Hợp tác Việt Nam và Pháp đã trở thành nét đặc trưng và là một điểm sáng
Pháp là nước duy nhất mà Việt Nam có cơ chế Hội nghị Hợp tác giữa các địa phương định kỳ và luân phiên. Đến nay, đã có trên 38 địa phương các cấp của Pháp và 18 tỉnh, thành phố của Việt Nam tham gia hợp tác theo cơ chế này.
Phát biểu tại Lễ bế mạc Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp, lần thứ 12, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng: Thông qua Hội nghị, các địa phương đã mang đến cho nhau sự ấm áp của tình hữu nghị, sự chân thành, tin tưởng, tạo nền tảng vững chắc cho Đối tác chiến lược Việt Nam và Pháp.
Theo Chủ tịch UBND Thành phố, có thể nói, một số lĩnh vực Hội nghị trao đổi trong ba ngày qua không mới, nhưng với cách tiếp cận mới, phù hợp hơn trong bối cảnh Việt Nam đã và đang thay đổi, vì Pháp đang thay đổi và vì thế giới của chúng ta cũng đang thay đổi. Đổi mới cách tiếp cận, trong tâm thế “các bên cùng có lợi” nhưng vẫn giữ được tinh thần đoàn kết, vốn là “lý do” ra đời và phát triển của cơ chế hợp tác địa phương giữa Việt Nam và Pháp.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định: Các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp, lần thứ 12, còn tiếp tục với việc khảo sát công tác bảo tồn di sản, di tích tại Hà Nội, là kết quả hợp tác giữa Hà Nội với các địa phương Toulouse và Ile de France. Ngoài ra, các đại biểu Việt Nam và Pháp sẽ tiếp tục gặp gỡ, trao đổi trong chuyến đi đến tỉnh Ninh Bình, thăm khu quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Bên cạnh đó, Tại Lễ bế mạc, Trưởng phòng khu vực Hiệp hội các địa phương Pháp Constance Koukoui thông tin: Trong 2 ngày tổ chức, Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 đã có 4 phiên thảo luận chuyên đề, trao đổi những nội dung rất phong phú.
Theo đó, tại phiên Hội thảo chuyên đề về “Đô thị bền vững” do UBND thành phố Hà Nội và Hội đồng vùng Ile-de-France chủ trì, các đại biểu đã làm rõ nhiều nội dung, trong đó nhận định các địa phương của hai nước có điểm chung là phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến thành phố bền vững. Trong đó gặp khó khăn từ công tác quy hoạch, quản lý đô thị, xử lý nước thải…
Thông qua tham luận, các địa phương, cơ quan, đơn vị của hai nước đã đưa ra nhiều đề xuất, khuyến cáo phù hợp với đặc thù của từng quốc gia, địa phương và thể chế của mỗi nước để vượt qua khó khăn, thách thức. Đồng thời khẳng định, những trao đổi về vấn đề này vẫn chưa kết thúc, sau Hội nghị, các đơn vị sẽ tiếp tục tham vấn lẫn nhau để vượt qua khó khăn, thách thức.
Tại phiên chuyên đề về “Văn hóa, Di sản và Du lịch” do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Thành phố Toulouse đồng chủ trì, các bên đã tích cực chuẩn bị nhiều bài tham luận. Đưa ra nhấn định chung, “Văn hóa, Di sản và Du lịch” có nhiều thách thức và cơ hội đặt ra. Các bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chính sách công trong bảo tồn văn hóa, di sản và quản lý tour du lịch đại trà; những đóng góp của di sản vào du lịch; nhấn mạnh di sản vật thể và phi vật thể đóng góp vào văn hóa; đời sống của dân cư bản địa chịu tác động của di sản…
Bàn về phương thức hợp tác, các địa phương của hai nước nhấn mạnh có thể thể áp dụng công nghệ số trong quản lý và bảo tồn di sản; phát huy vai trò của nhà nước trong đưa ra qua hoạt động quy hoạch, chính sách bảo tồn.
Tại phiên chuyên đề về “Môi trường, Nước và Xử lý nước” do UBND TP.HCM và thành phố Rennes đồng chủ trì, các đại biểu đã chia thành 2 phần thảo luận. Nhận định chung là 2 nước đều phải đối mặt với khan hiếm nước và biến đổi khí hậu, từ đó đề xuất các địa phương có thể phát triển kỹ thuật; xây dựng chính sách công để quản lý nguồn nước hiệu quả đặc biệt trong nông nghiệp, tưới tiêu. Chính vì vậy, trong thời gian tới các địa phương sẽ tiếp tục hợp tác, trao đổi phi tập trung về quản lý nước; nâng cao kiến thức sử dụng, quản lý, chú trọng phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng trong thời gian tới bên cạnh kinh tế tuần hoàn.
Tại phiên chuyên đề về “Thành phố thông minh - số hóa” do UBND thành phố Đà Nẵng và Vùng Nevers. Các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chính quyền điện tử, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị địa phương, sử dụng trí tuệ nhân tạo, IoT, công nghệ thông tin… để tối ưu hóa hiệu quả dịch vụ công của Thành phố, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Với chủ đề tập trung chuyển đổi số để xây dựng thành phố thông minh, các đại biểu đã nhận định chuyển đổi số có tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, giúp chúng ta chuyển đổi mô thức quản lý vận hành; phát triển, nhanh, bền vững, minh bạch hơn. Các bài tham luận đã đề xuất các chính sách, nhấn mạnh trong chuyển đổi số thì vấn đề con người là quan trọng và cần đặt vào trung tâm của các chính sách thực hiện.
Trưởng phòng khu vực Hiệp hội các địa phương Pháp Constance Koukoui nhấn mạnh, các phiên hội thảo có nội dung dày đặc, đạt hiệu quả. Mặc dù kết thúc nhưng những trao đổi chưa dừng lại, các địa phương của 2 nước sẽ tiếp tục có những đối thoại với nhau đề xuất ra phương hướng, giải pháp phù hợp với mỗi địa phương.
Tại phiên bế mạc, diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương, gồm thành phố Hà Nội - thành phố Toulouse, tỉnh Yên Bái - tỉnh Val-de-Marne, tỉnh Thừa Thiên-Huế - Grand Poitiers, thành phố Huế - Thành phố Rennes.
Tiến Hoàng