức năng
Tại đây, nhân viên cửa hàng từ chối phục vụ khách người Việt, viện lý do “đang tạm nghỉ để chuyển địa điểm kinh doanh”, nhưng lại tiếp đón khách nước ngoài và khóa trái cửa khi họ bước vào trong. Lực lượng quản lý thị trường đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để tiến hành kiểm tra đột xuất và phát hiện bên trong cửa hàng bày bán nhiều sản phẩm mang nhãn hiệu nổi tiếng như Chanel, LV, Gucci, Dior, Celine, YSL… với giá thấp bất thường.
Túi Chanel 22 được bán tại Black Label shop có giá niêm yết 8,6 triệu đồng
Tuy nhiên, trên website chanel.com, sản phẩm này được niêm yết với mức giá gần 162 triệu đồng
Một chiếc túi được giới thiệu là Chanel 22 da bê hiệu ứng bóng, khóa kim loại mạ vàng, có giá chỉ 8,6 triệu đồng, trong khi sản phẩm tương tự trên website chính thức của Chanel được niêm yết gần 162 triệu đồng – chênh lệch tới 95%.
Đoàn kiểm tra và giám sát tại CoCo Accessory & Bag (144 Trần Phú)
Tại CoCo Accessory & Bag (144 Trần Phú) do bà N.T.T.H làm chủ hộ kinh doanh, đoàn kiểm tra ghi nhận nhiều mẫu túi, ví, giày dép gắn thương hiệu LV, Chanel, Hermès, YSL… được bán với giá chỉ từ vài trăm nghìn đến dưới 2 triệu đồng mỗi sản phẩm.
Đoàn kiểm tra tại Cửa hàng Mirror Shop (số 15 Nguyễn Thái Học)
Đoàn kiểm tra tại 27 Hùng Vương - Cửa hàng GU thu giữ nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ
Ở các cửa hàng còn lại trên đường Nguyễn Thái Học, Hùng Vương, lực lượng chức năng tạm giữ nhiều sản phẩm thời trang như quần áo, giày dép, dây lưng... mang nhãn hiệu Burberry, Chanel, LV, Celine, YSL.
Gần 2.000 sản phẩm bị tạm giữ, tiếp tục mở rộng kiểm tra
Theo tổng hợp của các tổ công tác, chỉ trong ngày 20/5, gần 2.000 sản phẩm gồm túi xách, ví, quần áo, phụ kiện, giày dép mang các nhãn hiệu nổi tiếng như Hermès, Chanel, Gucci, Christian Dior, Celine, Prada, Louis Vuitton… và rất nhiều các hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ đã bị tạm giữ tại các cửa hàng kiểm tra để tiếp tục xác minh các dấu hiệu vi phạm, xử lý đúng quy định của pháp luật.
Ông Trần Việt Hùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ QLTT - Trưởng đoàn giám sát
Theo ông Trần Việt Hùng – Trưởng phòng Nghiệp vụ QLTT, đây không phải là lần đầu tiên lực lượng QLTT triển khai kiểm tra các mặt hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt tại các đô thị có ngành dịch vụ du lịch phát triển mạnh.
Việc kiểm tra không chỉ nhằm xử lý vi phạm mà còn góp phần làm trong sạch thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là du khách quốc tếvà nâng cao uy tín hàng hóa tại Việt Nam. Ông Hùng cho biết các hoạt động này đang được triển khai trong khuôn khổ Kế hoạch 888 của lực lượng QLTT và sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới trên địa bàn cả nước, đặc biệt các khu đô thị lớn, địa bàn trọng điểm. Sau kiểm tra, việc đảm bảo các cửa hàng không tái diễn việc bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sẽ được Cục gắn trách nhiệm cho các đơn vị có trách nhiệm ở địa phương như Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường.
Lực lượng chức năng sẽ tập trung tăng cường kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm và đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho các hộ kinh doanh, nhất là tại các khu vực có đông khách du lịch. Mục tiêu là xây dựng hình ảnh Việt Nam văn minh, thân thiện, nói không với hàng giả, hàng nhái trong hoạt động thương mại – dịch vụ” ông Hùng chia sẻ.
Quyên Lưu
Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước