0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ hai, 24/06/2024 16:23 (GMT+7)

Áp lực tỷ giá hạ nhiệt: Không còn phụ thuộc vào Fed

Theo dõi KT&TD trên

Cho dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất diễn ra vào tháng 7 hay tháng 9 thì USD vẫn trong xu hướng giảm giá. Khi Fed cắt giảm lãi suất, USD Index sẽ giảm xuống 100 điểm.

Nỗ lực neo giữ

Thị trường ngoại hối tháng 5 chứng kiến một số điểm nhấn đáng chú ý đó là cân đối cung - cầu ngoại tệ trong nước chuyển sang trạng thái thâm hụt khá lớn so với các tháng trước đây. Cụ thể, cán cân thương mại hàng hóa lần đầu tiên chứng kiến tình trạng thâm hụt kể từ tháng 5/2022 với quy mô 1 tỷ USD nhập siêu, trong đó phần nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng tới 38% so với cùng kỳ năm ngoái (tập trung các mặt hàng như sắt thép, xăng dầu …).

Bên cạnh đó, NHNN đã dừng tổ chức đấu giá vàng miếng trong tháng 5 khi sau 9 phiên đấu thầu, cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng SJC, tương đương hơn 1,8 tấn vàng vẫn chưa đạt hiệu quả. Thay vào đó là chính sách cho phép 4 ngân hàng quốc doanh bán vàng trực tiếp cho người dân kể từ ngày 3/6. Theo đó, thị trường đã có phản ứng tức thì trước thông tin mới này khi giá vàng SJC giảm mạnh từ trên 90 triệu đồng/lượng xuống còn khoảng 80 triệu đồng/lượng vào ngày 3/6.

Nhu cầu mua ngoại tệ kỳ hạn mặc dù đã có phần giảm bớt, song tâm lý thận trọng nhìn chung vẫn bao trùm khi bối cảnh quốc tế vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro. Thị trường chứng khoán trong nước cũng chứng kiến tháng bán ròng mạnh nhất của khối ngoại kể từ năm 2022 với quy mô ước tính khoảng 500 triệu USD.

Áp lực tỷ giá hạ nhiệt: Không còn phụ thuộc vào Fed

Trên bình diện quốc tế, DXY hạ nhiệt 1,5% tính đến ngày 28/5 khi Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 5, được hỗ trợ bởi các dấu hiệu kinh tế đáng kể, bao gồm: lạm phát tăng 3,4% so với cùng kỳ (so với 3,5% trong tháng 3), thị trường việc làm chỉ thêm 175.000 việc làm trong tháng 4 (so với dự báo 243.000). Tính đến ngày 28/5, tỷ giá USD/VND tăng 0,4% so với tháng trước (so với tăng 2,3% trong tháng 4).

Một lãnh đạo cao cấp BIDV nhận định NHNN đã hết sức nỗ lực để bình ổn thị trường ngoại hối, thông qua nhiều biện pháp như bán ngoại tệ với quy mô khá lớn để bù đắp nguồn cung cho thị trường; đồng thời đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng trong thời gian gần đây do cung tiền đã bị rút bớt và khiến thanh khoản thắt chặt hơn trong hệ thống… Theo đó, cùng với chỉ số DXY suy yếu, việc chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế thu hẹp sẽ phần nào giảm bớt áp lực lên tỷ giá hối đoái.

Thực tế cho thấy đà tăng của tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã chậm lại, giữ vững ở mức 25.457 trong tháng 5 khi tỷ giá giao dịch cơ bản bám sát vùng tỷ giá bán và tỷ giá trần của NHNN trong hầu như cả tháng. Như vậy tính từ đầu năm, VND đã giảm khoảng 5% so với đồng USD. Tỷ giá trên thị trường tự do là 25.790 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm là 24.261 VND/USD, tăng lần lượt 4,2% và 1,7% so với đầu năm 2024.

“Xu hướng giảm của VND vẫn khá tương đồng so với các đồng tiền khác trong khu vực, ví dụ như baht Thái (-6,9% từ đầu năm), Malaysia ringgit (-2,4%), Nhân dân tệ (-2,3%), và yen Nhật (-10,5%)”, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB, nhận định.

Vị lãnh đạo BIDV vẫn quan ngại: “Tuy nhiên, áp lực tỷ giá vẫn còn hiện hữu do chênh lệch lãi suất giữa VND và USD vẫn neo cao và nhu cầu USD tăng để tài trợ cho nhập khẩu khi nền kinh tế đang phục hồi”.

Dao động bao nhiêu?

Nói về yếu tố lớn hỗ trợ tỷ giá, vị lãnh đạo BIDV cho rằng đó là thông điệp cam kết từ NHNN sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, kết hợp đồng bộ các công cụ của chính sách tiền tệ và bán ngoại tệ can thiệp để hỗ trợ thanh khoản thị trường. Đây là điều quan trọng để tạo dựng niềm tin của các chủ thể vào giá trị của đồng nội tệ, qua đó giảm tình trạng bớt găm giữ ngoại tệ và đầu cơ chênh lệch tỷ giá

“Ở trong nước, sau giai đoạn nhập khẩu cao điểm mùa vụ trong tháng 5, dự kiến cán cân thương mại hàng hóa có thể thặng dư trở lại trong tháng 6 - ước tính vào khoảng 1,0 - 1,5 tỷ USD. Đây sẽ là yếu tố quan trọng giúp cải thiện cân đối cung-cầu ngoại tệ trong nước ở trạng thái đỡ xấu hơn so với tháng 5. Mặc dù vậy, nhìn chung cán cân tổng thể dự kiến vẫn chưa ở trạng thái dồi dào do nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước, trả nợ vay vẫn còn lớn”, vị lãnh đạo BIDV nêu quan điểm.

Đó là chưa kể, theo vị lãnh đạo BIDV, bối cảnh quốc tế nhìn chung vẫn chưa thuận lợi khi Fed nhiều khả năng tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong phiên họp của FOMC trong tháng 6 do vấn đề lạm phát tại Mỹ vẫn còn dai dẳng (dự báo CPI Mỹ tăng khoảng 0,3% m/m). Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng trung ương lớn khác như ECB, BOC nhiều khả năng sẽ hạ lãi suất sớm trước Fed ngay trong tháng 6.

“Sự phân kỳ chính sách này có thể hỗ trợ cho sức mạnh của đồng USD, mặc dù chúng tôi cho rằng mức độ tăng cũng phần nào hạn chế khi bộ dữ liệu kinh tế của Mỹ gần đây như PMI sản xuất - dịch vụ, doanh số bán lẻ đang có xu hướng chậm lại. Dự báo chỉ số DXY có thể dao động chủ đạo quanh khoảng 103 - 105 trong tháng 6”, vị lãnh đạo BIDV nói.

Tuy nhiên, TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng không cần lo lắng quá, bởi tỷ giá sẽ không vượt 26.000 VND/USD do khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 7/2024. Và cho dù Fed cắt giảm lãi suất diễn ra vào tháng 7 hay tháng 9 thì USD vẫn trong xu hướng giảm giá. Khi Fed cắt giảm lãi suất, USD Index sẽ giảm xuống 100 điểm.

“USD sẽ giảm giá ít nhất từ nay đến năm 2027 và USD Index đi quanh ngưỡng 95-105 điểm, không còn tăng cao hơn nữa. Lãi suất của Fed sẽ giảm xuống mức 2,75-3% trong vòng 3 năm nữa. Theo đó, VND nên mất giá ở mức độ xấp xỉ với tốc độ lạm phát. Mặt bằng lãi suất cần xoay quanh mức CPI cộng với biên độ khoảng 3-4%”, TS Phước nói.

Dẫu vậy, một lãnh đạo cao cấp Vietcombank cho rằng, áp lực tỷ giá thường trực và chưa sớm hạ nhiệt ít nhất cho tới khi có các thông tin mới rõ ràng hơn về lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed. Tuy nhiên, trong điều kiện thuận lợi, vào thời điểm cuối năm, VND có thể ghi nhận mức giảm giá hợp lý khoảng 3% so với USD.

Các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định tỷ giá có căng thẳng tiếp hay không sẽ phụ thuộc đáng kể vào lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed và xu hướng đồng USD. Diễn biến bên ngoài hiện đang khá thuận cho việc điều hành tỷ giá nên VDSC cho rằng kịch bản cơ sở là tỷ giá USD/VND có thể duy trì ở mức 25.500. Xét yếu tố trong nước, thời gian cao điểm đối với nhu cầu ngoại tệ thường rơi vào cuối quý III, đầu quý IV/2024, khi đó, NHNN có thể sẽ cần bán tiếp ngoại tệ để ổn định tỷ giá.

Còn bà Hiền dự báo, tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.100 - 25.300 VND/USD trong tháng 6 và tháng 7 bởi một số yếu tố tích cực. Cụ thể, những yếu tố vĩ mô sẽ hỗ trợ như thặng dư thương mại tích cực khi lũy kế 5 tháng 2024 đạt 8 tỷ USD, dòng vốn FDI thực hiện 5 tháng ước đạt 8,2 tỷ USD (tăng 7,8% so với cùng kỳ) và du lịch phục hồi mạnh mẽ khi 5 tháng của năm 2024 tăng 64,9% so với cùng kỳ.

Bà Hiền nhấn mạnh: “Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024”.

Lưu Dung

Bạn đang đọc bài viết Áp lực tỷ giá hạ nhiệt: Không còn phụ thuộc vào Fed. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

HoREA: Đề xuất chỉ áp thuế 6% với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cho thuê
Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong đó, HoREA đề xuất doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê được áp dụng thuế suất 6% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tăng trưởng tín dụng: 'Nóng' vì phập phù
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 28/6, tín dụng tăng 6%, đến cuối tháng 7 chỉ còn 5,66% nhưng đến 14/8 lại đạt 6,11%. Sự trồi sụt bất thường này cho thấy tăng trưởng tín dụng có rất nhiều vấn đề.

Tin mới

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.
Gỡ vướng, thúc đẩy tiến độ Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 423/TB-VPCP ngày 17/9/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện các dự án đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư.