Lừa đảo tăng tốc qua mạng Internet, người tiêu dùng mất hàng nghìn tỷ đồng
Trong năm 2023, tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt thông qua mạng internet tại Việt Nam khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Trong khi tại Hoa Kỳ, người tiêu dùng nước này đã mất số tiền kỷ lục 10 tỷ USD do lừa đảo và lừa đảo mạo danh.
Uỷ ban Thương mại Liêng bang Hoa Kỳ, cho rằng lừa đảo mạo danh là loại lừa đảo người tiêu dùng phổ biến nhất vào năm 2023. Có nhiều hình thức, nhưng chúng đều có chung một tiền đề cơ bản như: Tội phạm giả vờ là người mà bạn tin tưởng, chẳng hạn như người yêu, đặc vụ chính phủ, họ hàng hoặc doanh nghiệp nổi tiếng, để thuyết phục bạn gửi tiền cho chúng. Theo các chuyên gia về gian lận, cách tốt nhất để người tiêu dùng chống lại các hành vi lừa đảo mạo danh là tạm dừng và xác minh thông tin.
Người tiêu dùng mất hàng nghìn tỷ đồng
Trong bối cảnh mạng Internet phát triển nhanh, công nghệ cũng đang có những tiến bộ không ngừng, bên cạnh những tác động tích cực với đời sống, kinh doanh, thì công nghệ cũng mang đến những hệ luỵ khôn lường.
Thông tin từ Cục An ninh Mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, cho thấy số tiền mà người dân bị mất do lừa đảo vào khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, đây là con số dựa trên những sự việc người dân đến trình báo cơ quan công an. Thực tế con số này có thể còn cao hơn vì nhiều người dân không đi trình báo.
Theo Bộ Công an, hiện công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ, từ đó bùng nổ các hình thức giao dịch trên mạng, nhưng bên cạnh sự tiện ích, những rủi ro cũng xuất hiện. Điều đáng nói, nhiều nạn nhân đã từng sập bẫy lừa đảo qua mạng, nhưng vẫn liên tiếp xuất hiện những nạn nhân mới. Dù lực lượng chức năng rất nỗ lực, nhiều giải pháp đã được triển khai, vậy vì sao tỷ lệ lừa đảo trên mạng ở Việt Nam lại gia tăng?
Kể từ thời điểm đại dịch COVID-19, xu hướng làm việc online bắt đầu phổ biến, thời điểm tình hình tội phạm lừa đảo qua mạng phức tạp nhất, đầu tư chứng khoán, đầu tư vàng, tiền ảo…, nhiều mô hình kinh doanh trên mạng xã hội bị các nhóm đối tượng triệt để lợi dụng. Những nhóm đối tượng tội phạm xuyên quốc gia, giăng các kịch bản lừa đảo người dân, có nghiên cứu tâm lý từng nạn nhân.
Trong khi tình trạng lộ lọt, mua bán thông tin cá nhân vẫn diễn ra. Bên cạnh đó mặc dù các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực, nhưng vẫn còn tình trạng sim không chính chủ, tài khoản ngân hàng không chính chủ, giao dịch tiền điện tử, tiền ảo, ngoại hối còn nhiều kẽ hở.
Số liệu từ Bộ Công an, cho thấy trong năm 2023, cơ quan này đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng, nhưng có đến trên 1.200 vụ án phải tạm đình chỉ điều tra, gia hạn điều tra vì không xác định được thủ phạm của vụ việc, tương đương có đến trên 75% số vụ việc không thể điều tra tiếp. Vì vậy việc truy hồi, tìm lại tài sản cho người dân trong những sự việc lừa đảo qua mạng rất khó khăn.
Vấn đề này không chỉ xuất hiện ở Việt Nam, trên thế giới số vụ lừa đảo qua mạng cũng gia tăng nhanh chóng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng toàn cầu khoảng 53 tỷ USD.
Tại Hoa Kỳ, theo Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), lừa đảo mạo danh là loại lừa đảo người tiêu dùng phổ biến nhất vào năm 2023. Có nhiều hình thức, nhưng chúng đều có chung một tiền đề cơ bản như: Tội phạm giả vờ là người mà bạn tin tưởng, chẳng hạn như người yêu, đặc vụ chính phủ, họ hàng hoặc doanh nghiệp nổi tiếng, để thuyết phục bạn gửi tiền cho chúng.
