Cầu Ngang (Trà Vinh): Nhiều sai phạm trong đầu tư, xây dựng cơ bản
Ngoài việc xử lý hành chính, Thanh tra tỉnh Trà Vinh kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chuyển hồ sơ mua sắm trang thiết bị sang cơ quan điều tra xử lý theo đúng pháp luật.
Kiểm tra tới đâu, sai phạm tới đó
Thanh tra tỉnh Trà Vinh đã ban hành Kết luận Thanh tra về việc thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý thu, chi tài chính; mua sắm tài sản công; đầu tư xây dựng cơ bản và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cầu Ngang. Với tư cách là chủ đầu tư, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cầu Ngang có nhiều vi phạm quy định khi chỉ định nhà thầu thực hiện thi công. Thanh tra kiểm tra hồ sơ của 342 gói thầu mua sắm, sửa chữa do Phòng Giáo dục và Đào tạo và 16 điểm trường làm chủ đầu tư (giai đoạn từ ngày 1/1/2020 đến quý III/2023) với tổng mức đầu tư hơn 32,1 tỷ đồng. Kết quả, có 270/342 gói thầu (bao gồm 206 gói thầu sửa chữa và 64 gói thầu mua sắm) các chủ đầu tư thực hiện chưa đầy đủ trình tự theo quy định.
Theo Kết luận Thanh tra, kiểm tra hồ sơ tới đâu phát hiện vi phạm tới đó. Tại nhiều gói thầu sửa chữa, các chủ đầu tư còn đầu tư xây dựng mới rất nhiều hạng mục nhưng lại ghi tên gói thầu sửa chữa là chưa đảm bảo theo quy định; có 79 gói thầu, các chủ đầu tư không lập kế hoạch sửa chữa là chưa đảm bảo theo quy định. Tương tự, khối lượng trong hồ sơ dự toán, tất cả các chủ đầu tư đều không tiến hành lập dự toán mà giao cho đơn vị thi công lập, đồng thời dự toán không căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công là chưa đúng quy định.
Thanh tra kiểm tra công tác lựa chọn nhà thầu, 17 chủ đầu tư đều có sai sót, vi phạm như: Không lập và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; khi chỉ định thầu cho các đơn vị thi công cải tạo sửa chữa, chủ đầu tư không xem xét hồ sơ năng lực của đơn vị thi công. Ngoài ra, chủ đầu tư không có hồ sơ chứng minh việc công khai kết quả chỉ định thầu công trình là chưa đúng quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Đấu thầu năm 2013.
Việc ký hết hợp đồng thi công, nghiệm thu, thanh toán của 206 gói thầu cải tạo, sửa chữa đều có sai sót, vi phạm giống nhau như: Hồ sơ các gói thầu không có biên bản thương thảo hợp đồng; chủ đầu tư không có tổ chức giám sát, nghiệm thu công tác thi công sửa chữa theo quy định. Kiểm tra tại Phòng Giáo dục và Đào tạo và 16 điểm trường cho thấy, có 13 gói thầu được chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thi công trước, sau đó chủ đầu tư mới lập thủ tục thanh toán. Chủ đầu tư đã vi phạm quy định tại khoản 9 Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013 đã chỉ định nhà thầu thực hiện thi công khi chưa được phân bổ vốn
Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức
Thanh tra kiểm tra các gói thầu mua sắm có giá trị trên 100 triệu đồng phát hiện, trong quá trình thực hiện đầu tư mua sắm, chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan chưa thực hiện đúng quy định. Chủ đầu tư áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh rút gọn đối với gói thầu mua sắm thường xuyên có giá trị trên 200 triệu là chưa đúng quy định; thực hiện quy trình chào hàng cạnh tranh rút gọn chưa đảm bảo quy định.
Đoàn kiểm tra chọn kiểm tra thực tế 48 gói thầu mua sắm, sửa chữa do Phòng Giáo dục và Đào tạo và 6 điểm trường làm chủ đầu tư có đến 9 gói thầu nhà thầu thi công thiếu khối lượng so với hợp đồng thi công và nghiệm thu, thanh toán, với số tiền các chủ đầu tư thanh toán thừa cho đơn vị thi công hơn 124 triệu đồng.
Thanh tra kiểm tra gói thầu mua 2 tivi 65 inch Samsung UA 6500 phục vụ chuyên môn trường Tiểu học thị trấn Mỹ Long, do Cơ sở Điện máy Phương Dân đã cung cấp cho trường 2 cái tivi Samsung 65UA7700 (sai model). Qua làm việc với Đoàn thanh tra, ông Huỳnh Thanh Nhã, chủ Cơ sở Điện máy Phương Dân không thừa nhận việc cung cấp sai model 2 tivi. Ông Huỳnh Thanh Nhã khẳng định, Hợp đồng số 88/HĐMB-2021 ghi loại TV Samsung UA6500 là do nhầm lẫn trong khâu đánh máy, trên thực tế thị trường không có loại tivi này. Đồng thời, 3 báo giá để làm cơ sở cho chủ đầu tư xét chọn nhà thầu cũng do ông Huỳnh Thanh Nhã soạn (đều báo giá loại TV Samsung UA6500).
Đoàn thanh tra tiến hành xác minh về chủng loại và giá tại 2 đơn vị báo giá là Điện tử Phúc và Trung tâm Tin học Việt Tin. Kết quả, 2 báo giá không phải do các đơn vị phát hành (báo giá giả). Biết không chối cãi được, ông Huỳnh Thanh Nhã thừa nhận đã làm giả con dấu của Điện tử Phúc để đóng vào báo giá do chính ông soạn (không thừa nhận làm giả con dấu của Trung tâm Tin học Việt Tin). Hành vi trên, Thanh tra khẳng định, ông Huỳnh Thanh Nhã, chủ Cơ sở Điện máy Phương Dân đã có hành vi “làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả”, có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý theo đúng quy định của pháp luật.