0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ tư, 12/07/2023 08:01 (GMT+7)

Báo cáo kiểm toán chỉ rõ nguyên nhân EVN lỗ hơn 20.000 tỷ đồng trong năm 2022

Theo dõi KT&TD trên

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 được Deloitte kiểm toán, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ ròng hơn 20,7 nghìn tỷ đồng. Số liệu kiểm toán cho thấy giá vốn tăng cao là một trong những nguyên nhân chính khiến tập đoàn này lỗ nặng.

Theo báo cáo kiểm toán, tổng số lỗ năm 2022 của công ty mẹ EVN là hơn 26,5 nghìn tỷ đồng. Kết quả kinh doanh hợp nhất, EVN lỗ 20,7 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2021 đơn vị này lãi hơn 14,7 nghìn tỷ đồng. Số liệu được kiểm toán cũng cho thấy lý do lỗ của tập đoàn này là do giá bán điện thấp hơn giá mua vào, thể hiện ở doanh thu bán điện và giá vốn điện.

Cụ thể, trong năm qua EVN ghi nhận doanh thu 463.000 tỷ đồng, tăng gần 9% so với thực hiện năm 2021. Trong đó, doanh thu bán điện chiếm đến 98,6%, tăng 9,3% so với năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng 16,7% lên 452.420 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp của tập đoàn giảm 73% còn 10.579 tỷ đồng. Doanh thu tài chính cũng giảm 51% còn 7.382 tỷ đồng do giảm khoản lãi chênh lệch tỷ giá.

Báo cáo kiểm toán chỉ rõ nguyên nhân EVN lỗ hơn 20000 tỷ đồng trong năm 2022

Trước đó, kết quả kiểm tra của Bộ Công thương về chi phí giá thành sản xuất điện cho thấy: tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 419.031,80 tỷ đồng, năm 2022 là 493.265,30 tỷ đồng, bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành.

Cụ thể, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,90 đ/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.

Các khoản thu của EVN và các đơn vị thành viên từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được giảm trừ vào chi phí sản xuất kinh doanh của EVN và các đơn vị thành viên.

Trong khi đó, giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 là 1.854,44 đồng/kWh. Như vậy, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 đã cao hơn giá bán lẻ điện bình quân ngưỡng 177,82 đồng/kWh.

Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội hồi tháng 5/2023, EVN cũng giải trình rõ lý do năm ngoái tập đoàn này thua lỗ. Năm 2022, giá thành khâu phát điện chiếm tỷ trọng 83,6%; các khâu truyền tải, phân phối - bán lẻ và phụ trợ chỉ chiếm tỷ trọng 16,4%. Do các thông số đầu vào khâu phát điện năm 2022 tăng đột biến làm giá thành khâu phát điện tăng mạnh, từ 1.506,4 đồng/kWh năm 2021 lên 1.698,45 đồng/kWh.

Các nhà máy điện hạch toán phụ thuộc EVN sản xuất với sản lượng chỉ chiếm 20% tổng sản lượng điện năng của hệ thống, với giá điện bình quân là 859,9 đồng/kWh.

Với vai trò là người mua duy nhất, để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, EVN cho biết đã phải mua 80% sản lượng điện năng còn lại từ các nhà máy điện độc lập theo các hợp đồng mua bán điện. Giá điện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, với với bình quân 1.757,5 đồng/kWh (chưa bao gồm chi phí truyền tải, phân phối - bán lẻ, phụ trợ) để cung cấp cho khách hàng.

Trung Anh (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Báo cáo kiểm toán chỉ rõ nguyên nhân EVN lỗ hơn 20.000 tỷ đồng trong năm 2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.