0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ sáu, 30/08/2024 20:51 (GMT+7)

Mua trước trả sau: Bùng nổ nhưng thiếu quy định, tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo dõi KT&TD trên

Theo LS Nguyễn Thanh Hà, hiện Việt Nam chưa có quy định pháp luật cụ thể điều chỉnh dịch vụ mua trước trả sau (BNPL) do đây là mô hình kinh doanh mới, phát triển nhanh chóng.

Không có rào cản gia nhập thị trường

Thị trường Mua trước trả sau (BNPL - Buy now Pay later) đang chứng kiến sự bùng nổ với số lượng nhà cung cấp dịch vụ gia tăng đáng kể kể từ khi mới xuất hiện vào giai đoạn 2019-2021.

Theo ông Phạm Nam Anh, Giám đốc Vận hành HENO – một đơn vị tiên phong trong lĩnh vực BNPL, Việt Nam hiện chưa có quy định cụ thể liên quan đến dịch vụ BNPL, do đó các doanh nghiệp không gặp nhiều rào cản về pháp lý khi muốn tham gia thị trường. Mặc dù điều này tạo điều kiện tự do cho thị trường bùng nổ, nhưng nếu cơ quan quản lý đưa ra khung pháp lý, định nghĩa chính xác về mô hình BNPL sẽ giúp cải thiện dịch vụ này, gia tăng chất lượng và tránh dẫn đến các trường hợp núp bóng.

Mua trước trả sau: Bùng nổ nhưng thiếu quy định, tiềm ẩn nhiều rủi ro
Thiếu pháp lý cho hoạt động Buy now Pay later tại Việt Nam

Trao đổi với VietnamFinanance, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho biết mặc dù chưa có khung pháp lý rõ ràng, nhưng không có nghĩa bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể dễ dàng gia nhập thị trường BNPL.

“Doanh nghiệp cần cân nhắc những rào cản quan trọng như khả năng tài chính, năng lực quản lý rủi ro và khả năng tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành. Hơn nữa, dịch vụ này cũng đòi hỏi các doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ, bảo mật thông tin, và dịch vụ khách hàng để cạnh tranh hiệu quả trên thị trường”, LS Nguyễn Thanh Hà cho biết.

Theo ông, những doanh nghiệp có thể cung ứng dịch vụ BNPL thường là những tổ chức có các hoạt động chính liên quan đến lĩnh vực tài chính, công nghệ tài chính, tín dụng hoặc fintech. Do đó, các điều kiện để cung cấp dịch vụ BNPL có thể được hiểu và áp dụng dựa trên các quy định pháp lý hiện hành trong lĩnh vực tài chính và tín dụng tiêu dùng, ví dụ như giấy phép kinh doanh phù hợp, quy định về tín dụng tiêu dùng (về lãi suất, quản lý tín dụng, và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng), quy định về bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân,...

“Hiện tại, Việt Nam chưa có quy định pháp luật cụ thể điều chỉnh dịch vụ BNPL, do đây là một mô hình kinh doanh tương đối mới, phát triển nhanh chóng, vì vậy cơ quan chức năng chưa thể xây dựng được khung pháp lý cho loại hình này”, LS Nguyễn Thanh Hà cho biết.

Tuy nhiên, không chỉ riêng Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý cho BNPL. Tại Việt Nam, hoạt động này vẫn diễn ra phổ biến và chịu ảnh hưởng bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau, bởi BNPL liên quan đến nhiều lĩnh vực, như Luật Các tổ chức tín dụng 2024; Nghị định 39/2014/NĐ-CP về hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính; Thông tư 40/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023; Thông tư 09/2015/TT-NHNN quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Mua trước trả sau: Tiềm ẩn rủi ro khi thiếu khung pháp lý

Theo LS Nguyễn Thanh Hà, những quy định được đưa ra hiện nay vẫn mở cửa cho sự phát triển của mô hình BNPL, tạo điều kiện cho thị trường bùng nổ. Tuy nhiên, nếu cơ quan quản lý không thiết lập một hành lang pháp lý chặt chẽ, một khung pháp lý rõ ràng và hiệu quả thì đi kèm với sự phát triển mạnh mẽ của mô hình này sẽ tiềm ẩn một số nguy cơ có thể xảy ra.

Thứ nhất là gây rủi ro cho người tiêu dùng. Nếu không có các quy định rõ ràng, người tiêu dùng có thể tiêu xài vượt mức khả năng chi trả và gặp phải các khoản nợ khó kiểm soát vì nhiều người Việt vẫn còn thiếu kiến thức quản trị tài chính cá nhân.

Mua trước trả sau: Bùng nổ nhưng thiếu quy định, tiềm ẩn nhiều rủi ro

LS Nguyễn Thanh Hà cho rằng, BNPL tuy dễ dàng tiếp cận và sử dụng, nhưng trong trường hợp người tiêu dùng không thể trả nợ đúng hạn có thể phải chịu các khoản phí phạt cao, hoặc lãi suất tăng đột biến. Vì vậy, việc thị trường này phát triển rộng rãi mà không được kiểm soát sẽ dễ dẫn đến nguy cơ tăng nợ xấu và có thể gây nên ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Thứ hai là gây rủi ro cho nhà cung cấp dịch vụ. Nếu không có công cụ quản trị rủi ro hiệu quả và công cụ hạn chế khách hàng mua nhiều sản phẩm hơn khả năng chi trả, hoặc các quy định về kiểm tra khả năng tài chính của khách hàng và các biện pháp bảo vệ khác, các công ty BNPL không những không thể kiếm được lợi nhuận mà có thể gặp phải tỷ lệ nợ xấu cao, gây ảnh hưởng đến tình hình tài chính của họ rất dễ dẫn đến phá sản.

Thứ ba, LS Nguyễn Thanh Hà cho biết BNPL còn được cảnh báo về rủi ro liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin. Bởi giao dịch này không phải từ người bán hàng và đến người mua hàng, mà thông qua nền tảng của nhà cung cấp dịch vụ và đơn vị cung cấp tín dụng.

“Như vậy, vấn đề bảo mật thông tin để đảm bảo luồng tiền đến và đi được an toàn, thông tin của người sử dụng được bảo mật, rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể nào cho nhóm này”, vị luật sư này cho hay.

Bên cạnh đó, khi không có sự giám sát chặt chẽ, hệ thống BNPL có thể trở thành mục tiêu cho các hoạt động gian lận. Việc này không chỉ gây tổn thất cho các công ty tài chính mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng vào hệ thống tài chính.

Người tiêu dùng có thể không được cung cấp đầy đủ thông tin về các điều khoản, điều kiện, và phí liên quan đến dịch vụ BNPL hoặc được cung cấp một cách thiếu minh bạch và sai lệch. Điều này có thể dẫn đến việc đưa ra các quyết định tài chính thiếu sáng suốt.

Lấp đầy khoảng trống pháp lý

Để lấp đầy khoảng trống pháp lý cho dịch vụ BNPL, LS Nguyễn Thanh Hà đưa ra 3 đề xuất. Thứ nhất, đối với nhà cung cấp dịch vụ BNPL, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần đưa ra các điều kiện cụ thể để cấp phép cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ BNPL, bao gồm vốn điều lệ tối thiểu, năng lực tài chính, và cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

“Việc bắt buộc các nhà cung cấp phải công khai đầy đủ thông tin là cần thiết, bao gồm về lãi suất, phí phạt, điều khoản hợp đồng một cách rõ ràng, dễ hiểu để người tiêu dùng nắm rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Thêm nữa, các nhà cung cấp cần có quy trình quản lý rủi ro nghiêm ngặt, bao gồm việc thẩm định tín dụng và xác minh khả năng thanh toán của khách hàng trước khi cấp tín dụng để hạn chế tình trạng nợ xấu.”, LS Nguyễn Thanh Hà cho biết.

Cuối cùng, trong trường hợp người tiêu dùng không thể thanh toán đúng hạn, Nhà nước cần quy định về cách thức xử lý nợ xấu, bao gồm các biện pháp thu hồi nợ phù hợp và tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng.

Thứ hai, đối với các nhà bán hàng, cần ban hành các quy định yêu cầu các nhà bán hàng minh bạch trong giao dịch. Nhà bán hàng cần cung cấp đầy đủ thông tin về các điều khoản và điều kiện khi khách hàng lựa chọn phương thức BNPL, bao gồm cả chi phí phát sinh, thời hạn thanh toán, và các hậu quả nếu không thanh toán đúng hạn. Đồng thời hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp dịch vụ để xử lý khiếu nại và bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

Đối với người tiêu dùng, người tiêu dùng phải được cung cấp đầy đủ thông tin về các điều kiện và chi phí liên quan đến dịch vụ BNPL trước khi quyết định sử dụng; cho phép người tiêu dùng có thể rút lui khỏi hợp đồng BNPL trong một khoảng thời gian nhất định mà không bị phạt hoặc phải trả phí không hợp lý. Người tiêu dùng có trách nhiệm tìm hiểu kỹ về dịch vụ trước khi sử dụng, trả nợ đúng hạn để tránh những rủi ro không đáng có.

Hải Đường

Bạn đang đọc bài viết Mua trước trả sau: Bùng nổ nhưng thiếu quy định, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Thu chi minh bạch với tính năng Quỹ nhóm trên App HDBank
Tập hợp những tiện ích tối ưu như góp và rút quỹ, lịch sử thu chi, thông báo khi có biến động số dư, mời và xóa thành viên tham gia tiện lợi, tính năng Quỹ nhóm của App HDBank là lựa chọn của nhiều khách hàng khi mở quỹ nhóm.
HoREA: Đề xuất chỉ áp thuế 6% với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cho thuê
Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong đó, HoREA đề xuất doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê được áp dụng thuế suất 6% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tăng trưởng tín dụng: 'Nóng' vì phập phù
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 28/6, tín dụng tăng 6%, đến cuối tháng 7 chỉ còn 5,66% nhưng đến 14/8 lại đạt 6,11%. Sự trồi sụt bất thường này cho thấy tăng trưởng tín dụng có rất nhiều vấn đề.

Tin mới

Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.
Câu chuyện hạt cà phê Việt
Nestlé Việt Nam vừa tổ chức thành công chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt” tại nhà máy Nestlé Trị An, một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới của Tập đoàn Nestlé.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.