Giảm lãi suất điều hành là giải pháp phù hợp với điều kiện hiện nay
Giới chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ.
Hai quyết định về điều chỉnh mức lãi suất điều hành
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố Quyết định số 313 /QĐ-NHNN ngày 14/3/2023 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên ở mức 6%/năm. Lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm.
Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.
Cùng ngày, NHNN cũng ban hành Quyết định số 314/QĐ-NHNN ngày 14/3/2023 về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.
Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu... giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.
NHNN cho biết việc giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Qua đó, mặt bằng lãi suất thị trường sẽ hạ nhiệt, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 5%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay.
Giải pháp phù hợp cho thị trường
Đánh giá quyết định này, các chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ. Đây cũng là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù đã giải tỏa một phần lo âu của doanh nghiệp khi phải vay lãi suất cao nhưng trong bối cảnh lạm phát vẫn rình rập và quan điểm tăng lãi suất của FED vẫn chưa giảm tính chất "diều hâu", quyết định trên được cho là sự lựa chọn khó khăn của nhà điều hành chính sách tiền tệ.
Ở góc độ khả năng tạo lợi nhuận của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho biết tỷ suất lợi nhuận trên tổng vốn đầu tư (ROIC = Return on Invested Capital) của toàn bộ doanh nghiệp niêm yết phi tài chính chỉ xung quanh 10%-11% trong 5-7 năm qua, ngoại trừ năm 2020 giảm mạnh do Covid-19. Vốn đầu tư của họ bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn vay.
Nếu chi phí vốn lãi vay bình quân cho doanh nghiệp cao thì không thể tạo ra giá trị cho cổ đông. Do đó, không có lý do gì các cổ đông rót tiền vào doanh nghiệp để rồi không thể tạo ra được tỷ suất vượt trội so với chi phí vốn.
Theo Quyết định số 314/QĐ-NHNN, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/nămxuống 6,0%/năm.
Đối với người dân và doanh nghiệp, nếu lãi suất huy động ngân hàng tiếp tục duy trì 9-10% thì rất khó để người dân chuyển tiền qua kênh đầu tư khác, họ sẽ ưu tiên phân bổ vốn nhàn rỗi vào tiền gửi và tiết kiệm, doanh nghiệp khó huy động vốn cho đầu tư phát triển. Người có tiền cứ tiếp tục gửi tiết kiệm ngân hàng với rủi ro thấp và lãi suất hấp dẫn không kém đưa tiền vào kênh đầu tư khác trên thị trường vốn.
“Không giảm lãi suất sẽ là vấn đề thách thức vô cùng lớn cho thị trường vốn và cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay cũng như những cân đối lớn cho các năm tiếp theo”, ông Nguyễn Quang Thuân nói.
Anh Thư