Tội phạm lừa đảo trên mạng, chiếm đoạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm
Số tiền người dân bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng năm 2023 tăng 1,5 lần so với năm 2022. Cơ quan chức năng cũng đưa ra những cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản phổ biến của tội phạm trên không gian mạng để người dân phòng tránh.
Số tiền người dân bị lừa đảo, chiếm đoạt trên mạng gia tăng
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) thông tin, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra liên tục, tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.
Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, liên tục thay đổi, sử dụng số điện thoại rác, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội ảo, nhằm trốn tránh, xoá dấu vết sau khi chiếm đoạt tiền.
Dù liên tục được cảnh báo nhưng nhiều người vẫn bị mắc lừa, số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Trong năm 2023, tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2022. Đây là con số dựa trên những sự việc người dân đến trình báo cơ quan công an.
Năm qua, lực lượng chức năng đã khởi tố 1.500 vụ án tội lừa đảo trên không gian mạng. Thực tế con số này có thể còn cao hơn vì nhiều người dân không đi trình báo.
Tuy nhiên, có đến trên 1.200 vụ án phải tạm đình chỉ điều tra, gia hạn điều tra vì không xác định được thủ phạm của vụ việc, tương đương có đến trên 75% số vụ việc không thể điều tra tiếp. Vì vậy việc truy hồi, tìm lại tài sản cho người dân trong những sự việc lừa đảo qua mạng rất khó khăn.
Hiện công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ, từ đó bùng nổ các hình thức giao dịch trên mạng, nhưng bên cạnh sự tiện ích, những rủi ro cũng xuất hiện.
Điều đáng nói, nhiều nạn nhân đã từng sập bẫy lừa đảo qua mạng, nhưng vẫn liên tiếp xuất hiện những nạn nhân mới. Dù lực lượng chức năng rất nỗ lực, nhiều giải pháp đã được triển khai nhưng tỷ lệ lừa đảo trên mạng ở Việt Nam vẫn gia tăng.
Kể từ thời điểm đại dịch Covid-19, xu hướng làm việc online bắt đầu phổ biến, thời điểm tình hình tội phạm lừa đảo qua mạng phức tạp nhất, đầu tư chứng khoán, đầu tư vàng, tiền ảo…, nhiều mô hình kinh doanh trên mạng xã hội bị các nhóm đối tượng triệt để lợi dụng.
Những nhóm đối tượng tội phạm xuyên quốc gia, giăng các kịch bản lừa đảo người dân, có nghiên cứu tâm lý từng nạn nhân.
Theo Bộ Công an, tình trạng lộ lọt, mua bán thông tin cá nhân vẫn diễn ra. Bên cạnh đó mặc dù các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực, nhưng vẫn còn tình trạng sim không chính chủ, tài khoản ngân hàng không chính chủ, giao dịch tiền điện tử, tiền ảo, ngoại hối còn nhiều kẽ hở.
Cảnh báo thủ đoạn phổ biến của tội phạm trên không gian mạng
Theo cơ quan công an, thủ đoạn phổ biến của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng là giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo. Theo đó, đối tượng thông báo bị hại đang liên quan đến vụ việc vi phạm pháp luật, gửi các quyết định tố tụng như lệnh bắt tạm giam, quyết định tịch thu tài sản… Sau đó đối tượng yêu cầu bị hại cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tiền gửi tiết kiệm... rồi tạo dựng các lý do để yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản mà đối tượng cung cấp.
Một thủ đoạn nữa là các đối tượng mạo danh ngân hàng gọi điện cho người dân thông báo tặng quà, trúng thưởng, thông báo các giao dịch chuyển tiền nhầm, bị treo, bị chặn hoặc cảnh báo tài khoản gặp sự cố và gửi link yêu cầu kích hoạt dịch vụ.
Các đối tượng cũng mạo danh các trang mạng như: ngân hàng, sàn thương mại, trang tuyển dụng nghề nghiệp… trong đó có liên kết thanh toán trực tuyến và khi người dân sử dụng thì các đối tượng lấy cắp thông tin để chiếm đoạt.
Thủ đoạn phổ biến nữa là các đối tượng mạo danh nhân viên nhà mạng đề nghị hỗ trợ chuyển đổi sim 3G thành 4G miễn phí và chiếm đoạt quyền sử dụng số điện thoại để nhận mã OTP kết hợp với thông tin định danh đã thu thập của khách hàng để kích hoạt lại dịch vụ ngân hàng điện tử, truy cập và chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Các đối tượng chiếm đoạt tiền bằng thủ đoạn mạo danh cơ quan công an thông báo căn cước công dân, tài khoản VneID bị lỗi, gửi link yêu cầu tải phần mềm giả mạo; gửi các tin nhắn qua Facebook, Zalo, SMS chứa link truy cập giả mạo dịch vụ chuyển/nhận tiền từ nước ngoài; gọi điện thông báo trúng thưởng món quà có giá trị, yêu cầu mua hàng, đóng phí để được nhận quà hoặc truy cập vào đường link để xác nhận thông tin.
Một thủ đoạn lừa đảo phổ biến nữa là đánh cắp tài khoản mạng xã hội. Đối tượng chiếm quyền điều khiển các tài khoản mạng xã hội facebook, zalo của người dân, sau đó nhắn tin hoặc sử dụng công nghệ làm giả khuôn mặt, giọng nói của chủ tài khoản để thực hiện cuộc gọi video deepfake, deepvoice gọi điện cho bạn bè, người thân của chủ tài khoản vay tiền hoặc đề nghị chuyển tiền với các lí do khác nhau để chiếm đoạt.
Hình thức nữa là lừa đảo thông qua hình thức mở thẻ tín dụng. Đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện tư vấn mở thẻ tín dụng, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng đang sử dụng… Sau đó đối tượng dùng nhiều lí do yêu cầu người mở thẻ phải chuyển một số tiền nhất định vào tài khoản để kiểm tra, sau đó đối tượng yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã OTP… sau đó toàn bộ số tiền trong tài khoản bị mất hết.
Ngoài ra, còn rất nhiều thủ đoạn lừa đảo khác như giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; giả danh nhân viên các nhà mạng gọi điện thông báo cho chủ thuê bao về việc nhà mạng sẽ khóa SIM, từ đó viện ra các lí do để dẫn dắt bị hại chuyển tiền cho đối tượng; giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp như bảo hiểm xã hội, ngân hàng…; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng cuả bị hại; lừa đảo "combo du lịch giá rẻ”; lừa đảo bằng hình thức làm giả hóa đơn chuyển tiền thành công của các ngân hàng; lừa đảo dịch vụ lấy lại facebook, lấy lại tiền bị lừa đảo…
Để tránh bị lừa đảo, cơ quan công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không cho bất kỳ ai mượn tài khoản ngân hàng điện tử dưới mọi hình thức; không cung cấp thông tin cá nhân (CCCD, CMND, hộ chiếu…); thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử (user, mật khẩu đăng nhập, mã OTP) cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.
Người dân cũng cần cẩn trọng với các cuộc gọi nâng cấp định danh điện tử, mời chào vay tiền, các đường link chứa mã độc… để tránh bị chiếm đoạt tiền.
Khi tiếp nhận các thông tin nghi vấn liên quan đến tội phạm công nghệ cao, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để tố giác tội phạm.
Minh Anh