0922 281 189 [email protected]
Thứ tư, 21/05/2025 06:49 (GMT+7)

Thanh Hóa: Chỉ đạo mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn tình trạng buôn lậu, hàng giả, gian lận TM

Theo dõi KT&TD trên

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo đó, thực hiện Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi – Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo:

Thanh Hóa: Chỉ đạo mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn tình trạng buôn lậu, hàng giả, gian lận TM - Ảnh 1
Thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện, xử lý một số vụ án về sản xuất, buôn bán hàng giả quy mô lớn, tuy nhiên tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn diễn biến phức tạp. (Ảnh minh họa)

Giao các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao, căn cứ các quy định hiện hành của Nhà nước và tình hình thực tế, chủ động thực hiện và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện nêu trên; có ý kiến tham mưu, báo cáo những vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh.

Giao Sở Công Thương – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan, khẩn trương tham mưu thành lập Tổ công tác chỉ đạo thực hiện đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 20/5/2025.

Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ nêu: thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt được những kết quả quan trọng, góp phần ổn định và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách, bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân; đã phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ việc, đối tượng vi phạm trong sản xuất, buôn bán sữa, thuốc, thực phẩm giả. Bộ Công an thời gian qua đã chủ động, nắm chắc tình hình, tiến hành các công tác nghiệp vụ, phát hiện, xử lý một số vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả có quy mô lớn.

Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn diễn biến phức tạp, phạm vi rộng, đối tượng nhiều, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và lòng tin của Nhân dân, gây hoang mang, lo lắng trong dư luận đối với công tác đấu tranh của các lực lượng chức năng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.

Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là công việc rất quan trọng, mang tính lâu dài, cần huy động sự vào cuộc của cấp ủy các cấp, chính quyền địa phương các cấp và của Nhân dân. Công tác này cần phải làm thường xuyên, toàn diện, liên tục, không ngừng nghỉ.

Nhằm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, bảo vệ an ninh, an toàn sức khỏe cho người dân góp phần phục vụ đất nước phát triển nhanh, bền vững, tiếp theo Công điện số 40/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 về xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả, Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Công điện số 55/CĐ-TTg ngày 2/5/2025 về tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc, thời gian từ ngày 15/5/2025 đến ngày 15/6/2025, sau đó sẽ tiến hành sơ kết đánh giá. Thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn - Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia làm Tổ trưởng...

Các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông về kết quả đợt cao điểm của các đơn vị, lực lượng chức năng trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; biểu dương những tấm gương tích cực, cách làm hay của các bộ, ngành, địa phương và Nhân dân; phê phán những hành vi tiêu cực, thiếu tinh thần trách nhiệm.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tập trung nhận diện các tổ chức, cá nhân nghi vấn có biểu hiện, dấu hiệu hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và các hành vi liên quan, triển khai các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, xử lý hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng nhằm kịp thời răn đe, cảnh tỉnh.

Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp, cơ quan giám định để tổ chức hoạt động điều tra, xử lý triệt để các vụ án về buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trong cao điểm, không để kéo dài. Quá trình đấu tranh cần chú ý làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, cấp phép, kiểm định, kiểm soát xuất nhập khẩu, lưu thông... đối với nguyên liệu sản xuất, hàng hóa, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật với phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Từ kết quả công tác nắm tình hình, đấu tranh, xử lý các vụ án, vụ việc cần đánh giá, chỉ ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội, các sơ hở, bất cập trong quy định pháp luật hoặc cơ chế quản lý của các bộ chức năng mà các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, kiến nghị các bộ, ngành, địa phương giải pháp khắc phục; khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh, xử lý hình sự để hoàn thiện pháp luật hình sự, nhất là Bộ luật Hình sự sửa đổi.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển phối hợp với lực lượng Công an và các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo duy trì trật tự an toàn khu vực biên giới và trên biển.

Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các vi phạm trên môi trường thương mại điện tử. Từ kết quả rà soát, kiểm tra, xử lý, đánh giá, chỉ ra nguyên nhân, điều kiện vi phạm, các sơ hở, bất cập trong quy định pháp luật hoặc cơ chế quản lý mà các đối tượng lợi dụng vi phạm pháp luật để kiến nghị các giải pháp khắc phục; hoàn thiện thể chế về thương mại điện tử, nhất là Luật Thương mại điện tử.

Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan làm tốt công tác nghiệp vụ, thu thập thông tin, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan để phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng buôn lậu, trốn thuế, vận chuyển hàng cấm, hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Bộ Y tế tăng cường, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc buôn bán, kinh doanh thuốc giả, thuốc nhập lậu, dược phẩm giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; yêu cầu các nhà khoa học, nhà quản lý của ngành y tế ký cam kết không quảng cáo, giới thiệu các thông tin sai lệch, thiếu cơ sở, căn cứ khoa học, phóng đại tính năng, công dụng của sản phẩm khi chưa xác minh kỹ tài liệu pháp lý liên quan đến sản phẩm; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có hành vi quảng cáo gian dối.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về lâm sản, thủy sản, sản xuất, buôn bán giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả.

Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định về sở hữu trí tuệ để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh, nhất là trên môi trường số, thương mại điện tử, hoàn thiện các quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về công bố, quảng cáo sai sự thật.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, bổ sung chế tài xử lý những cơ quan đề nghị quảng cáo, cơ quan thực hiện việc quảng cáo, những cá nhân, nghệ sỹ, người nổi tiếng lợi dụng uy tín của mình để có hành vi quảng cáo sai sự thật, nhất là trên mạng xã hội.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thành lập Tổ công tác tại địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm Tổ trưởng với thành phần tham gia phù hợp; đồng thời, quyết liệt chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường địa phương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, xâm phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn…

Đình Đông

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Chỉ đạo mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn tình trạng buôn lậu, hàng giả, gian lận TM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bộ Y tế yêu cầu kiểm soát chất lượng kem chống nắng
Sau khi phát hiện kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body do công ty chồng Đoàn Di Băng phân phối ra thị trường ghi nhãn SPF 50 nhưng kiểm nghiệm chỉ có 2,4, Cục Quản lý dược đã yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý với sản phẩm kem chống nắng...
Luật Đấu thầu và yêu cầu sửa đổi khẩn cấp
Chiều 17/5/2025, tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu và các luật liên quan đến đầu tư công, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ bốn vấn đề rất nghiêm trọng đang tồn tại trong Luật Đấu thầu hiện hành:

Tin mới

Luật Đấu thầu và yêu cầu sửa đổi khẩn cấp
Chiều 17/5/2025, tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu và các luật liên quan đến đầu tư công, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ bốn vấn đề rất nghiêm trọng đang tồn tại trong Luật Đấu thầu hiện hành: