0922 281 189 [email protected]
Thứ ba, 05/11/2024 20:29 (GMT+7)

Có nên mua nhà cũ, tân trang lại để kiếm lời?

Theo dõi KT&TD trên

Đầu tư mua, tân trang nhà cũ từng là xu hướng được nhiều người lựa chọn để kiếm lời nhưng hình thức này có còn hấp dẫn với thị trường hiện nay?

Anh Nguyễn Văn Việt (một nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội) chia sẻ, 2 năm nay do giá nhà đất quá cao nên việc “lướt sóng” không còn nhiều cơ hội như trước, anh đã chuyển sang kinh doanh nhà cũ nát, tân trang lại rồi bán với giá cao. Với phân khúc này, số vốn bỏ ra không quá lớn nhưng thanh khoản và lợi nhuận thu về lại khá tốt.

Anh Việt cho biết, các căn nhà chung cư mới, đẹp giờ giá cũng khoảng 4 - 5 tỷ đồng nên thanh khoản không dễ dàng. Trong khi đó đầu tư nhà cũ giá chỉ khoảng trên dưới 2 tỷ đồng, sau đó anh thuê thợ về sơn sửa lại, thêm chút nội thất cho long lanh, chi phí khoảng 200 triệu đồng/căn, nhưng khi bán lại có thể lời 200 - 300 triệu đồng.

“Với số vốn hạn chế, tôi thường chọn những ngôi nhà phố cấp bốn cũ kỹ đang có giá rẻ để mua. Sau đó, tôi sẽ bỏ thêm khoảng 100 - 200 triệu đồng sửa chữa, cải tạo rồi bán với mức sinh lời cao nhất có thể. Đơn cử, tôi từng bỏ ra 2,2 tỷ đồng mua một ngôi nhà ở quận Hai Bà Trưng rồi chi thêm 150 triệu đồng làm lại gác lửng, sơn mới.

Sau 2 tháng, tôi bán lại được với giá 3 tỷ đồng. Tôi lấy số tiền đó tiếp tục mua một căn nhà cũ ở khu sầm uất hơn với giá 3,2 tỷ đồng và bỏ thêm 300 triệu đồng sửa nhà. Sau một thời gian, tôi bán được với giá khá hời là 4,5 tỷ đồng”, anh Việt kể.

Có nên mua nhà cũ, tân trang lại để kiếm lời?
Có nên mua nhà cũ, tân trang lại để kiếm lời? (Ảnh minh hoạ)

Tương tự, anh Trần Văn Tám (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng chia sẻ, công việc của anh là làm thầu xây dựng. Vì vậy, anh có kinh nghiệm sửa chữa, tân trang lại các căn nhà cũ nát.

Anh Tám “bật mí”, anh thường chuộng những căn nhà đã nát hẳn, buộc phải xây mới để có được giá tốt. Anh kể nửa năm trước từng bỏ ra 2,2 tỷ đồng mua một căn ở quận Đống Đa với diện tích 30m2. Mặc dù hiện trạng đường hẻm rất nhỏ, nhà thì cũ hoàn toàn nhưng anh nắm được thông tin khu vực này sẽ được mở rộng đường lên 8m. Nhận thấy có triển vọng cao nên anh không ngần ngại chi tiếp 300 triệu đồng xây căn nhà cấp bốn có gác. Một tháng sau, anh bán được với giá 3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, anh Tám thừa nhận, mặc dù hình thức kinh doanh này sinh lợi nhanh song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là với nhà đầu tư non kinh nghiệm. Theo chia sẻ của anh, muốn thành công theo cách này bắt buộc phải có hiểu biết, kinh nghiệm về xây dựng. Không ít nhà đầu tư đã phải ôm “trái đắng”, lỗ nặng hoặc bị chôn vốn vì lỡ chọn phải những căn nhà có vị trí không đẹp, lại không tối ưu được chi phí sửa chữa nên hao phí quá nhiều tiền, buộc phải nâng giá bán lên quá cao và kết quả là ế ẩm.

“Nhà đầu tư phải nắm rõ chi phí xây dựng, thậm chí có đội thợ thường xuyên, lành nghề hoặc có nhà thầu quen, thẩm định được tình trạng nhà để thương lượng giá sát nhất. Quan trọng nhất là phải tính toán được hạng mục nào cần sửa, chi phí sao cho hợp lý thì mới có lãi”, anh Tám tư vấn.

