Hải Hà Petro bị rút giấy phép, loạt công ty con lộ khối nợ trăm tỷ
Không chỉ Hải Hà Petro chây ì khoản nợ thuế hơn 1.775 tỷ đồng, nợ các ngân hàng 6.798 tỷ đồng mà các công ty liên quan trong gia đình Hải Hà Petro còn đang nợ các ngân hàng gần 900 tỷ đồng.
Hệ sinh thái Hải Hà Petro nợ ngân hàng gần 900 tỷ đồng
Ngoài sở hữu Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro), gia đình bà Trần Tuyết Mai và ông Tô Văn Thọ (chồng bà Mai) cùng các con, cháu... còn đứng tên làm người đại diện theo pháp luật hoặc nắm giữ cổ phần tại hàng loạt doanh nghiệp.
Điển hình là các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Hải Hà An Bình, Công ty TNHH Vận tải biển Tùng Linh, Công ty CP Dịch vụ thương mại vận tải biển Tùng Dương, Công ty TNHH Vận tải biển Trùng Dương, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng vận tải Hải Minh Hưng, Công ty TNHH Một thành viên Đại Hải Hà Petro, Công ty CP Mỹ Long Thành, Công ty CP Dược phẩm Trung ương I (Pharbaco), Công ty TNHH Một thành viên Nghĩa Hải, Công ty CP Thương mại Phát Lộc, Công ty TNHH Xăng dầu Hải Hà Thái Bình, Công ty CP Sản xuất thương mại dịch vụ vận tải Ngọc Mai...
Không tính khoản nợ ngân hàng của Hải Hà Petro thì các công ty thuộc "hệ sinh thái" Hải Hà Petro nói trên đang có tổng dư nợ lên đến 869 tỷ đồng tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng (tính đến tháng 12/2023).
Trong đó, Công ty CP Sản xuất thương mại dịch vụ vận tải Ngọc Mai nợ 3 ngân hàng tổng cộng 571 tỷ đồng. Trong đó, nợ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) 41 tỷ đồng, nợ Ngân hàng TMCP Bảo Việt 300 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng vận tải Hải Minh Hưng nợ các ngân hàng là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)... tổng cộng 235 tỷ đồng.
Còn Công ty TNHH Hải Hà An Bình nợ 30 tỷ đồng; Công ty CP Dịch vụ thương mại vận tải biển Tùng Dương nợ 33 tỷ đồng.
Ngoài các công ty trên thì doanh nghiệp chính thuộc sở hữu của vợ chồng bà Trần Tuyết Mai là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) cũng đang mang món nợ "khủng" tại các ngân hàng.
Tính đến tháng 11/2023, Hải Hà Petro đã, đang có quan hệ tín dụng với các ngân hàng, gồm: Ngân hàng TMCP Bảo Việt, VPB, và Vietinbank... với tổng số nợ là hơn 6.698 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo tiền vay là hàng hóa hình thành trong tương lai, sổ đỏ, cổ phiếu, vốn góp...
'Ông lớn' xăng dầu Hải Hà vướng nhiều bê bối
Hải Hà Petro là một trong gần 40 đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu lớn của cả nước từ nhiều năm qua. Thời gian qua, 'ông lớn' xăng dầu có trụ sở tại Thái Bình này liên tục xảy ra nhiều vi phạm và bê bối làm ăn như: thua lỗ, nợ thuế... và bị tước giấy phép.
Hải Hà Petro thành lập ngày 8/9/2003, đại diện pháp luật là bà Trần Tuyết Mai.
Nhiều năm qua, doanh nghiệp này được xem là đơn vị nộp ngân sách lớn nhất địa bàn tỉnh Thái Bình.
Điển hình, năm 2021, công ty này nộp ngân sách trên 2.500 tỷ đồng (chủ yếu là Thuế Bảo vệ môi trường) và được UBND tỉnh Thái Bình tuyên dương.
Tuy nhiên, vài năm lại đây, ông lớn xăng dầu phía Bắc này liên tục nợ thuế khủng.
Đến nay, Hải Hà Petro đã nợ hơn 1.700 tỷ đồng tiền thuế, chủ yếu là thuế bảo vệ môi trường. Trong đó, năm 2021, doanh nghiệp này nợ khoảng 815 tỷ đồng; năm 2020 nợ khoảng 761 tỷ đồng.
Ngày 27/12/2023, Cục Thuế tỉnh Thái Bình cùng lúc ban hành 66 quyết định gửi đến các tổ chức tín dụng và ngân hàng về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ 66 tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế là Hải Hà Petro tại Kho bạc Nhà nước và tổ chức tín dụng để nộp vào ngân sách Nhà nước.
Trước đó, vào ngày 30/8/2023, Cục Thuế tỉnh Thái Bình có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Trần Tuyết Mai (người đại diện theo pháp luật của Hải Hà Petro) vì doanh nghiệp này thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Hoạt động kinh doanh của Hải Hà Petro chìm ngập trong thua lỗ. Riêng năm 2022, doanh nghiệp này báo lỗ 2.574 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế đến 31/12/2022 lên 4.577 tỷ đồng. Kết quả là công ty âm vốn chủ sở hữu 4.122 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2022, nợ phải trả của Hải Hà Petro lên đến 17.142 tỷ đồng, tăng 3.982 tỷ đồng, tương đương 30,3% so với cuối năm 2021, cao gấp 1,3 lần tổng tài sản công ty.
Ngày 9/1, cùng với việc thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Hải Hà Petro tại số 132, tổ dân phố số 6, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an tiến hành triệu tập nhiều người trong gia đình bà Trần Tuyết Mai, ông Tô Văn Thọ và một số cán bộ, nhân viên trong công ty đến trụ sở cơ quan điều tra làm việc.
Ngày 10/1, cơ quan điều tra tiến hành khám xét, kiểm đếm, niêm phong tổng kho xăng dầu của Hải Hà Petro tại xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình cũng được cơ quan điều tra thông báo đề nghị quản lý hoạt động vận tải trên biển đối với các tàu chở dầu thuộc sở hữu của Hải Hà Petro, tạm thời dừng hoạt động vận tải, lưu thông chở hàng hóa trên vùng biển đối với các tàu này.
Ngày 12/1, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 63/QĐ-BCT về việc thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đối với Hải Hà Petro.
Mai Anh