Chuyên gia cảnh báo nguy cơ sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng
Theo các chuyên gia, thời tiết nắng nóng khiến nhiệt độ cơ thể tăng, bài tiết nhiều mồ hôi từ đó gây mất nước. Nếu người bệnh không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu dễ bị kết dính và lưu thông kém.
Bắc Bộ và Trung Bộ bước vào cao điểm mùa nắng nóng
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hôm qua (16/5), khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Sơn La đã có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ; khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên và Hòa Bình có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 38 độ như: Tp. Hòa Bình 39.5 độ, Hồi Xuân (Thanh Hóa) 39.0 độ, Tây Hiếu (Nghệ An) 38.1 độ, Đô Lương (Nghệ An) 39.0 độ,…; độ ẩm tương đối thấp nhất 45-60%.
Hôm nay Bắc Bộ và Trung Bộ bước vào cao điểm nắng nóng. Do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây phát triển và mở rộng nên hôm nay (17/5), khu vực phía Đông Bắc Bộ ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt, đêm không mưa. Gió nam đến tây nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ. Nhiệt độ cao nhất 35-38 độ, có nơi trên 38 độ.
Nhận định về nắng nóng trong những ngày tới, ông Nguyễn Văn Hưởng -Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho rằng, nắng nóng tập trung vào ngày 17/5 và các ngày từ 21/5 - 23/5, với nhiệt độ cao phổ biến từ 36-39 độ C, có nơi trên 40 độ C; trong đó khu vực vùng núi phía Tây, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi là vùng nắng nóng gay gắt nhất với nhiệt độ phổ biến từ 38-39 độ C, có nơi trên 40 độ C.
"Đây là đợt nắng nóng diện rộng kéo dài nhất từ đầu năm đến nay ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ", ông Nguyễn Văn Hưởng nhấn mạnh. Từ ngày 17/5 trở đi, nắng nóng xuất hiện trên diện rộng ở cả Bắc Bộ, các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-39 độ C, có nơi trên 40 độ C.
Khu vực phía Tây Bắc Bộ hôm nay ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ, có nơi dưới 23 độ. Nhiệt độ cao nhất 35-38 độ, có nơi trên 39 độ.
Hà Nội hôm nay ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt, đêm không mưa. Gió nam đến tây nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 26-28 độ. Nhiệt độ cao nhất 36-38 độ, có nơi trên 38 độ.
Dự báo ngày mai, miền Bắc tiếp tục nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt. Ngày 19/5, nắng nóng hạ nhiệt, vùng núi có mưa rào và dông rải rác. Từ 20/5, nắng nóng gia tăng trở lại, kéo dài đến khoảng 23/5.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên hôm nay nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt, đêm không mưa. Gió tây nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 26-29 độ. Nhiệt độ cao nhất 36-39 độ, có nơi trên 40 độ. Dự báo nắng nóng ở Thanh Hóa đến Phú Yên có thể kéo dài đến ngày 23/5.
Nguy cơ đột quỵ và sốc nhiệt dễ xảy ra
BS CKII Phạm Thị Ngọc Quyên, khoa Thần kinh BV ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, bình thường trung tâm điều nhiệt tự nhiên ở não sẽ điều chỉnh (co giãn mạch máu, đào thải mồ hôi, tỏa nhiệt) để thân nhiệt luôn duy trì ở mức 37°C cho dù nhiệt độ môi trường bên ngoài có thay đổi như thế nào.
“Khi hoạt động quá lâu dưới nắng nóng, con người dễ ngất xỉu. Ngất xỉu là một trong những dấu hiệu của sốc nhiệt do cơ thể bị mất nước và muối nhưng không được bù đủ kịp thời, cộng với việc cơ chế điều nhiệt bị trục trặc khiến thân nhiệt vượt quá ngưỡng cho phép. Ngoài ra, mặc quá nhiều lớp quần áo không thấm hút mồ hôi, dính bết trên da cũng làm nhiệt độ và mồ hôi không thoát ra được, dễ dẫn đến sốc nhiệt” - BS Quyên lý giải.
Cũng theo BS Quyên, khi rơi vào tình trạng sốc nhiệt, trung tâm điều nhiệt lúc này bị tổn thương và biểu hiện thành các triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Ban đầu thường khó chịu, mệt mỏi, vã mồ hôi nhiều, khát nước, tiếp theo phù chân, da nổi mẩn, ngất xỉu...
“Tuy nhiên, được uống nước bù đủ lượng dịch, muối đã mất và nghỉ ngơi thì người bệnh sẽ tỉnh táo, cơ thể tự hồi phục mà không cần can thiệp y tế” - BS Quyên nói.
Theo BS Quyên, để ngừa sốc nhiệt và đột quỵ nhiệt, những người thuộc nhóm nguy cơ cao nên hạn chế ra ngoài khi trời đang nắng nóng. Nếu buộc phải ra ngoài thì phải mặc áo quần dài thấm hút mồ hôi tốt kèm áo chống nắng, chống tia UV, đeo kính râm. “Đặc biệt khi mới ở ngoài trời nắng về không nên bật điều hòa quá lạnh hoặc tắm nước lạnh ngay. Nên nghỉ ngơi 13-15 phút để cơ thể điều chỉnh lại thân nhiệt ổn định, bớt mồ hôi” - BS Quyên khuyên.
Với người buộc phải lao động nhiều giờ ngoài trời, ngoài những chuẩn bị trên nên chủ động uống nước để bù lại lượng nước, muối đã mất qua mồ hôi. Hạn chế uống cà phê, rượu trước và trong khi làm việc, tránh gia tăng khả năng mất nước. Người quản lý lao động cần sắp xếp luân phiên để không ai phải làm việc quá lâu trong môi trường nắng nóng. Những người đã từng bị sốc nhiệt cần luôn mang theo một lọ muối hoặc đường để pha nước uống khi có dấu hiệu thiếu nước, sốc nhiệt.
Các đối tượng dễ bị đột quỵ
ThS.BS Nguyễn Duy Chinh, khoa Các bệnh mạch máu, Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết các đối tượng dễ bị đột quỵ gồm:
- Trẻ sơ sinh, trẻ dưới 4 tuổi và người lớn trên 65 tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương vì cơ thể thích nghi với nhiệt độ chậm hơn những người khác.
- Những người mắc các bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, béo phì hoặc thiếu cân, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tâm thần, nghiện rượu.
- Người dân sống trong khu vực đô thị dễ bị đột quỵ do nhiệt trong một đợt nắng nóng kéo dài, đặc biệt khi có điều kiện khí quyển ứ đọng và chất lượng không khí kém.
- Những người lao động, vận động viên hoạt động ngoài trời trong thời tiết nắng nóng kéo dài.
Anh Thư