Đắk Lắk: Đường tránh 1.500 tỷ chậm tiến độ, chưa định ngày về đích
Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk (gọi tắt dự án đường tránh Đông qua thành phố Buôn Ma Thuột) được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2020, với tổng mức hơn 1.500 tỷ đồng.
Hiện nay dự án đang chậm tiến độ, thi công cầm chừng do “sa lầy” trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), khó về đích đúng như dự kiến.
“Sa lầy” trong việc GPMB
Theo đó, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Với tổng chiều dài toàn tuyến là 39,6 km, điểm đầu đoạn qua xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar), điểm cuối đoạn qua xã Hòa Phú (thành phố Buôn Ma Thuột).
Tổng mức đầu tư Dự án 1.509 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương, thời gian thực hiện từ năm 2020 - 2023. Trong đó, chi phí thực hiện GPMB) là 394 tỷ đồng, tổng diện tích GPMB gần 117ha, với 1.388 hộ dân bị ảnh hưởng. Hiện nay, các đơn vị liên quan đã kiểm đếm, lập phương án GPMB được gần 70 ha (đạt 59,62%), đã tiến hành bàn giao hơn 22/39,6 km (khoảng 52%).
Do vướng mắc trong việc triển khai GPMB, thời gian kéo dài dẫn đến việc phát sinh phần chi phí GPMB dự kiến tăng thêm 331,7 tỉ đồng, tương ứng với 84%.
Trước việc phát sinh trong quá trình thực hiện GPMB, Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo 321 của tỉnh xem xét, xử lý theo hướng địa phương rà soát, cân đối ngân sách của tỉnh để hỗ trợ phần kinh phí này.
Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk, chỉ đạo Ban Quản lý dự án và các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chậm triển khai công tác GPMB làm tăng chi phí ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của dự án. Đồng thời kiểm tra, rà soát lại việc áp dụng hệ điều chỉnh giá đất đền bù tại một số nơi trên địa bàn tỉnh đang rất cao như: Thành phố Buôn Ma Thuột: giá đất ở 18,46 (VT2 xã Ea Kao), đất trồng cây lâu năm 13,88; huyện Krông Pắc hệ số điều chỉnh giá đất ở nông thôn 13,3 đất trồng cây lâu năm 10,2; huyện Cư Kuin đã áp dụng hệ số điều chỉnh: giá đất ở nông thôn 5,3; đất trồng cây lâu năm là 10,9...), theo đánh giá ban đầu, đây là một trong những nguyên nhân chính làm tăng chi phí GPMB dẫn đến vượt tổng mức đầu tư của dự án.
Kiến nghị kéo dài thời gian giải ngân vốn
Trước những khó khăn trong công tác GPMB, ngày 01/02/2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị xem xét kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách Trung ương năm 2022 sang năm 2023, đối với dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột.
Theo dự kiến, kế hoạch bố trí vốn năm 2022 của dự án là 750 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/01/2023, đã giải ngân 468,916/750 tỷ đồng. Số vốn còn lại là 281,084 tỷ đồng chưa thực hiện giải ngân, đề xuất kéo dài thời gian giải ngân đến hết ngày 31/12/2023.
Theo đơn vị chủ đầu tư nguyên nhân không giải ngân hết vốn là do vướng mắc mặt bằng thi công, một số đoạn mặt bằng đã thực hiện đền bù GPMB tuy nhiên không liên tục, ngắt quãng đồng thời không có đường tiếp cận nên chưa thể triển khai thi công. Giá nguyên nhiên liệu, vật liệu tăng cao đột biến theo ảnh hưởng chung của thế giới và trong nước, có hiện tượng nhà thầu còn thi công cầm chừng chờ giá cả ổn định. Có nhà thầu ở xa nên bị động trong công tác huy động nhân lực, vật lực tổ chức thi công.
Theo ông Phan Xuân Bách, ngoài việc khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù GPMB thì những đoạn mặt bằng “sạch” cũng chưa thể thực hiện, bởi việc GPMB không liên tục, ngắt quãng rất khó để đưa máy móc vào tiếp cận, thi công.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Phan Xuân Bách – Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, cho biết hiện Ban QLDA đang nỗ lực, tập trung cho công tác GPMB và đẩy nhanh tiến độ thi công. “Hiện nay chúng tôi đang phối hợp với UBND huyện Krông Pắk, Cư Kuin trả tiền đền bù cho dân, đồng thời vận động người dân để GPMB. Nếu không giải phóng được sang tháng 3/2023 bắt buộc phải tiến hành cưỡng chế để đảm bảo thông tuyến. Hiện nay mặt bằng bàn giao 22/39km nhưng nhiều đoạn vẫn không thi công được do GPMB chưa đồng bộ, không có lối để các phương tiện, máy móc tiếp cận để thi công”, ông Bách thông tin.
Cũng theo ông Phan Xuân Bách, phần thiếu vốn trong việc chi trả GPMB, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo cho các đơn vị liên quan rà soát vốn trung hạn 2021 – 2025, lựa chọn những dự án nào chưa triển khai, không cấp thiết thì tạm dừng lại để tập trung vốn cho dự án này.
Về việc kiến nghị kéo dài thời gian giải ngân vốn Ban Quản lý dự án cam kết sẽ thực hiện giải ngân hết số vốn 281,084 tỷ đồng trước ngày 31/12/2023.
Ngọc Giang – Phi Long