Hòa Phát muốn sản xuất đường ray cao tốc, với tốc độ 850km/giờ
Tại đại hội đồng cổ đông của Tập đoàn Hoà Phát, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cho biết, doanh nghiệp đang tích cực nghiên cứu đề án sản xuất đường ray tàu xe lửa cao tốc, với vận tốc 850km/giờ.
Ngày 11/4, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát tổ chức Đại hội Đồng cổ đông thường niên năm 2024. Một trong những thông tin chú ý được ông Trần Đình Long công bố tại Hội nghị là 5-10 năm tới, Hòa Phát sẽ tập trung vào lĩnh vực chủ chốt, với “cú đấm thép” đang chuẩn bị là Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2 (Quảng Ngãi).
Dự án Dung Quất 2 có công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) và 1 triệu tấn thép đặc biệt.
Đặc biệt, ông Long cho biết, tại Dung Quất 2, Hòa Phát sẽ làm đường ray xe lửa tốc độ cao. “Hòa Phát đã tiến hành những bước đầu tiên và sẵn sàng đấu thấu tại dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam”, ông Long nói.
Dù vậy, theo ông Long, đây mới là ý tưởng và Hoà Phát vẫn đang tích cực nghiên cứu tìm hiểu thêm. Chủ tịch Hoà Phát khẳng định, dù biết việc này rất khó và tốn kém nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng làm và có thể kịp tham gia đấu thầu, cung cấp sản phẩm nếu có cơ hội.
Ông Long cho hay, việc nghiên cứu dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2026 và sớm nhất vào năm 2028 sẽ ra được sản phẩm. Hoà Phát sẽ áp dụng công nghệ hiện đại nhất từ nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) để phát triển sản phẩm.
Ông Long chia sẻ, hiện tại ở trên thế giới, tốc độ phổ biến của đường sắt cao tốc ở quanh mốc khoảng 300-500km/giờ, thế nhưng cũng đã có những nước thử nghiệm tốc độ 800km/giờ, tốc độ càng cao thì mức độ ăn mòn sẽ càng lớn.
Tốc độ tính toán dự kiến đường ray tốc độ cao mà chủ tịch Hòa Phát muốn tham gia sản xuất sẽ đạt mức 850km/giờ.
"Chính phủ đang đẩy mạnh nghiên cứu phương án tối ưu đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Dự án với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới hơn 70 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp trong nước, trong đó có Hoà Phát đang có nguyện vọng tham gia các dự án này", ông Trần Đình Long nói.
Theo đề án mà Bộ Giao thông Vận tải hiện đang nghiên cứu, có 3 kịch bản đường sắt cao tốc Bắc - Nam có chiều dài 1.545km, đi qua 20 tỉnh, thành phố, trong đó có hai kịch bản tàu tốc độ 350 km/giờ chở khách riêng và dự phòng chở hàng.
Cụ thể, kịch bản 1 là đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, dài 1.545 km, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỷ USD.
Kịch bản 2 là đầu tư tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỉ USD. Trường hợp đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác thêm tàu hàng trên tuyến này thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỷ USD.
Kịch bản 3 là đầu tư tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỷ USD. Nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỷ USD.
Tuy nhiên, đến nay Bộ Giao thông Vận tải đang tập trung đề xuất Kịch bản 3.
H.A