Khách hàng tại Bắc Ninh bị đối tượng lừa đảo thao túng tâm lý và chiếm đoạt tiền trong tài khoản
Vừa qua, TAND thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã mở các phiên xử sơ thẩm vụ bà T.T.C (trú tại Từ Sơn, Bắc Ninh) yêu cầu ngân hàng (trong đó có Vietcombank) bồi thường số tiền bị mất trong tài khoản (vụ việc xảy ra từ năm 2022).
Đây là trường hợp khách hàng bị kẻ gian lừa đảo, đã cung cấp thông tin theo hướng dẫn của đối tượng lừa đảo và bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền trên tài khoản.
Liên quan đến trường hợp này, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, VCB) xin thông tin như sau:
Trong thời gian qua, trước những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm tài chính, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao liên quan đến giao dịch ngân hàng, trong đó có lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới nhiều hình thức, Vietcombank đã liên tục đưa ra nhiều cảnh báo nhằm khuyến cáo khách hàng lưu ý thực hiện theo các hướng dẫn giao dịch an toàn, chủ động phòng tránh rủi ro và bảo vệ tài sản của mình. Các thông tin hướng dẫn giao dịch an toàn thường xuyên được Vietcombank cập nhật trên website chính thức của ngân hàng và trên giao diện của VCB Digibank, cụ thể:
- Hướng dẫn giao dịch an toàn xem tại đây.
- Giao diện của VCB Digibank xem tại đây.
Tuy nhiên, Vietcombank rất tiếc vẫn có khách hàng như trường hợp bà T.T.C do bị đối tượng lừa đảo thao túng tâm lý, đe dọa, ép buộc nên đã tự cài phần mềm giả mạo vào máy điện thoại, không thực hiện đúng theo các hướng dẫn về giao dịch an toàn của ngân hàng nên đã bằng hành vi của mình tự cung cấp toàn bộ các thông tin bảo mật được ngân hàng cung cấp dành riêng cho khách hàng (tên truy cập, mật khẩu truy cập dịch vụ VCB Digibank, các mã xác thực SMS OTP kích hoạt dịch vụ VCB Digibank, kích hoạt Smart OTP và xác thực giao dịch tài chính) cho các đối tượng lừa đảo. Từ các thông tin bảo mật được khách hàng cung cấp đó, đối tượng lừa đảo đã thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Đây là thủ đoạn của tội phạm đã được các cơ quan nhà nước cũng như Vietcombank thường xuyên cảnh báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở giao dịch và trên các ứng dụng giao dịch... trong thời gian dài.
Với trường hợp nêu trên, ngay sau khi nhận được thông tin phản ảnh của khách hàng, ngoài việc cung cấp sao kê và các thông tin liên quan đến tài khoản thanh toán cho khách hàng theo yêu cầu của khách hàng, Vietcombank đã tích cực phối hợp cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan chức năng và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xác minh, truy tìm tội phạm để thu hồi tài sản bị lừa đảo cho khách hàng theo quy định của pháp luật.
Theo quy định về mở, quản lý và sử dụng tài khoản mà khách hàng đã ký với ngân hàng, khách hàng đã đồng ý xác nhận trách nhiệm của mình trong việc bảo mật các yếu tố xác thực giao dịch thanh toán. Kèm theo tin nhắn gửi các yếu tố bảo mật, ngân hàng có gửi kèm theo thông điệp cảnh báo khách hàng không cung cấp thông tin này cho người khác, do đó, khách hàng luôn được tiếp nhận đầy đủ thông tin cảnh báo từ ngân hàng.
Vietcombank sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét lại nội dung bà T.T.C khởi kiện nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, đúng đắn theo quy định pháp luật của các bên.
Vietcombank luôn cam kết bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của khách hàng. Một lần nữa, Vietcombank đề nghị các khách hàng cần phối hợp, quan tâm đến các cảnh báo của các cơ quan chức năng, cảnh báo của ngân hàng và thông tin cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động nâng cao hơn nữa trách nhiệm bảo mật thông tin giao dịch cá nhân, nhận biết các thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, đa dạng... nhằm bảo vệ tài sản của mình.