CNBC dẫn thông tin từ FTC, cho biết người tiêu dùng nước này đã mất số tiền kỷ lục, 10 tỷ USD do lừa đảo trong năm 2023 và lừa đảo mạo danh là hình thức lừa đảo phổ biến nhất.
Gần 854.000 người đã nộp đơn khiếu nại lên FTC về các vụ lừa đảo mạo danh vào năm 2023. Con số này chiếm 33% tổng số báo cáo về gian lận của người tiêu dùng được nộp cho cơ quan.
Các chuyên gia cho biết, các vụ lừa đảo mạo danh có nhiều hình thức nhưng có chung một tiền đề cơ bản: Tội phạm giả vờ là người mà bạn tin tưởng để thuyết phục bạn gửi tiền cho chúng hoặc để lấy thông tin mà sau này có thể dùng để kiếm tiền.
Trong một báo cáo gần đây, FTC cho biết các tội phạm này có thể tuyên bố sai sự thật rằng họ là người yêu, chính phủ, người thân gặp nạn, doanh nghiệp nổi tiếng hoặc chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật.
Những kẻ lừa đảo, thường là một phần của mạng lưới tội phạm có tổ chức tinh vi, có thể liên hệ với các nạn nhân tiềm năng thông qua các kênh như e-mail, cuộc gọi điện thoại, tin nhắn, ứng dụng di động, mạng xã hội hoặc thư truyền thống.
Lừa đảo mạo danh tăng tốc do sự bùng nổ của Internet
Nội dung và hình thức lừa đảo trực tuyến không mới, nhưng các đối tượng lừa đảo đã chuyển hướng vào các nạn nhân mới. Đó là người cao tuổi, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp và cả trẻ em. Lý do bọn lừa đảo nhắm vào các đối tượng này là vì họ đều có điện thoại thông minh, nhưng khả năng nhận diện các dấu hiệu, hành vi lừa đảo còn khá thấp.
Tại Việt Nam, Bộ Công an đã liệt kê 24 hình thức lừa đảo trực tuyến, từ những hình thức tinh vi nhất như lừa đảo bằng các video deepfake (hình ảnh, thông tin giả mạo, sai sự thật), đến giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, cán bộ thuế gọi điện qua giao thức internet hăm dọa người bị hại, sau đó chiếm đoạt thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản. Kẻ xấu còn dựng ra nhiều kịch bản để lừa người dùng vào bẫy, dụ dỗ nạp tiền làm nhiệm vụ online, giả mạo người thân yêu cầu chuyển tiền, giả mạo luật sư, cam kết lấy lại tiền…
Trong khi đó, ở Hoa Kỳ, những kẻ tội phạm mạo danh chính phủ có thể gợi ý họ làm việc cho Cơ quan An sinh Xã hội, IRS, Medicare hoặc thậm chí là FTC. Ngoài ra, còn những kẻ phạm tội khác nói rằng họ đến từ một công ty như Amazon hoặc Apple và cho rằng tài khoản của bạn có vấn đề hoặc công ty tiện ích của bạn đe dọa tắt dịch vụ. Những người khác có thể nói rằng họ là bạn thân hoặc thành viên gia đình và cần tiền cho trường hợp khẩn cấp.
Các chuyên gia, cho biết công nghệ mới ra đời và cải tiến, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo và nhân bản giọng nói, đã khiến những vụ lừa đảo này trở nên thuyết phục hơn.
Phó chủ tịch chính sách công, viễn thông và gian lận tại Liên đoàn Người tiêu dùng Quốc gia Hoa Kỳ, ông John Breyault, cho biết: “Những trò lừa đảo này thực sự đã tồn tại từ lâu, nhưng Internet đã thực sự thúc đẩy chúng, và những kẻ lừa đảo dường như ngày càng giỏi hơn, tinh vi hơn trước chúng ta”.
Người lớn tuổi có xu hướng mất nhiều tiền hơn
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam), nội dung và hình thức lừa đảo trực tuyến không mới, nhưng các đối tượng lừa đảo đã chuyển hướng vào các nạn nhân mới. Đó là người cao tuổi, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp và cả trẻ em. Lý do bọn lừa đảo nhắm vào các đối tượng này là vì họ đều có điện thoại thông minh, nhưng khả năng nhận diện các dấu hiệu, hành vi lừa đảo còn khá thấp, nhất là những người cao tuổi.
