Nghệ nhân “tiết lộ” lý do vì sao gốm Chu Đậu lại trở thành “báu vật” được yêu thích?
Nghệ nhân Nguyễn Văn Lưu đã dành cả tâm huyết, tình cảm và trí tuệ để dày công phục dựng, phát triển thương hiệu gốm đã “một thời vang bóng”, coi đó như “sứ mệnh đặc biệt” của cuộc đời mình với quê hương, với gốm Chu Đậu và con cháu mai sau…
Và, trong cuộc trao đổi với phóng viên, nghệ nhân Nguyễn Văn Lưu đã lý giải vì sao, giữa nhiều dòng gốm sứ của Việt Nam và thế giới, gốm sứ Chu Đậu lại có “sức hút lạ kỳ” và trở thành “báu vật” mà người hiểu, yêu thích gốm sứ cũng
Theo các nhà sử học, di tích làng gốm Chu Đậu bắt đầu tàn lụi vào sau thế kỷ thứ 15, 16. Đây là khu vực cuộc nội chiến Lê- Mạc diễn ra ác liệt nhất. Sự kiện đặc biệt ghi dấu sự trở lại của dòng gốm nổi tiếng một thời, đó là bức thư của Tùy viên văn hóa Nhật Bản Makoto Anabuki gửi Tỉnh ủy Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương) nhờ thẩm định nguồn gốc chiếc bình gốm cổ lưu giữ tại Viện Bảo tàng Topkapi Saray (Istambul- Thổ Nhĩ Kỳ). Bình dáng hình củ tỏi, cao 54 cm, được trang trí hoa sen và cúc dây. Trên vai bình có ghi 13 chữ Hán “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi thị hý bút”, nghĩa là “Năm Thái Hòa thứ tám (1450), thợ gốm họ Bùi, người châu Nam Sách vẽ chơi”.
Cho đến năm 1992, khi trục vớt con tàu đắm tại vùng biển Cù lao Chàm, các nhà khoa học đã tìm ra gần 40 vạn gốm cổ vật nằm sâu dưới đáy biển được định giá rất cao. Gốm Chu Đậu đã đi một hành trình dài âm thầm hàng trăm năm để cuối cùng đã được phát hiện và hồi sinh.
Vị thuyền trưởng Hải quân và cuộc “chuyển hướng” về Chu Đậu
Trong số các nghệ nhân góp công phục dựng và hồi sinh sản phẩm, thương hiệu gốm sứ Chu Đậu, nghệ nhân Nguyễn Văn Lưu, nguyên Giám đốc xí nghiệp gốm Chu Đậu thuộc Tổng Công ty Thương mại Hapro, nay là Tổng Giám đốc Công ty CP gốm sứ Chu Đậu là người có đóng góp không nhỏ.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lưu cho biết, năm 2000, khi đang mang quân hàm Đại úy, thuyền trưởng của lực lượng Hải quân, ông có dịp gặp và trò chuyện với ông Nguyễn Hữu Thắng – một người bạn lúc bấy giờ là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội – Hapro và được ông Thắng khuyên “trở về quê tìm hiểu, nghiên cứu, xin lập dự án khôi phục và phát triển làng nghề gốm cổ Chu Đậu”.
Việc phát hiện và phục hưng làm hồi sinh gốm sứ Chu Đậu- một dòng sản phẩm đẹp cao cấp nhất đang dần trả lại cho Việt Nam và thế giới một chương của tiến trình lịch sử vô giá về sự khéo léo, tài hoa vượt bậc của người việt trong lòng người ngưỡng mộ . Chu Đậu là thương hiệu, là “vàng” mà cha ông để lại cho chúng ta, phải giữ lấy và phát huy, biến nó thành của cải làm giàu cho quê hương”, ông Lưu kể lại lời bạn nói để nói về cuộc “chuyển hướng” từ một quân nhân sang nghệ nhân gốm sứ của mình như vậy.
Năm 2001, Xí nghiệp Gốm Chu Đậu (nay là Công ty Cổ phần gốm Chu Đậu) được ra đời. Ông Nguyễn Văn Lưu đã chiêu mộ các nghệ nhân gốm từ khắp nơi về dạy nghề truyền thống, đồng thời tìm kiếm các họa sĩ, kỹ sư silicat và công nhân địa phương cùng xây dựng xí nghiệp từ hai bàn tay trắng.
