Đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về hóa đơn, chứng từ
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.
Bộ Tài chính cho biết, thực hiện Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, căn cứ Quyết định số 936/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ với mục tiêu là áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) đối với các doanh nghiệp, tổ chức, hộ cá nhân kinh doanh từ ngày 01/7/2022, khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về HĐĐT trước ngày 01/7/2022.
Tháng 11/2021, Bộ Tài chính đã công bố triển khai hệ thống HĐĐT áp dụng giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố. Đến tháng 4/2022, Bộ Tài chính đã triển khai hệ thống HĐĐT trên toàn quốc (tại 57 tỉnh, thành phố còn lại).
Hết 30/6/2022, có 100% doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đã chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT
Theo Bộ Tài chính, đến hết ngày 30/6/2022, có 100% doanh nghiệp, tổ chức (851.372 đơn vị) và 100% hộ, cá nhân kinh doanh (65.576 hộ, cá nhân kinh doanh) theo phương pháp kê khai tại 63 tỉnh, thành phố đã chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Lũy kế đến 24h ngày 31/5/2023, trên cả nước đã có 4,054 tỷ HĐĐT đã được cơ quan thuế tiếp nhận và xử lý, trong đó có hơn 1,177 tỷ hóa đơn có mã và 2,877 tỷ hóa đơn không mã. Đồng thời, đã có 18.933 doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng HĐĐT cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý đạt hơn 6,5 triệu hóa đơn.
Việc sử dụng HĐĐT trên cả nước đã góp phần hỗ trợ cơ quan thuế trong việc quản lý rủi ro, quản lý thuế, hỗ trợ cơ quan thuế thực hiện kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu HĐĐT cho các cơ quan khác của nhà nước, dữ liệu về HĐĐT là nền tảng quan trọng để quản lý thuế hiệu quả, là động lực cho công cuộc chuyển đổi số của ngành Thuế nói riêng và góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp và của toàn xã hội nói chung. Với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, việc áp dụng HĐĐT góp phần làm giảm chi phí quản lý, sử dụng hóa đơn, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, giảm thiểu nhiều rủi ro so với sử dụng hóa đơn giấy.
Bộc lộ một số vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP cũng bộc lộ một số vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung như sau: Cần sửa đổi, bổ sung các quy định về nguyên tắc lập hóa đơn, thời điểm lập hóa đơn, nội dung hóa đơn, xử lý hóa đơn lập sai nhằm quy định minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện. Bổ sung giải pháp nhằm phòng ngừa, hạn chế gian lận khi doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn và trong quá trình sử dụng HĐĐT.
Hoàn thiện các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng biên lai, chứng từ điện tử. Bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT; trách nhiệm của cán bộ thuế.
06 nhóm vấn đề cần sửa đổi, bổ sung
Dự thảo Nghị định gửi xin ý kiến Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân gồm 06 nhóm vấn đề như sau: Sửa đổi, bổ sung một số quy định về HĐĐT nhằm đảm bảo minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, các tổ chức trong việc sử dụng hóa đơn, biên lai, chứng từ điện tử và bổ sung quy định quản lý chứng từ trong hoạt động kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh giải trí có đặt cược; Bổ sung quy định liên quan giải pháp pháp nhằm phòng ngừa, hạn chế gian lận khi doanh nghiệp đăng ký sử dụng HĐĐT và trong quá trình sử dụng HĐĐT, quy định về trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT; Sửa đổi, bổ sung quy định về biên lai, chứng từ.
Sửa đổi, bổ sung quy định về tra cứu, cung cấp, sử dụng thông tin HĐĐT; Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan trách nhiệm của các bên trong việc quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ;Sửa đổi các biểu mẫu, thủ tục.