Triển khai đợt cao điểm chống thuốc, thực phẩm chức năng giả tại TP.HCM
Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) sẽ tiếp tục đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thuộc nhóm dược phẩm, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền.
Đây là một trong những nhiệm vụ mà Sở Y tế TP.HCM đưa ra trong Kế hoạch số 5299/KH-YT triển khai đợt cao điểm chống thuốc, thực phẩm chức năng giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên địa bàn Thành phố.

Cùng với đó, Sở Y tế TP.HCM sẽ chỉ đạo, triển khai giám sát, kiểm tra nhằm ngăn ngừa hành vi sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đạt chất lượng; có chế tài xử lý các hành vi vi phạm về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh dược phẩm, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền nhập lậu, thuốc giả, không đạt chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đối tượng kiểm tra là các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng trên địa bàn TP.HCM; các cá nhân, tổ chức có liên quan phát sinh trong quá trình kiểm tra hoặc có đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo; các cá nhân, tổ chức theo sự chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin từ các cơ quan truyền thông. Thời gian thực hiện từ tháng 5/2025 đến tháng 12/2025 theo 2 đợt, trong đó đợt 1 (cao điểm) từ nay đến ngày 10/6/2025, đợt 2 từ 15/6/2025 đến 15/12/2025.
Sở Y tế đề nghị Công an TP.HCM kiểm tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật liên quan đến hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ (nếu có); đề nghị Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Thành phố lấy mẫu và kiểm tra chất lượng đối với các thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thực phẩm chức năng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nghi ngờ giả, không đạt chất lượng.
Theo Sở Y tế TP.HCM, trong năm 2024, Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra 174 cơ sở bán buôn thuốc, 344 cơ sở bán lẻ thuốc, 40 cơ sở bán buôn, cơ sở bán lẻ dược liệu và ban hành 151 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, xử lý 147 cơ sở với tổng số tiền xử phạt hơn 7 tỷ đồng. Các vi phạm thường gặp về nguồn gốc và chất lượng thuốc bao gồm kinh doanh thuốc không đúng với phạm vi ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; mua thuốc của cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; kinh doanh hàng hóa là thuốc chữa bệnh không rõ nguồn gốc xuất xứ; chưa theo dõi dữ liệu về hoạt động mua thuốc, bán thuốc theo quy định, kể cả thuốc phải kiểm soát đặc biệt; không đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc xuất xứ đối với dược liệu, vị thuốc cổ truyền.
Bên cạnh đó, tại các quận, huyện, Phòng Y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức cũng đã kiểm tra 6.750 cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn; trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm Thành phố đã lấy mẫu kiểm tra chất lượng 413 mẫu thuốc tại 149 cơ sở, kết quả có 15 mẫu không đạt chất lượng. Sở Y tế TP.HCM đã phát hiện 8 cơ sở có kinh doanh thuốc giả; lập hồ sơ chuyển Công an Thành phố xử lý 1 nhà thuốc có kinh doanh thuốc giả.
Ngành y tế TP.HCM kêu gọi người dân khi có nhu cầu đối với các sản phẩm về chăm sóc sức khỏe, hãy mua tại các cơ sở được cấp phép, không mua hàng hóa không rõ nguồn gốc, nhất là hàng hóa quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội; phản ánh đến các cơ quan chức năng khi phát hiện những tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả về thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, sữa, thiết bị y tế để kịp thời kiểm tra, xử lý theo quy định.
Sau vụ án sản xuất, buôn bán 100 tấn thuốc giả, thực phẩm chức năng giả và thiết bị y tế giả do Công an Hà Nội triệt phá, để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế giả lưu thông trên thị trường, Sở Y tế TP.HCM đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khẩn trương rà soát, kiểm tra danh mục thuốc, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế đang kinh doanh, sử dụng trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đảm bảo không kinh doanh, sử dụng các sản phẩm giả, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trường hợp phát hiện sản phẩm có dấu hiệu nghi ngờ bất thường, sản phẩm chưa được phép lưu hành, sản phẩm không đạt chất lượng, đơn vị lập tức niêm phong, không tiếp tục sử dụng các sản phẩm này; báo cáo cơ quan quản lý, cơ quan chức năng để kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với các cơ sở kinh doanh dược, Sở Y tế TP.HCM đề nghị rà soát, kiểm tra danh mục thuốc, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế đang kinh doanh tại đơn vị; kinh doanh đúng phạm vi đã được cấp phép, chỉ được kinh doanh các loại thuốc, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế được phép lưu hành, có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ đúng quy định.