'Vướng' loạt sai phạm, Thiên Minh Đức vẫn chưa bị tước giấy phép đầu mối xăng dầu?
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức vừa bị Thanh tra Chính phủ kết luận loạt sai phạm và kiến nghị chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật đối với việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại doanh nghiệp này.
Vậy tại sao vẫn chưa thể thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đối với Tập đoàn Thiên Minh Đức?
Từ lạm dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nợ thuế...
Mới đây, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, trong đó đề cập tới hàng loạt vi phạm của các "ông lớn" trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu (KDXD) và những vi phạm pháp luật liên quan đến việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu do Bộ Công Thương, Bộ Tài chính quản lý.
Theo nội dung này, TTCP đã chỉ rõ, có 3 thương nhân đầu mối KDXD đã trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG đối với khối lượng xăng dầu vượt so với khối lượng trên sổ sách, dẫn đến trích lập Quỹ BOG sai với số tiền khoảng 4.793 triệu đồng và chi sử dụng Quỹ BOG sai với số tiền khoảng 22.566 triệu đồng.
Ba thương nhân đầu mối KDXD đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính từ 3 lần trở lên gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (bị phạt 3 lần); Công ty Xuyên Việt Oil (bị phạt 3 lần) và Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (bị phạt 4 lần).
Theo TTCP, Bộ Công Thương chưa kịp thời xem xét, xử lý đình chỉ hoạt động kinh doanh hoặc thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối KDXD theo thẩm quyền quy định đối với các thương nhân đầu mối KDXD đã bị Bộ Tài chính xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần, dẫn đến Quỹ BOG liên tục bị các thương nhân đầu mối chiếm dụng và sử dụng sai mục đích bình ổn giá xăng dầu.
Từ kết quả thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Bộ Công an để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật đối với 3 vụ việc. Trong đó có việc sử dụng Quỹ BOG tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức.
Trong thông báo Quỹ BOG xăng dầu quý III/2023 được Bộ Tài chính công khai lúc 16h51 ngày 23/11/2023, tổng số dư Quỹ BOG tính đến ngày 30/9/2023 của 35 thương nhân đầu mối đạt 7.058,55 tỷ đồng. Trong đó, số dư Quỹ BOG của Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức là 466,56 tỷ đồng.
Việc trích lập, chi sử dụng Quỹ BOG của Thiên Minh Đức cụ thể như sau: Số dư Quỹ BOG hết quý II/2023 là 468,34 tỷ đồng; Tổng số trích Quỹ BOG trong quý III/2023 (từ 1/7 đến hết 30/9/2023) là 0 đồng; Tổng số sử dụng Quỹ BOG trong quý III là 2 tỷ đồng; Lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG dương trong quý III là 0,21 tỷ đồng.
Ngoài ra, liên quan đến doanh nghiệp này, mới đây Cục Thuế tỉnh Nghệ An cũng đã công khai doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức tiếp tục là doanh nghiệp có số nợ lớn nhất với số tiền hơn 950,102 tỷ đồng (chiếm hơn 80% trên tổng số nợ hơn 1.177,863 tỷ đồng mà Cục Thuế Nghệ An công bố). Trước đó, Tập đoàn Thiên Minh Đức liên tiếp nhiều kỳ nợ thuế, bị cưỡng chế ngừng sử dụng hoá đơn.
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (MST 2900471372) thành lập ngày 04/9/2001. Đăng ký địa chỉ trụ sở tại Số 2A, đường Lê Mao, phường Lê Mao, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Lĩnh vực hoạt động chính là Bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn là "chủ nhân" một số dự án bất động sản trên nhiều tỉnh thành trong nước.
Hiện nay, bà Chu Thị Thành, chức danh Chủ tịch HĐQT là người đại diện pháp luật. Tại thời điểm ngày 20/9/2022, doanh nghiệp này điều chỉnh vốn điều lệ từ 1.455 tỷ đồng tăng lên 2.022 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông góp vốn là 3 thể nhân, gồm: Ông Vương Đình Quán góp 1,5 tỷ đồng (0,08% CP); bà Chu Thị Thành góp 1.560 tỷ đồng (77,15% CP) và ông Chu Đăng Khoa góp 460,5 tỷ đồng (22,77% CP).
Bà Chu Thị Thành đang bị tạm hoãn xuất cảnh do là người đại diện của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Tính đến thời điểm ngày 30/11/2023, doanh nghiệp này đang nợ thuế hơn 950,102 tỷ đồng.
...đến vi phạm trong kê khai và nộp thuế bảo vệ môi trường
Ngoài ra, TTCP cũng xác định, Tập đoàn Thiên Minh Đức còn thường xuyên kê khai thuế bảo vệ môi trường lần đầu và hàng tháng sai, thiếu thuế bảo vệ môi trường; không kê khai thuế và kê khai không trung thực số tiền thuế môi trường phải nộp.
Theo đó, tổng số tiền thuế bảo vệ môi trường kê lại trong 3 năm (từ năm 2018 đến hết năm 2021) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức tăng thêm hơn 3.287,650 tỷ đồng.
TTCP viện dẫn, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 152/2011 không quy định thời điểm kê khai, nơi nộp thuế BVMT đối với sản lượng xăng dầu do thương nhân đầu mối KDXD bán cho thương nhân đầu mối KDXD đã được loại trừ khi tính thuế. Từ những vấn đề trên dẫn đến, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khai, tính thuế bảo vệ môi trường thiếu (Thuế bảo vệ môi trường năm 2019, tạm tính kê khai thiếu khoảng 4.900,966 tỷ đồng).
Thuế BVMT được tính trong giá cơ sở xăng dầu là thuế gián thu, Nhà nước giao cho các thương nhân đầu mối KDXD thực hiện thu trên số lượng xăng dầu bán ra và nộp vào Ngân sách Nhà nước. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, khối lượng tiêu thụ lớn, khi người tiêu dùng mua xăng dầu là trả ngay tiền hàng và tiền thuế BVMT.
Tuy nhiên, kết quả thanh tra cho thấy, do Tổng cục Thuế và nhiều Cục Thuế thực hiện chưa đầy đủ, chưa đúng quy định, thiếu kiểm tra, giám sát, dẫn đến nhiều thương nhân đầu mối KDXD được kiểm tra đã phát hiện nợ thuế BVMT hàng nghìn tỷ đồng trong nhiều kỳ, nhiều năm. Trong đó, có Tập đoàn Thiên Minh Đức.
TTCP viện dẫn, theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tại thời điểm 31/10/2022, một số thương nhân đầu mối KDXD còn nợ, chưa nộp Ngân sách nhà nước số tiền thuế BVMT là 6.323,909 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/9/2022, có 6/15 thương nhân đầu mối KDXD được thanh tra đang nợ tiền thuế BVMT là 3.219,344 tỷ đồng.
Rà soát lại số tiền vi phạm Quỹ bình ổn giá xăng dầu, xử lý theo quy định
Liên quan đến nội dung này, tại cuộc họp báo thường kỳ quý IV/2023 của Bộ Tài chính, trả lời về việc chấp hành quy định của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, ngay khi có kết luận thanh tra, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, đề nghị nghiêm túc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, nếu rà soát có phát sinh phải điều chỉnh kịp thời. Cục Quản lý giá đã báo cáo Bộ và phối hợp các đơn vị trong Bộ thực hiện tổng thể kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Về số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp kết chuyển không đúng, theo ông Phạm Văn Bình, đây là chuỗi nhiều kỳ, khi Bộ Tài chính có văn bản báo cáo và doanh nghiệp báo cáo về, Cục Quản lý giá đã mời các doanh nghiệp thuộc đối tượng Thanh tra Chính phủ nêu để trao đổi làm rõ các số liệu, trên cơ sở đó các doanh nghiệp rà soát lại và làm rõ các kết luận có liên quan.
“Chúng tôi phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện đầy đủ các kết luận của Thanh tra Chính phủ” - ông Phạm Văn Bình khẳng định.
Trước đó, trả lời báo chí về kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến quỹ bình ổn xăng dầu, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) chia sẻ, thực hiện theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công Thương mời những doanh nghiệp vi phạm về kinh doanh xăng dầu, trong đó có vi phạm về thuế, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến làm việc. Mục đích để rà soát lại số tiền vi phạm, hành vi vi phạm để có căn cứ xử lý, kiến nghị theo đúng quy định của pháp luật.
Về việc thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, ông Nguyễn Minh Tiến cho rằng, Bộ Công Thương, theo thẩm quyền sẽ căn cứ vào các vi phạm để ra quyết định thu hồi, khi tước giấy phép kinh doanh của thương nhân đầu mối xăng dầu buộc phải thu hồi số tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước, tránh thất thoát.
Trước đó, bà Nguyễn Thuý Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chia sẻ với báo chí, sở dĩ chưa thể thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức là vì chưa xử lý xong phần Quỹ bình ổn giá xăng dầu hình thành tại doanh nghiệp này.
"Chúng tôi đang xử lý theo quy trình và quy định của pháp luật; xin ý kiến và phối hợp với các bộ ngành liên quan để thực hiện theo từng nước. Cùng sai phạm nhưng mỗi doanh nghiệp sẽ có quy trình xử lý khác nhau, không doanh nghiệp nào giống doanh nghiệp nào. Chúng tôi đang làm rất chặt chẽ về vấn đề này", bà Hiền cho hay.
Với Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương xác định số dư quỹ bình ổn, tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại nơi thương nhân mở tài khoản quỹ bình ổn, thực hiện việc thu hồi quỹ về ngân sách, trước khi doanh nghiệp bị chấm dứt vai trò là thương nhân đầu mối.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công Thương khi thực hiện thu hồi giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu thì phải chủ động thực hiện đồng bộ việc xử lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tức là gồm cả việc chốt số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu với doanh nghiệp này.
Hồng Quang