0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ tư, 27/12/2023 17:48 (GMT+7)

Du lịch Hà Nội khai thác hiệu quả thị trường khách quốc tế

Theo dõi KT&TD trên

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong năm 2023, khách quốc tế tới Hà Nội đạt 4 triệu lượt, tăng 266,7%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 87,65 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5% so với năm 2022.

Sở Du lịch Hà Nội cho biết, năm 2023, thủ đô Hà Nội đã chứng kiến một bước nhảy vọt đáng kể trong lĩnh vực du lịch, với việc đón nhận 24 triệu du khách. Con số này cho thấy cho sự tăng trưởng ấn tượng lên đến 27% so với năm 2022 và tăng 9,1% so với kế hoạch, tương đương 83% kết quả năm 2019. Sự tăng trưởng này không chỉ là động lực mới cho nền kinh tế địa phương mà còn là biểu hiện rõ nét về sức hấp dẫn lâu dài của Hà Nội như một điểm đến du lịch tiềm năng.

Đặc biệt, một trong những thành tựu đáng chú ý nhất là tăng mạnh về lượng du khách quốc tế, với hơn 4 triệu lượt (trong đó có 2,82 triệu khách quốc tế có lưu trú), tăng 266,7% so với năm 2022 và tăng 33,3% so với kế hoạch, tương đương 57% kết quả năm 2019. Sự gia tăng đột biến này không chỉ là kết quả của sự ổn định sau đại dịch, mà còn là minh chứng cho khả năng thu hút du khách toàn cầu.

Du lịch Hà Nội khai thác hiệu quả thị trường khách quốc tế

Khách quốc tế tới Hà Nội đạt 4 triệu lượt, tăng 266,7% so với năm 2022.

Du khách nội địa cũng đã đóng góp một phần quan trọng, với 20 triệu lượt vào năm 2023, tăng 16,3% so với năm 2022 và tăng 5% so với kế hoạch, tương đương 91% kết quả năm 2019). Sự tăng cường về du lịch nội địa không chỉ là biểu hiện của sự quan tâm ngày càng tăng của người dân địa phương đối với di sản văn hóa và lịch sử quan trọng của đất nước, mà còn mang lại lợi ích kinh tế đáng kể.

Tổng doanh thu từ ngành du lịch năm 2023 ước đạt 87,65 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5% so với năm 2022 và tăng 13,83% so với kế hoạch, tương đương 84,4% kết quả năm 2019). Đối với hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, Hà Nội có 3.758 cơ sở lưu trú du lịch với 71.016 phòng; trong đó, có 605 khách sạn, căn hộ đã được xếp hạng từ 1 - 5 sao với 26.411 phòng. Năm 2023, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt khoảng 58,7%, tăng 20,1% so cùng kỳ năm 2022.

Theo đánh giá của Sở Du lịch Hà Nội, đây là mức độ tăng trưởng như kỳ vọng đặt ra. Năm 2023 cũng là năm Hà Nội nhận được nhiều giải thưởng quốc tế với nhiều vị trí đánh giá, xếp hạng cao như: điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á, điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày, cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á, điểm đến thành phố golf tốt nhất thế giới năm 2023 (Tổ chức giải thưởng Golf thế giới)…

Đáng chú ý, trong năm 2023 thành phố Hà Nội đã có 48/103 nhà hàng được Michelin Guide - cẩm nang ẩm thực danh giá thế giới - tuyển chọn; trong đó có ba nhà hàng đạt 1 sao Michelin. Đặc biệt, trong năm 2023, ngành Du lịch Hà Nội đã xây dựng nhiều tour, sản phẩm du lịch văn hóa trải nghiệm gắn với du lịch đêm trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống. Trang TripAdvisor bình chọn Hà Nội đứng thứ 17/25 địa danh nổi tiểng để đi du lịch, đứng 3/20 trong danh sách 20 điểm đến cho người mê ẩm thực.

Du lịch Hà Nội khai thác hiệu quả thị trường khách quốc tế

Ngành Du lịch thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, với mục tiêu năm 2024 đón khoảng 26,5 triệu lượt khách.