Đến nay, có thể nói, gốm Chu Đậu kế thừa tinh hoa văn hoá cha ông để lại, sản xuất theo dây chuyền hợp lý, với kỹ thuật phục nguyên nhiều màu sắc cổ kết hợp với những kiểu dáng men mới, hoa văn họa tiết phù hợp với thẩm mỹ đương đại, đáp ứng thị hiếu khách hàng, tuy vậy mầu men vẫn còn tiếp tục được nghiên cứu. Sản phẩm gốm Chu Đậu đã đạt tiêu chí “sáng như gương, mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông”, như lời nghệ nhân Văn Lưu vẫn nhắc đến trong suốt câu chuyện với phóng viên.
Gốm Chu Đậu, sự hội tụ của tinh hoa trời - đất
Vì sao gốm sứ Chu Đậu lại được nhiều người yêu quý và coi như báu vật? – phóng viên đặt câu hỏi. Ông Lưu suy nghĩ một lát và đi vào giải thích.
Theo ông Lưu, vùng đất Chí Linh là nơi có sông núi hòa hợp, hữu tình, nơi hội tụ khí thiêng của đất, đức của trời, tụ nhân mang đến thái bình thịnh vượng. Chính vì vậy mà qua các triều đại các danh nhân, kỳ tài kiệt xuất đều lựa chọn vùng đất Chí Linh làm nơi sinh sống, di dưỡng tinh thần.
“Khi tôi làm gốm sứ, tôi mới biết tại sao nó quý, vì cái chất đất đó. Cũng là cái bình này, nhưng làm ở Chí Linh, làm ở Chu Đậu sẽ khác, pha chè sẽ ngon hơn. Cũng là cái bình cắm hoa, nhưng khi cắm hoa, hoa sẽ tươi lâu hơn so với bình hoa thông thường, nước ít có mùi hôi thối, mà cái này không phải do tôi phát hiện ra, chính khách hàng của tôi đã thực nghiệm và cho biết”, nghệ nhân Văn Lưu nói.
Ông Lưu cho biết, khi đi sâu nghiên cứu thì mới thấy rằng, vùng đất Chí Linh là nơi hội tụ của 6 con sông, người xưa gọi bằng những tên mang ý nghĩa lớn lao như có 4 con sông được đặt theo 4 đức gồm: Sông Lục Nam trước đây được gọi là sông Minh Đức (có nghĩa là đức sáng), sông Thương gọi là sông Nhật Đức (đức của mặt trời), sông Cầu gọi là sông Nguyệt Đức (đức của mặt trăng), sông Đuống gọi là Thiên Đức (đức của trời). Còn 2 con sông khác cũng đều mang ý nghĩa tốt đẹp như sông Thái Bình còn gọi là sông Phú Lương có nghĩa là thái bình thịnh vượng và sông Kinh Thầy có nghĩa đường kinh lý của Đức Vua cha - Đức Thánh Trần… trầm tích của 6 dòng sông (lục đầu giang) này đã hội tụ phù sa cả triệu triệu triệu năm, tạo thành đất sét Chí Linh.
Trầm tích của lục đầu giang là đất sét trắng, khác với các loại đất hóa thạch. Tầng đất sét quý giá này rất mỏng, thường chỉ vài mét, bỏ qua các lớp đất bề mặt, lớp đất cát đào xuống sâu mới khai thác được. Các nhà khoa học khẳng định đó là đất quý hiếm, ít tạp chất nhiều khoáng chất. Đất sét này có độ dẻo cao, khó tan trong nước ,hạt mịn, màu trắng sáng. Đất nguyên thủy, sau khi khai thác xong phải được xử lý theo một quy trình nghiêm ngặt theo phương pháp truyền thống qua bốn công đoạn.
Đầu tiên, đất được đưa vào bể giã. Ở bể này, đất sét thô được ngâm lâu trong nước đến khi đất nát ra, gọi theo cách dân gian là đất đã chín. Đất được đánh đều cho đến khi thành một hỗn hợp lỏng. Hỗn hợp lỏng trong bể giã được tháo xuống bể thứ hai gọi là bể lắng.
Tại đây đất sét bắt đầu lắng xuống, một số tạp chất nhất là các chất hữu cơ nổi lên, sỏi đá nặng lắng xuống phía dưới lại được thải bỏ để lấy phần ở giữa. Sau đó, đất được đưa sang bể thứ ba gọi là bể lọc để lấy được phần mịn nhất rồi sau đó chuyển sang bể thứ tư là bể ủ. Tại bể ủ, oxit sắt và các tạp chất khác bị khử. Công đoạn cuối cùng, thời gian ủ càng lâu càng tốt.
“Nói về một góc độ tâm linh thì không phải tự nhiên mà nó thiêng, mà bản thân cái bình Chu Đậu để trong nhà, bản thân nó đã có tác dụng điều hòa được không khí, tỏa khí mát vào mùa hè và giữ khí ấm vào mùa đông. Ngày xưa, khi chưa làm gốm tôi chưa hiểu, nhưng khi làm tôi mới phân biệt được đâu là độc bình, lục bình (sáu cái) và lộc bình (bình hút lộc). Những bình này trở nên quý bởi được làm từ đất thiêng và bởi đặc biệt hơn nữa là màu men, trở thành dòng gốm cao cấp nhất của Việt Nam. Tôi vẫn nói đùa với rằng “gốm Chu Đậu ra đời như một con sư tử khổng lồ vươn mình đứng dậy làm lung lay nhiều làng gốm khác”, nghệ nhân Văn Lưu chia sẻ.
Ở Chu Đậu, gốm được trang trí rất phong phú, từ đắp nổi, khắc chìm, vẽ công phu, phóng bút và thần bút thật phóng khoáng và điêu luyện nhưng luôn được đặt trong một chuẩn mực nghiêm ngặt về thẩm mỹ. Màu vẽ dưới men chủ yếu là Oxy cở bản, phủ ngoài men tro và ngọc chảy đọng hoặc nét khắc tô nâu nền men trắng đục mờ. Người thợ vẽ xưa đã phản ánh sinh động khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống dân giã của người Việt, hoa sen, hoa cúc, hình lá chuối, vịt trời bay trên sông, chích chòe tìm sâu trong vườn, những nét vẻ sóng nước hình thang tạo hình như vương miện vua Hùng đính những lông chim lạc việt trên những bình tỳ bà, những ấm rồng, lư hương thể hiện vẻ đẹp thuần khiết Việt Nam không lẫn với những tích cổ hay cảnh vật nước ngoài.
“Men của Chu Đậu làm từ tro trấu, được đốt ra từ những hạt lúa nếp của Kinh Môn rồi ủ như men rượu. Đến một thời hạn nhất định nào đó thì phun vào bình sứ. Nói thì là vậy, nhưng để làm nên được những màu men đó, các nghệ nhân của chúng tôi cũng mất nhiều năm tìm hiểu, dày công sáng tạo…”, nghệ nhân Văn Lưu cho biết.
Theo quan điểm của người xưa, nói đến các vật phẩm bằng gốm là nói đến sự kết hợp hài hòa của năm yếu tố, kim, mộc thủy hỏa thổ. Kim loại có trong xương và men gốm tạo ra vẻ đẹp và sự huyền bí của màu sắc. Lửa là tác nhân của sự bền chắc trong xương gốm, sự sáng trong quyến rũ của áo gốm. Nước hợp với đất tạo dáng cho gốm. Ngọn lửa là cha tạo ra phẩm chất sắc thái của gốm, đất là mẹ tạo ra xuơng thịt cho gốm. Người ta nói, người là tinh hoa của trời, gốm là tinh hoa của đất, chính là ở ý này…
"Gốm sứ là văn hoá, gốm sứ Chu Đậu mang hồn đất Việt, kiểu dáng, hoa văn họa tiết thuần khiết văn hoá Việt, mang đạo giáo, tình cảm, phong cách Việt Nam, nó khác biệt với các dòng sản phẩm gốm sứ khác trên thế giới từ màu men (trắng như ngà), trong như ngọc... được tạo nên từ đất thiêng (Chí Linh), nước thiêng (lục đầu giang), lửa thiêng (Đông A), sản phẩm mang trong mình nhiều vi lượng khoáng chất quí của địa linh, họa tiết phóng khoáng thuần Việt...", nghệ nhân Nguyễn Văn Lưu chia sẻ.
Công Minh