Hải Phòng: Vì sao người dân chặn xe chở đá từ mỏ Kiên Ngọc?
Hàng chục người dân thôn 5, 6 xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng chặn không xe chở đá từ mỏ Kiên Ngọc vì gây ô nhiễm môi trường.
Khói bụi từ mỏ đá nói chung có tác động đến môi trường không khí. Ngoài tiếng ồn thì chất ô nhiễm lớn nhất phải kể đến trong hoạt động khai thác đá là bụi, sau đó mới đến các loại khí thải của các phương tiện vận chuyển, máy móc thiết bị thi công. Các khí thải độc hại này bao gồm: bụi, Pb, SO2, NOx, H2S, CO, muội…Các loại khí này thường khi thâm nhập tầng bình lưu là các tác nhân gây nên khói quang hóa, phá hủy tầng ozon, góp phần tạo nên hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng chung đến thời tiết toàn cầu.
Ở tầng đối lưu các loại khí này có khả năng kết hợp với hơi nước tạo ra các hạt mù axit, hoặc hòa tan vào nước mưa làm giảm độ pH của nước xuống tới 5,5. Khi rơi xuống mặt đất sẽ làm gia tăng khả năng hòa tan các kim loại nặng trong đất, làm chai đất, phá hủy rễ cây, hạn chế khả năng đâm chòi, giảm năng suất cây trồng. Đối với con người các khí có khả năng gây kích ứng niêm mạc phổi ở nồng độ thấp. Ở nồng độ cao và lâu dài, chúng có thể gây loét phế quản, giảm khả năng hấp thụ oxi của các phế nang, tác động không tốt đến hệ tim mạch, gây suy nhược cơ thể. Đặc biệt khi có mặt đồng thời SO3 thì các tác động lên cơ thể sống mạnh hơn so với tác động của từng chất riêng biệt, gây co thắt phế quản gây ngạt và tử vong.
Bụi là một trong những tác nhân gây ô nhiễm nguy hiểm. Các loại bụi khoáng vô cơ kim loại, silic amiang, bụi plastic gây ra các bệnh bụi phổi ở động vật (aluminose, silicoe, siderose…). Đối với thực vật, bụi lắng đọng trên lá làm giảm khả năng quan hợp của cây, làm giảm năng suất cây. Các hạt bụi có kích thước nhỏ (1-5mm) dễ dàng lọt vào và tồn tại trong các phế nang phổi gây bệnh về hô hấp cho người và động vật. Tác động lên môi trường không khí ở giai đoạn này có mức độ không lớn và mang tính tạm thời.
Cũng liên quan đến câu chuyện về ô nhiễm môi trường từ bụi đá và tiếng ồn, vừa qua, một số hộ dân ở thôn 5,6 xã An Sơn (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) cho biết, quá trình khai thác mỏ đá Kiên Ngọc đã ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân, mất an toàn trong quá trình nổ mìn khai thác đá.
Không chỉ bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn từ việc nổ mìn mỗi ngày 2 lần, trong quá trình khai thác, khói bụi bay vào khu dân cư khiến đời sống người dân bị xáo trộn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khỏe của những người dân sinh sống quanh đây.
Theo tìm hiểu, Công ty Kiên Ngọc được UBND thành phố Hải Phòng cấp phép khai thác khoáng sản theo Giấy phép số 246/GP-UBND ngày 29-1-2013. Cấp cho công ty được khai thác khoáng sản đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực núi phía Tây Nam khu B, núi Trại Sơn, xã An Sơn với tổng diện tích hơn 16ha, tổng trữ lượng hơn 5 triệu m3 (trong đó diện tích khu vực khai thác là 10,03ha và công trình phụ trợ 6,61ha) khu vực được phép nổ mìn trong ranh giới diện tích 4,75 ha nằm sát hang Công an và khu vực nghĩa trang nhân dân.