Trong năm qua, công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch Thủ đô được ngành Du lịch thành phố đẩy mạnh triển khai. Hà Nội đã triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu của toàn ngành Du lịch (dulich.myhanoi.vn) và đưa vào khai thác từ đầu năm 2023; triển khai kế hoạch điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng du lịch nông nghiệp, nông thôn và phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội; hình thành bản đồ số du lịch (bằng nhiều thứ tiếng) thể hiện các thông tin thu hút du khách phục vụ phát triển du lịch thông minh của Hà Nội (đã thí điểm tại Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Thạch Thất)…

Cùng với hoạt động chuyển đổi số, Hà Nội gây ấn tượng khi trở thành địa phương đi đầu cả nước với các sản phẩm tour đêm với 15 sản phẩm được công bố. Trong đó, nổi bật là những sản phẩm có gắn với công nghệ như: Tour đêm “Tinh hoa đạo học” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; sản phẩm “Chạm vào đêm Hà Nội” tại Trung tâm văn hóa 22 Hàng Buồm. Hiện nay, Hà Nội tiếp tục triển khai các loại hình du lịch mới gắn với thế mạnh của từng địa phương như: Sản phẩm du lịch thể thao tại huyện Sóc Sơn; sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với chăm sóc sức khỏe tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn; sản phẩm du lịch bay khinh khí cầu tại các quận: Tây Hồ, Long Biên, thị xã Sơn Tây…

Năm 2024, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng 26,5 triệu lượt khách, tăng 10,4% so với ước năm 2023. Trong đó, có 5 triệu lượt khách quốc tế và 21,5 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đặt mục tiêu đạt khoảng 99,77 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với ước thực hiện năm 2023. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 60%, tăng 2 điểm % so năm 2023.

Sở Du lịch Hà Nội cho biết, để đạt mục tiêu đề ra, Hà Nội đang quyết liệt xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản - di tích, làng nghề theo tuyến: Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên; tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức, tuyến Trung tâm Hà Nội - Sơn Tây - Ba Vì. Ngoài ra, Hà Nội chủ trương phát triển các sản phẩm du lịch là thế mạnh như: Du lịch ẩm thực, du lịch MICE, du lịch chăm sóc sức khỏe...

Phương Nga

Bạn đang đọc bài viết Du lịch Hà Nội khai thác hiệu quả thị trường khách quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Căn cứ xác định hành vi gian lận trong đấu thầu
Đơn vị của ông Nguyễn Gia Luyến (Bắc Ninh) là chủ đầu tư một dự án liên quan đến giao thông, hạ tầng kỹ thuật và đang tổ chức lựa chọn nhà thầu gói thầu xây lắp với phương thức lựa chọn nhà thầu là 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ (phát hành E-HSMT trước ngày 1/1/2024).
Hải Dương: Khu công nghiệp Cộng Hòa ngập nặng
Do ảnh hưởng của bão số 3, Khu công nghiệp Cộng Hòa ở thành phố Chí Linh (Hải Dương) bị ngập nặng, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư thứ cấp.
Bắt quả tang 1 thẩm phán nhận hối lộ
Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa bắt quả tang một thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) về hành vi nhận hối lộ.

Tin mới

Đầu tư công cho cao tốc Quy Nhơn - Pleiku: Giải pháp tài chính bền vững?
Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku đang trở thành tâm điểm chú ý với đề xuất chuyển từ hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công. Quyết định này đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về tính bền vững tài chính và hiệu quả của phương án đầu tư công trong việc triển khai các dự án giao thông
Giá vàng đắt nhất lịch sử: Thị trường nhiều ẩn số, cẩn trọng khi đầu cơ
Cùng với triển vọng tăng giá của vàng thế giới, giá vàng trong nước tuần qua cũng đã có nhiều phiên bật tăng và chinh phục mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, người mua vẫn phải đối mặt với rủi ro trong một thị trường vàng còn nhiều "ẩn số".
Nestlé hỗ trợ sản phẩm thực phẩm và dinh dưỡng cho các tỉnh thành bị ảnh hưởng bởi bão lũ
Trước những thiệt hại nặng nề mà bão số 3 (Yagi) gây ra tại các tỉnh miền Bắc vào đầu tháng 9/2024, Nestlé Việt Nam đã nhanh chóng huy động các nguồn lực của công ty cũng như cán bộ nhân viên để kịp thời chung tay với các cùng các đối tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Liên danh 3 nhà thầu trúng gói thầu xây lắp 156 tỷ đồng tái định cư sân bay Long Thành
Gói thầu số 57 là gói thầu xây dựng và đảm bảo an toàn giao thông, cung cấp và lắp đặt thiết bị của Dự án thành phần xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn (thuộc Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành).