Đánh thức Tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng của Việt Nam
Triển vọng của nền kinh tế Việt Nam là tích cực, nhưng khó khăn đòi hỏi cần sẵn sàng ứng phó. Nhìn chung rủi ro và triển vọng là cân bằng - đây là nhận định của Ngân hàng Thế giới trong báo cáo kinh tế Việt Nam tháng 3 này.
Theo đó, báo cáo của Ngân hàng Thế giới đánh giá kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022, với mức tăng trưởng đạt 8,0%, vượt mức trung bình 7,1% trong giai đoạn 2016-2019. Sự tăng trưởng này một phần là do hiệu ứng cơ sở thấp, được thúc đẩy bởi phục hồi của tiêu dùng cá nhân trong nước sau đại dịch COVID-19 và hoạt động mạnh mẽ trong sản xuất định hướng xuất khẩu.
Tuy nhiên, đóng góp của khu vực công vào tăng trưởng còn hạn chế do việc triển khai các chương trình đầu tư công còn yếu kém. Trong khi việc làm phục hồi về mức trước COVID-19 vào năm 2022, nhu cầu toàn cầu yếu hơn đã dẫn đến tình trạng các đơn đặt hàng và xuất khẩu chậm lại trong Quý 4-2022, đồng thời gây ra áp lực mới lên thị trường lao động. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trung bình là 3,1%. Lĩnh vực tài chính của Việt Nam chịu nhiều áp lực hơn trong năm 2022, trong khi cán cân tài khóa ước tính thặng dư.
Trong bối cảnh đó, để cải thiện tốc độ tăng trưởng, Ngân hàng Thế giới cho rằng, Việt Nam cần “đánh thức” tiềm năng dịch vụ. Bởi khu vực dịch vụ dù đã và đang có những đóng góp hết sức quan trọng cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, nhưng kết quả đạt được còn kiêm tốn so với các quốc gia so sánh khác.
Giải pháp để Việt Nam “đánh thức” tiềm năng dịch vụ
Để khắc phục những hạn chế trên, đại diện Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, Việt Nam cần tập trung vào 4 giải pháp:
Thứ nhất, Việt Nam có thể giảm hơn nữa những hạn chế về thương mại dịch vụ và sự tham gia của đầu tư nước ngoài.
Bởi Chỉ số hạn chế thương mại dịch vụ (STRI) của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) cho thấy, những lĩnh vực dịch vụ “xương sống” như: Viễn thông, kho vận (logistics), hàng không, dịch vụ pháp lý, ngân hàng, và bảo hiểm vẫn phải đang đối mặt với nhiều rào cản hạn chế lớn và chưa có nhiều tiến triển trong việc loại bỏ hoặc hạ thấp những rào cản đó những năm gần đây.
Thứ hai, Việt Nam cần khuyến khích tiếp tục áp dụng công nghệ số trong từng doanh nghiệp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đánh giá mới đây của Ngân hàng Thế giới về các chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (STI) của Việt Nam cho thấy, đã có sự quan tâm lớn hơn đến thúc đẩy đổi mới sáng tạo dựa trên nghiên cứu phát triển của nước ngoài và chính phủ đang nỗ lực “thúc đẩy hàng ngũ tiên phong về công nghệ” bằng cách hỗ trợ các trường đại học và viện nghiên cứu thay vì hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Song những chính sách trên chưa chú trọng nhiều đến các hình thức đổi mới sáng tạo không dựa trên nghiên cứu và phát triển, chẳng hạn áp dụng công nghệ.
Thứ ba, Việt Nam cũng cần tập trung vào việc tăng cường các kỹ năng của người lao động (đặc biệt là các kỹ năng kỹ thuật số cơ bản) cũng như năng lực của các công ty và nhà quản lý.
Thứ tư, khai thác dịch vụ để thúc đẩy tăng trưởng cao hơn ở các ngành, lĩnh vực vực khác, đặc biệt là chế tạo chế biến. Ví dụ, dịch vụ số có thể đóng vai trò lớn nhằm đưa công nghệ mới và đổi mới sáng tạo vào các hoạt động chế tạo chế biến, do hiện nay mới chỉ có rất ít doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ số “Công nghiệp 4.0”.
Để đẩy nhanh tăng trưởng trong khu vực này, Việt Nam cần cân nhắc: Xóa bỏ rào cản về thương mại và đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này và triển khai cải cách để đẩy mạnh cạnh tranh cũng như khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp trong nước; Khuyến khích áp dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo từng bước về sản phẩm và quy trình; Tăng cường năng lực và kỹ năng cho người lao động và cán bộ quản lý; Tập trung vào những dịch vụ có khả năng thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa ở những ngành, lĩnh vực khác, cụ thể là các lĩnh vực chế tạo chế biến.
Tiến Hoàng