Trước đó, khi đưa vào vận hành khai thác đá tại mỏ Kiên Ngọc, đơn vị khai thác đã thực hiện đền bù, hỗ trợ khói bụi đối với nhiều hộ dân nhưng người dân sống gần mỏ cho biết mức đền bù trên chưa thỏa đáng và một số hộ bị ảnh hưởng từ tiếng ồn, khói bụi nhưng không được hỗ trợ kinh phí.
Do lo ngại về sức khỏe của gia đình và người thân của mình, mấy ngày gần đây người dân thôn 5,6 xã An Sơn huyện Thủy Nguyên đã chặn đường không cho xe ra vào khu vực mỏ khai đá Kiên Ngọc. Được biết thêm, việc người dân thôn 5,6 trước đây cũng đã nhiều lần chặn xe chở đá ra vào khu vực mỏ nhưng cũng chỉ được 1 thời gian thì tình trạng xe ra vào khu vực mở lại tiếp diễn.
Không những thế hoạt động của mỏ đá Kiên Ngọc không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân, quá trình khai thác mỏ đá Kiên Ngọc còn đang xâm phạm tới cụm di tích lịch sử cấp thành phố như: Hang Đốc Tít, chùa Kim Liên, hang Huyện Ủy...Được UBND thành phố ban hành Quyết định số 734/QĐ-UBND, ngày 01/05/2005 xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố.
Qua tìm hiểu, năm 2023, UBND thành phố đã giao cho chính quyền địa phương phối hợp vối các cơ quan chức năng để hoàn thiện việc cắm mốc khai thác, không được xâm phạm và ảnh hưởng tới cụm di tích trên nhưng đến thời điểm này, việc cắm mốc vẫn chưa được thực hiện.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường sáng 4/3, ông Nguyễn Văn Đăng - Chủ tịch UBND xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên xác nhận thông tin việc người dân chặn xe tại khu 5,6 của xã. Trong buổi sáng chủ nhật (ngày 3/3), lãnh đạo xã đã chỉ đạo lực lượng công an xã xuống giải quyết. Cơ bản tìn hình đã được giải quyết.
Cũng theo ông Đăng, tại khu vực trên xuất hiện tình trạng nổ mìn gây khói bụi, ảnh hưởng đến môi trường sống khiến người dân bức xúc và nhiều lần phản ánh.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi qua điện thoại với Phóng viên, chủ mỏ đá Kiên Ngọc cũng xác nhận việc bị người dân chặn xe vào mấy ngày qua. Vị này cũng không đưa ra bình luận việc người dân cho rằng nguyên nhân chặn xe là do nổ mìn và vận chuyển đá gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam Môi trường không khí có ý nghĩa rất quan trọng đối với sức khỏe con người và tất cả các hệ sinh thái trên trái đất. Con người có thể “nhịn ăn từ 7 đến 10 ngày, nhịn uống từ 2 đến 4 ngày, nhưng chỉ nhịn thở từ 3 đến 5 phút là có thể tử vong”. Sống và làm việc trong môi trường không khí bị ô nhiễm, nhất là bị ô nhiễm nặng, con người sẽ bị các bệnh về đường hô hấp (là chủ yếu), làm trầm trọng thêm bệnh tim mạch và bệnh thần kinh, nguy hiểm nhất là bị bệnh ung thư phổi. Theo số liệu của WHO thì tổng số người chết bệnh tật (chết non) do ô nhiễm không khí gây ra trên thế giới mỗi năm từ 3,5 đến 7 triệu người. Cũng theo số liệu của WHO tại Việt Nam, ô nhiễm không khí khiến khoảng 50.000 người tử vong mỗi năm và gây ra thiệt hại kinh tế khoảng 240.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 4% - 5% GDP quốc gia, trong đó ô nhiễm không khí trong nhà đóng góp khoảng 50% nguyên nhân gây các bệnh tật chết người đó. Khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tỉ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25% do ô nhiễm không khí. Cho nên ô nhiễm không khí được coi là “kẻ giết người thầm lặng” và chất lượng không khí là vô cùng quý giá. Việc kiểm soát ô nhiễm không khí xung quanh cũng như không khí trong nhà hiện nay là rất cấp bách.
Duy Mạnh - Trần Đông