Chủ tịch và Tổng Giám đốc Gạo Trung An (TAR) xin từ nhiệm
Hai lãnh đạo này vừa được bầu lại vào tháng 6 vừa qua, nhiệm kỳ 2023-2028 nhưng Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) vừa có đơn từ nhiệm.
Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) vừa công bố thông tin về việc nhận được đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của bà Lê Thị Tuyết (SN 1956) và chức vụ Tổng Giám đốc của ông Phạm Thái Bình (SN 1956). Lý do được cả 2 lãnh đạo đưa ra nhằm "cơ cấu lại nhân sự công ty".
Bà Lê Thị Tuyết hiện không nắm giữ cổ phần nào tại Trung An trong khi ông Phạm Thái Bình (chồng bà Tuyết) sở hữu 11 triệu cổ phiếu TAR - tương đương 14,04% vốn. Hiện ông Bình cũng đang đồng thời giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT công ty.
Về kết quả kinh doanh, quý 2/2023, TAR ghi nhận 1.615 tỷ đồng doanh thu, gấp 2 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tốc độ tăng của giá vốn hàng bán cao hơn tốc độ tăng của doanh thu thuần trong cùng kỳ. Điều này khiến biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp gạo này chỉ đạt 66 tỷ đồng trong quý 2/2023, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp của TAR cũng giảm mạnh từ mức 11,6% xuống còn 4,1% trong quý 2 vừa qua.
Luỹ kế 6 tháng, TAR ghi nhận doanh thu thuần 2.513 tỷ đồng (tăng 46%); lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 606 triệu đồng so với mức 50,6 tỷ của bán niên 2022, tương đương 1,2% kế hoạch cả năm.
Trong quý 2/2023, doanh thu hoạt động tài chính của TAR đã tăng 67% lên mức 5 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi chênh lệch tỷ giá tăng mạnh. Tuy nhiên, chi phí tài chính trong cùng kỳ cũng tăng 40%, lên mức 31 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí lãi vay tăng vọt.
Chi phí bán hàng của doanh nghiệp này trong quý 2/2023 đã giảm 40% nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 350% so với quý 2/2022.
Kết thúc quý 2/2023, TAR báo lỗ 8 tỷ đồng, so với mức lãi 23 tỷ đồng của quý 2/2022. Đây cũng là quý đầu tiên doanh nghiệp này báo lỗ kể từ khi chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán hồi đầu năm 2019.
Ban lãnh đạo TAR chia sẻ chi phí lãi vay tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái cùng với việc phải thanh lý huỷ không thể thu hồi một số hàng hoá hư hỏng giao tại cảng cho khách hàng nước ngoài đã khiến kết quả kinh doanh kém tích cực.
Luỹ kế nửa đầu năm 2023, TAR ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.513 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng lãi ròng chỉ đạt 600 triệu đồng, giảm 99% so với nửa đầu năm 2022.
Tuy vậy, giá cổ phiếu TAR đã có đợt tăng giá rất mạnh hồi tháng 7 và 8, khi vọt từ 16.000 đồng lên mức cao nhất là 23.100 đồng/cổ phiếu vào ngày 8/8 trước khi điều chỉnh giảm còn khoảng 21.000 đồng/cp như hiện nay.
Hoàng Hậu