Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 51,2 điểm trong tháng 02/2023
S&P Global công bố chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã tăng trở lại lên trên ngưỡng không thay đổi 50 điểm vào tháng 2, từ đó cho thấy sức khỏe ngành sản xuất đã bắt đầu cải thiện sau thời kỳ suy giảm kéo dài 3 tháng.
Trong đó, có 3 điểm nhấn nổi bật: Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm tăng trở lại; Thời gian giao hàng của nhà cung cấp được rút ngắn tháng thứ hai liên tiếp; Chi phí tăng đạt mức cao của tám tháng.
Dữ liệu mới nhất của S&P Global cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam tăng trưởng trở lại khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại với sự hỗ trợ của tình trạng tăng sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng. Nhu cầu cải thiện đã khiến niềm tin kinh doanh tăng lần thứ ba liên tiếp.
Trong khi đó, áp lực chi phí tiếp tục tăng khi giá cả đầu vào tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ giữa năm ngoái. Để bù đắp, các công ty đã tăng giá bán hàng nhanh hơn. Tuy nhiên, năng lực của nhà cung cấp tiếp tục cải thiện.
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã tăng trở lại lên trên ngưỡng không thay đổi 50 điểm vào tháng 2, từ đó cho thấy sức khỏe ngành sản xuất đã bắt đầu cải thiện sau thời kỳ suy giảm kéo dài ba tháng. Với kết quả 51,2 tăng so với mức 47,4 trong tháng 2 cho thấy các điều kiện kinh doanh đã cải thiện nhẹ.
Tốc độ tăng chi phí đầu vào trong tháng 2 đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 6/2022 do giá của nhà cung cấp tăng và tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu. Để bù đắp, các nhà sản xuất đã tăng giá bán hàng.
Trong khi áp lực giá cả tăng, có những dấu hiệu tích cực hơn về năng lực của chuỗi cung ứng. Thời gian giao hàng của nhà cung cấp đã được rút ngắn khi hoạt động vận tải đã nhịp nhàng hơn và tình trạng tắc nghẽn cũng giảm.
Việc sử dụng hàng hóa đầu vào để tăng sản lượng khiến tồn kho hàng mua giảm trong tháng 2 mặc dù hoạt động mua hàng hóa đầu vào tăng. Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận đối với tồn kho hàng thành phẩm.
Tiến Hoàng