Hà Tĩnh: Chấn chỉnh, tăng cường quản lý đầu tư công và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có Văn bản số 1467 /UBND-TH6 về việc chấn chỉnh, tăng cường quản lý đầu tư công và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.
Thời gian qua, công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều công trình, dự án được hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện đầu tư công trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Xác định nhu cầu kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước hàng năm chưa sát với khả năng thực hiện, giải ngân vốn một số công trình, dự án không đạt kế hoạch đề ra; công tác chuẩn bị đầu tư chất lượng chưa cao dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần; nợ đọng xây dựng cơ bản còn khá lớn và có nguy cơ phát sinh thêm nợ mới; chậm lập và lập chưa đầy đủ hồ sơ trình thẩm tra, phê duyệt quyết toán hoàn thành…
Để chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, tăng cường xử lý nợ đọng, phát huy hiệu quả vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã và các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nội dung như:
Tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ triển khai, giải ngân vốn đầu tư công; chấn chỉnh công tác lập, phân bổ kế hoạch đầu tư công hàng năm: Các Sở, ban, ngành và địa phương cần tăng cường, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; coi việc xây dựng kế hoạch là điều kiện tiên quyết để bảo đảm tiến độ, giải ngân các chương trình dự án theo đúng kế hoạch đề ra, phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Việc lập, phân bổ kế hoạch đầu tư công phải bám sát các mục tiêu, nguyên tắc, yêu cầu, trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm quy định tại Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành. Yêu cầu không để lặp lại những tồn tại, hạn chế của các năm trước như: Đăng ký nhu cầu kế hoạch vốn đầu tư công chưa chính xác, không sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ, giao chi tiết hết kế hoạch hoặc phân bổ chậm, phân bổ chưa đúng đối tượng quy định, phân bổ cho dự án đã hết thời hạn quy định; điều chỉnh kế hoạch vốn nhiều lần, thậm chí điều chỉnh sau ngày 15/11 năm kế hoạch; giải ngân chậm, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao; phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, chưa đúng với quy định của Luật Đầu tư công; lập kế hoạch đầu tư công chưa có danh mục cụ thể theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn…
Tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường trách nhiệm trong công tác lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án đầu tư công. Việc đề xuất, quyết định đầu tư dự án phải phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch có liên quan; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công 5 năm; bám sát các mục tiêu, định hướng của Đại hội Đảng bộ tỉnh và các chương trình, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Thường xuyên kiện toàn và nâng cao năng lực cho bộ phận chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực trình độ để nâng cao chất lượng hồ sơ ở bước chuẩn bị đầu tư dự án, đảm bảo tính chính xác, tiết kiệm và hiệu quả, tránh sai sót dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án.
Tăng cường công tác quản lý đấu thầu, lựa chọn nhà thầu triển khai thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tuân thủ đúng quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản liên quan; nghiêm cấm việc đưa ra các quy định, tiêu chí, điều kiện không phù hợp nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng; lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu của từng gói thầu theo quy định. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi hoạt động lựa chọn nhà thầu, đặc biệt đối với những gói thầu có nhiều kiến nghị, phản ánh tiêu cực, vi phạm; những gói thầu có ít nhà thầu tham dự thầu và có tỷ lệ tiết kiệm thấp.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1603/QĐ-TTg ngày 11/12/2023; của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công điện số 11/CĐ-BKHĐT ngày 12/12/2023; của UBND tỉnh tại Quyết định số 3531/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 và Văn bản số 433/UBND-TH1 ngày 22/01/2024.
Đẩy mạnh công tác quyết toán dự án hoàn thành: Các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án chấp hành nghiêm quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành và thời hạn báo cáo tình hình quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành hằng năm; chấn chỉnh, khắc phục tình trạng chậm lập hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành. Sở Tài chính và UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo bộ phận chuyên môn đẩy nhanh tiến độ thẩm tra, trình cấp thẩm quyền phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, đảm bảo đúng và trước thời gian quy định.
Khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản: Các cấp, các ngành tuân thủ nghiêm quy định của Luật Đầu tư công, Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu chính phủ, Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công và các quy định pháp luật hiện hành.
Các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án không được yêu cầu các tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn chuẩn bị đầu tư, thi công dự án khi chưa được bố trí vốn, gây nợ đọng xây dựng cơ bản.
UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện, đồng thời chỉ đạo cấp dưới trực thuộc rà soát kỹ các khoản nợ xây dựng cơ bản thuộc phạm vi quản lý của địa phương; cân đối, bố trí nguồn để thanh toán dứt điểm nợ xây dựng cơ bản và tuyệt đối không để phát sinh thêm nợ mới.
Sở Tài chính rà soát, tham mưu UBND tỉnh phương án cân đối, bố trí vốn thanh toán nợ xây dựng cơ bản đối với các công trình, dự án do cấp tỉnh quyết định đầu tư theo quy định.