Chị Lê Thanh Hân (một môi giới nhà đất tại quận Đống Đa) thông tin, hiện giá nhà đất đang ở mức quá cao nên thanh khoản khá khó. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư phải chuyển hướng dòng tiền. Nhiều nhà đầu tư tìm đến các căn hộ cũ với tầm giá từ trên dưới 3 tỷ đồng, diện tích nhỏ để đầu tư. Họ bỏ ra một mức phí tân trang khoảng 100 - 200 triệu đồng và họ kỳ vọng mức lợi nhuận sẽ là 200-300 triệu đồng/căn.

Tuy nhiên, theo chị Hân, hình thức đầu tư này hiện nay cũng không mấy dễ dàng do giá nhà quá cao, nên tìm được căn hộ giá rẻ cũng không phải dễ. Ngay cả những căn chung cư cũ xập xệ giá cũng đang “ngáo”. Với mức giá “trên trời” như vậy, người mua cũng sẽ thận trọng hơn, thậm chí lùi kế hoạch mua nhà lại để chờ thị trường ổn định.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), một trong những rủi ro khi kinh doanh nhà cũ nát là sau khi nhà đầu tư đổ vốn mua nhà, cải tạo sơn sửa nhưng không phù hợp với thị hiếu của khách hàng, tình trạng thua lỗ sẽ vẫn diễn ra như thường. Trong khi đó, thời gian ngâm vốn dài, giá cả lại tăng nhiều rất dễ đến tình trạng thua lỗ. Chính vì vậy, những nhà đầu tư ít kinh nghiệm khó có thể thành công với kênh đầu tư mua bán nhà cũ nát này.

Ông Giang Anh Tuấn - Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Tuấn Anh cũng cho rằng, giá nhà đất quá cao khiến phân khúc nhà cũ cũng không còn hấp dẫn như trước. Chưa kể, tâm lý của người mua nhà hiện nay cũng có sự thay đổi, họ chấp nhận đi ở thuê trong những căn hộ sạch sẽ, thoáng mát, nhiều tiện ích còn hơn sở hữu những căn nhà cũ nằm trong ngõ hẻm, không có không gian và tiện ích.

Bên cạnh đó, việc giá vật liệu xây dựng, cước vận chuyển, nhân công đều đang tăng nên lợi nhuận cũng khó đạt được như kỳ vọng.

Hà Phong (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Có nên mua nhà cũ, tân trang lại để kiếm lời?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bình Dương: Đột phá để về đích năm 2025
Năm 2025, Bình Dương đặt mục tiêu trở thành một điểm sáng phát triển với những nỗ lực đột phá trong đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số.

Tin mới

Mật ong rừng Việt Nam - Tiềm năng lớn cần được khai phá
Mật ong rừng tự nhiên là một trong những sản vật quý giá mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Việt Nam. Với hệ sinh thái rừng nhiệt đới phong phú trải dài từ Tây Nguyên, Tây Bắc đến Nam Trung Bộ, mật ong rừng Việt Nam nổi bật với độ tinh khiết và giá trị dinh dưỡng cao.
Xu hướng mua sắm mùa Tết 2025
Trước bối cảnh kinh tế còn khó khăn, các chuyên gia cho rằng, dịp Tết năm 2025, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng tiếp tục là mùa Tết tiết kiệm, đơn giản và thiết thực.
Các nhà bán lẻ nỗ lực ổn định nguồn cung, kỳ vọng thị trường bùng nổ cuối năm
Cuối năm là thời điểm “vàng” của ngành bán lẻ, khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh để chuẩn bị cho các dịp lễ, Tết. Để thành công trong mùa mua sắm cuối năm, ngành bán lẻ không chỉ phải chuẩn bị kỹ lưỡng về hàng hóa, mà còn phải triển khai các chiến lược kích cầu, đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm.
Xuất khẩu rau quả Việt Nam bứt phá, hướng đến kỷ lục 7,2 tỷ USD
Ngành xuất khẩu rau quả của Việt Nam đang chứng kiến một bước tiến vượt bậc trong năm 2024. Với kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng mạnh, lần đầu tiên trong lịch sử, xuất khẩu rau quả dự kiến đạt mốc 7,2 tỷ USD. Đáng chú ý, Trung Quốc vẫn giữ vững vị trí là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.