Giao thương khách hàng nhập khẩu và doanh nghiệp, xuất khẩu chè Việt Nam
Thực hiện chương trình Cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2022 Hiệp hội Chè Việt Nam tổ chức chương trình “Mời khách hàng nhập khẩu tới Việt Nam mua hàng”.
Cây chè là một trong những thế mạnh của nền nông nghiệp Việt Nam. Ngành chè được đánh giá cao và xem trọng bởi sản phẩm chè không những đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trước quốc tế. Trong những năm gần đây sản lượng sản xuất của Việt Nam tăng đáng kể không những tăng về số lượng mà chất lượng sản phẩm cũng phù hợp với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Sản phẩm chè của Việt Nam hiện nay chủ yếu xuất khẩu với đa dạng hóa sản phẩm và thị trường nhập khẩu. Thị trường tiêu thụ chè rất rộng lớn và nguồn cung ứng sản lượng chè đứng top đầu thuộc về châu Á.
5 thị trường nhập khẩu chè lớn nhất thế giới và thị phần của Việt Nam
Trong cơ cấu thị trường nhập khẩu chè trên toàn thế giới, trị giá nhập khẩu chè từ 5 thị trường chính là EU, Pakistan, Hoa Kỳ, Nga và Anh chiếm tỷ trọng lớn nhất trong năm 2021.
Dẫn đầu là thị trường EU, theo số liệu thống kê từ Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), trong năm 2021 nhập khẩu chè của EU đạt 1,1 tỷ USD, tăng 4,3% so với năm 2020. Trị giá nhập khẩu chè từ Việt Nam chỉ chiếm 0,4% tổng trị giá nhập khẩu chè của EU trong năm 2021, đạt 3,9 triệu USD, tăng 48,1% so với năm 2020.
Tiếp đà tăng trưởng mạnh trong năm 2021, tới tháng 1/2022 trị giá nhập khẩu chè của EU từ Việt Nam đạt 370,7 triệu USD, tăng 37,8% so với tháng 1/2021, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 0,4% tổng trị giá nhập khẩu chè của EU.
Mặc dù trị giá nhập khẩu chè từ Việt Nam tăng mạnh, nhưng chỉ chiếm tỷ nhỏ trong trong tổng trị giá nhập khẩu chè của EU, do đó vẫn còn rất nhiều dư địa để các doanh nghiệp xuất khẩu chè của Việt Nam khai thác thị trường này.
Thị trường Pakistan, với dân số gần 230 triệu người, mức tiêu thụ chè bình quân đầu người ước tính hơn 1 kg/năm, Pakistan là một trong những nước nhập khẩu chè lớn nhất thế giới. Sản lượng chè tại Pakistan hiện tại ở mức thấp, do đó đáp ứng nhu cầu tiêu thụ chè trong nước chủ yếu là từ nguồn nhập khẩu.
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội chè Pakistan, trong năm 2021, trị giá nhập khẩu chè của Pakistan đạt 564,4 triệu USD, giảm 0,4% so với năm 2020. Trong đó, Pakistan nhập khẩu từ Việt Nam đạt 8,4 triệu USD, tăng 9,5% so với năm 2020, chiếm 1,5% tổng trị giá nhập khẩu.
Mặc dù, nhập khẩu chè giảm trong năm 2021, nhưng Pakistan vẫn tăng mạnh nhập khẩu chè từ Việt Nam.
Thị trường Hoa Kỳ, theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ, năm 2021 nhập khẩu chè nước này đạt 506 triệu USD, tăng 9,9% so với năm 2020. Trong đó, nhập khẩu chè từ Việt Nam đạt 8,3 triệu USD, tăng 9,5% so với năm 2020, chiếm 1,5% tổng trị giá nhập khẩu chè của Hoa Kỳ.
Chè là mặt hàng có nhiều tiềm năng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, bởi nhu cầu thị trường lớn, trong khi chè Việt Nam mới chỉ chiếm thị phần thấp. Vì vậy, còn rất nhiều cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu chè của Việt Nam tăng thị phần chè tại thị trường này.
Với thị trường Nga, theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nga, trị giá nhập khẩu chè của Nga trong năm 2021 đạt 443,4 triệu USD, tăng 7,3% so với năm 2020. Nga nhập khẩu chè từ Việt Nam đạt 22,1 triệu USD, giảm 11% so với năm 2020.
Cuối cùng là thị trường Anh, theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Anh nhập khẩu chè trong năm 2021 đạt 307,7 triệu USD, giảm 12,2% so với năm 2020. Trong đó, nhập khẩu chè từ Anh đạt 1,8 triệu USD, giảm 31,4% so với năm 2020.
Tận dụng tốt lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do giữa Anh và Việt Nam (UKVFTA), mặt hàng chè của Việt Nam sẽ có cơ hội tăng thị phần tại thị trường này. So với các nguồn cung cấp khác chưa có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Anh như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia…, các sản phẩm chè của Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh hơn tại thị trường này.
Như vậy có thể thấy năm qua, thị phần chè của Việt Nam tăng trong tổng trị giá nhập khẩu chè của EU, Pakistan, Hoa Kỳ, nhưng thị phần giảm trong tổng trị giá nhập khẩu của Nga và Anh. Nếu Việt Nam tận dụng tốt cơ hội thị trường, xuất khẩu chè năm nay có thể đạt mục tiêu 130.000 tấn. cả năm 2021, xuất khẩu chè của ta đạt 126.799 tấn, kim ngạch đạt 213,88 triệu USD, giá trung bình 1.686,8 USD/tấn, giảm 6% về lượng, giảm 1,8% về kim ngạch nhưng tăng 4,6% về giá so với năm 2020
Thực hiện chương trình Cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2022 Hiệp hội Chè Việt Nam tổ chức chương trình “Mời khách hàng nhập khẩu tới Việt Nam mua hàng”. Thực hiện chương trình nhằm mục đích mời các nhà nhập khẩu Chè trên thế giới sang Việt Nam tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp xuất khẩu Chè Việt Nam đồng thời trực tiếp thực địa vùng nguyên liệu, nhà máy sản xuất của Việt Nam để khách hàng thay đổi cách nhìn nhận và đánh giá của khách mời về sản phẩm chè của Việt Nam không chỉ dành cho đấu trộn mà còn là sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Các khách hàng mà chương trình nhắm tới là Nga, Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, và các quốc gia châu Âu.
Trong khuôn khổ chương trình từ 15-18/11, các hoạt động Hội thảo gặp gỡ khách hàng; Thử nếm sản phẩm chia theo bàn; thực địa vùng nguyên liệu, nhà máy sản xuất… sẽ được tổ chức tại Hà Nội, Tại Phú Thọ, Thái Nguyên, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang.
Doanh nghiệp trong nước vui lòng đăng ký trực tiếp tại Văn phòng Hiệp hội Chè Việt Nam
Tầng 3 số 46 Tăng Bạt Hổ, Hai Bà Trưng Hà Nội
ĐT: 0243 6250908/Email: [email protected]/ Hotline: 0966628399