Người dân mong sớm công bố danh sách tên thực phẩm chức năng giả, thuốc tây giả để tránh hoang mang
Vụ triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán hơn 100 tấn thực phẩm chức năng và thiết bị y tế giả do cặp vợ chồng dược sĩ Phạm Ngọc Tiến, Đoàn Thị Nguyệt cầm đầu đã gây chấn động dư luận.
Nhiều người dân bày tỏ sự lo lắng khi không biết liệu những sản phẩm mình đang sử dụng hàng ngày có nằm trong số hàng giả đã bị thu giữ hay không.
Như đã đưa tin, sau khoảng 1 năm theo dõi, thu thập chứng cứ, Công an thành phố Hà Nội đã triệt phá ổ nhóm sản xuất thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả, thu giữ hơn 100 tấn hàng hóa giả. Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Quyết định tạm giữ đối với các đối tượng Phạm Ngọc Tiến (SN 1988; trú tại phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) và các đối tượng khác về hành vi sản xuất buôn bán hàng giả là lương thực thực phẩm.

Lực lượng chức năng đã thu giữ số lượng lớn tang vật, bao gồm: Khuôn bế dập vỏ hộp, hàng chục nghìn hộp, lọ, vỉ thực phẩm chức năng, vỏ hộp, tem nhãn, máy móc và nguyên liệu sản xuất hàng giả. Đáng chú ý, các đối tượng khai nhận đã hoạt động từ năm 2020, tiêu thụ hàng giả tại nhiều nhà thuốc và bệnh viện trên toàn quốc.
Thống kê ban đầu, có tới hơn 100 mặt hàng thực phẩm chức năng đã bị cơ quan chức năng thu giữ, với nhiều thể loại, đa dạng về mẫu mã và thành phần, trong đó tập trung vào thành phần thuốc bổ gan, thuốc bổ não, các loại glucosamin về xương khớp và thực phẩm chức năng về sức khỏe của nam giới và phụ nữ.
Dưới lớp vỏ bọc hợp pháp với 17 công ty "ma", nhóm đối tượng đã đưa ra thị trường số lượng khổng lồ sản phẩm kém chất lượng, giả mạo nguồn gốc xuất xứ, gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo cơ quan Công an, thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi khi nhập khẩu thực phẩm chức năng về và dùng hồ sơ để che đậy cho việc sản xuất hàng giả. Các đối tượng chỉ nhập khẩu một phần, còn lại 99% là tự sản xuất trong nước theo những công thức tự nghĩ ra để điều phối, khiến người tiêu dùng lầm tưởng đó là hàng nhập khẩu từ nước ngoài như Anh, Pháp, Mỹ hay Ấn Độ.

Vụ việc đã khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang. Tuy nhiên, cho đến nay, thông tin chi tiết về những loại thực phẩm vi phạm chưa được công bố. Nhiều người dân bày tỏ sự lo lắng khi không biết liệu những sản phẩm mình đang sử dụng hằng ngày có nằm trong số hàng giả đã bị thu giữ hay không.
Chị Nguyễn Thu Hà (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, gia đình tôi đang dùng nhiều loại thực phẩm chức năng có mẫu mã tương tự như những hình ảnh báo chí đăng tải. Nhưng không có danh sách cụ thể, nên không biết nên giữ lại hay bỏ đi. Điều này khiến gia đình vừa lo lắng, vừa hoang mang.
Tương tự, bác Trần Văn Hiền (65 tuổi, quận Ba Đình), người mắc bệnh mạn tính và thường xuyên phải dùng thực phẩm chức năng để hỗ trợ điều trị, chia sẻ, chúng tôi mua thuốc bằng tiền tiết kiệm, đặt niềm tin vào các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe, giờ lại phải đối mặt nguy cơ dùng phải hàng giả mà không được biết cụ thể là những loại nào.
Được biết, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cũng đang phối hợp với Công an Hà Nội để xác minh các sản phẩm liên quan. Trong thời gian này, Cục khuyến cáo người dân tuyệt đối không mua hoặc sử dụng các sản phẩm có hình ảnh được báo chí đăng tải. Sau khi có kết luận điều tra, Cục An toàn thực phẩm sẽ công bố danh sách các sản phẩm giả trên website để người dân nắm rõ.
Việc sớm công bố danh sách chính thức các sản phẩm thực phẩm chức năng giả liên quan đến vụ án không chỉ giúp người dân tự bảo vệ mình, mà còn góp phần ngăn chặn nguy cơ lan rộng của hàng giả trên thị trường.