Đánh thuế túi nilon để chống rác thải nhựa: Cần tăng chế tài
Các chuyên gia pháp lý cho rằng, hiện nay việc đánh thuế túi nilon chưa thực sự mang có thể làm thay đổi thói quen sử dụng của người dân.
Cách đây 3 năm, vào giữa năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Chỉ thị số 33 (ngày 20/8/2020) chỉ rõ, ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Việt Nam, một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với túi ni - lông, bao bì và sản phẩm nhựa khác. Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên; thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn... Bộ Công Thương tổ chức đánh giá hiện trạng phát triển ngành nhựa và đề xuất định hướng, giải pháp phát triển ngành nhựa theo hướng phát triển bền vững.
Mặc dù việc đánh thuế đối với túi nilon đã có, tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc sử dụng và sau đó là xả túi nilon ra môi trường vẫn là thực trạng đáng báo động. Nhiều luật gia cho rằng, việc đánh thuế với mức như hiện nay vẫn quá thấp, chưa đủ sức thay đổi thói quen sử dụng túi nilon của người dân.
Luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, ngày 29/11/2010, Quốc hội đã ban hành Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó quy định cụ thể các đối tượng chịu thuế bao gồm: Xăng, dầu, mỡ nhờn; Than đá; Dung dịch hydro- chloro-fluoro-carbon; Túi nilon thuộc diện chịu thuế; Thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng; Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng; Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng; Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng. Người nộp thuế BVMT là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế. Tuy nhiên, hiện nay việc áp thuế đối với túi nilon, Luật sư Huy An cho rằng chưa thực sự mang tính chất có thể thay đổi người dùng.
“Mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon thuộc diện chịu thuế đang là 50.000 đồng/kg. Với mức này chưa thể thay đổi hành vi người dùng. Họ vẫn chọn túi nilon như một sản phẩm tiện dụng mà quên đi rằng đây là loại rác thải có tác hại to lớn đến môi trường”, Luật sư Huy An nói.
Luật sư Huy An cho rằng, cần phải đánh thuế cao đối với sản phẩm túi nilon và nhựa dùng một lần. Và sau đó, tiến tới cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần này. Khi đã cấm sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy và túi nylon mỏng sử dụng một lần thì các doanh nghiệp, nhu cầu xã hội buộc sẽ phải tìm ra những biện pháp mới để thay thế.
Cùng quan điểm, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật thông tin, Khoản 4 Điều 3 Luật thuế BVMT năm 2010 xác định, “Túi ni lông thuộc diện chịu thuế”. Khoản 3 Điều 2 Luật thuế BVMT quy định, túi ni lông chịu thuế là “loại túi, bao bì được làm từ màng nhựa đơn polyetylen, tên kỹ thuật là túi nhựa xốp”. Việc đánh thuế túi nilon là cần thiết, tuy nhiên, mức thuế như trên là chưa đủ.
“Hiện nay bên cạnh việc người dân, doanh nghiệp, nhãn hàng, cửa hàng họ sử dụng túi nilon thì đã có nhiều doanh nghiệp tiên phong trong việc tìm các vật liệu thay thế. Ví dụ như thay vì dùng cốc nhựa, họ dùng cốc giấy. Thay vì dùng túi nilon thì họ dùng túi giấy hoặc sản phẩm giấy tự phân hủy. Đến túi đựng rác gia đình hiện nay cũng được dùng bằng chất liệu nilon tự phân hủy. Vậy tại sao chúng ta không có chính sách hỗ trợ cho các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, đánh thuế thật cao đối với các sản phẩm túi nilon dùng một lần. Tôi tin rằng, điều này sẽ rất hiệu quả”, Luật sư Diệp Năng Bình nêu quan điểm.
Về vấn đề này, bà Trịnh Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) từng đề xuất, để đẩy lùi việc sử dụng túi nylon tràn lan như hiện nay, bên cạnh những biện pháp về tăng thuế, cần phải nâng cao ý thức người tiêu dùng trong việc hạn chế sử dụng túi nylon; khuyến khích, ưu tiên sử dụng các túi tự hủy, tiến tới cấm sử dụng túi nylon dùng một lần.
Anh Vinh