Các nạn nhân lớn tuổi ít có khả năng báo cáo việc mất tiền do tất cả các hình thức lừa đảo hơn những người trẻ tuổi, nhưng tổn thất điển hình của họ lại cao hơn. Chẳng hạn tại Hoa Kỳ, số nạn nhân từ 80 tuổi trở lên bị thiệt hại trung bình là 1.450 USD; để so sánh, mức thiệt hại thông thường không vượt quá 500 USD đối với những người dưới 70 tuổi.
Hồi cuối năm ngoái, Cục điều tra liêng bang Hoa Kỳ (FBI) đã báo cáo rằng một loại lừa đảo mạo danh - một loại lừa đảo hỗ trợ công nghệ được gọi là lừa đảo “hacker ma” đang gia tăng trên toàn quốc, “tác động đáng kể” đến những người Mỹ lớn tuổi.
Theo FBI, những vụ lừa đảo hỗ trợ công nghệ này thường xóa sạch toàn bộ tài khoản ngân hàng, tài khoản tiết kiệm, tài khoản hưu trí hoặc tài khoản đầu tư của người cao tuổi. Đây là số tiền mà mọi người đã làm việc cả đời để tích lũy. Và đối với nhiều nạn nhân, họ không có thời gian để hồi phục, họ là người lớn tuổi hoặc những người có hoàn cảnh khó khăn nên gây ra tổn hại đáng kể về mặt tinh thần và tâm lý.
Theo dữ liệu của FTC, tiền điện tử gây ra tổn thất gian lận lớn nhất so với các phương thức thanh toán khác, trong khi chuyển khoản và thanh toán ngân hàng đứng thứ 2. Các nạn nhân của vụ lừa đảo lần lượt mất 1,9 tỷ USD và 1,4 tỷ USD thông qua các kênh thanh toán này trong năm 2023.
Các chuyên gia cho rằng người tiêu dùng thường có quyền truy đòi pháp lý hạn chế để lấy lại tiền trong những trường hợp này: Nạn nhân bị lừa khi ủy quyền một giao dịch (tức là tự nguyện gửi tiền cho tội phạm) thường có các biện pháp bảo vệ tài chính yếu hơn so với những nạn nhân bị lừa bởi các giao dịch trái phép.
Cách bảo vệ bản thân khỏi những trò lừa đảo mạo danh
Để ngăn ngừa vấn nạn lừa đảo qua mạng, giới chuyên gia cho rằng các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền đến người dân nhận diện các chiêu thức lừa đảo; phối hợp với các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước, các nhà mạng viễn thông xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế, xóa bỏ tình trạng sim rác; việc thuê, mượn tài khoản ngân hàng; bảo vệ thông tin bí mật cá nhân.
Điều quan trọng nhất là người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác khi sử dụng mạng để tránh những rủi ro. Theo các chuyên gia an ninh mạng, người dùng nên chậm lại, suy nghĩ kỹ trước khi click chuột hoặc tắt hết các kết nối khi không cần dùng đến như wifi, bluetooth…
Khi "sập bẫy" lừa đảo, người dân nên tham gia tố giác tội phạm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ để giúp cơ quan công an trong công tác tập hợp thông tin, tuyên truyền và điều tra vụ án, xử lý đối tượng.
Thông thường những kẻ lừa đảo lợi dụng sự sợ hãi và khẩn cấp, với hy vọng gây ra phản ứng cảm xúc tức thời từ nạn nhân, kiểu như “họ đang chơi một trò chơi tâm lý khó chịu”. Vì vậy, các chuyên gia chống gian lận, cho rằng các bước hiệu quả nhất mà người tiêu dùng có thể thực hiện để bảo vệ mình khỏi những trò lừa đảo mạo danh là “tạm dừng và xác minh”.
Khi người tiêu dùng nhận được tin nhắn không mong muốn từ ai đó, ngay cả khi ai đó có vẻ là người quen biết yêu cầu chuyển tiền hoặc thực hiện giao dịch, nên tạm dừng, suy nghĩ về yêu cầu đó và tránh bị áp lực. Bởi điều này có thể khiến kẻ lừa đảo đi chệch hướng và nhắc nhở người tiêu dùng đưa ra quyết định hợp lý của họ.
Tương tự như vậy, người tiêu dùng không nhấp vào liên kết hoặc gọi đến một số trong tin nhắn không được yêu cầu hoặc cửa sổ bật lên; độc lập tìm kiếm trang web chính thức tương ứng hoặc kênh liên lạc khác.
Minh Đức