Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra toàn diện quy hoạch, đầu tư, xây dựng công trình điện
Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030.
Theo thông tin từ Thanh tra Chính phủ (TTCP), theo Quyết định số 55/QĐ-TTCP ngày 22/02/2022 của Tổng TTCP, sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII) và điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII điều chỉnh).
Thời kỳ thanh tra từ năm 2011 đến hết năm 2021, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra.
Thời hạn thanh tra là 85 ngày làm việc tại đơn vị kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra, trừ những ngày nghỉ theo quy định của pháp luật.
Đoàn Thanh tra gồm 17 thành viên do ông Lê Quang Tiệp, Thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ I, Thanh tra Chính phủ làm Trưởng đoàn.
Tổ giám sát đoàn thanh tra gồm 2 thành viên do bà Nguyễn Thị Hường, Thanh tra viên chính, phó Trưởng phòng Nghiệp vụ 1, vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra làm Tổ trưởng
Ngoài các thành viên của Thanh tra Chính phủ, quyết định nêu rõ Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các Tập đoàn gồm: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; chủ tịch UBND các tỉnh, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy khẳng định, lãnh đạo Đảng nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và dư luận rất quan tâm tới những nội dung và kết quả của cuộc thanh tra này.
Phó Tổng Thanh tra yêu cầu Đoàn thanh tra chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về thanh tra cũng như phòng chống dịch Covid- 19 trong điều kiện hiện nay và đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp tốt với Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ trong việc cung cấp tài liệu, hồ sơ, tạo mọi điều kiện để Đoàn hoàn thành nhiệm vụ với hiệu quả cao nhất, trong thời gian ngắn nhất.
Quyết định này cũng đã được gửi tới UBND các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Bình Phước, Bạc Liêu và Đăk Nông. Đây là các địa phương vừa qua có sự phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà, điện gió...
Thời gian vừa qua, sự bùng nổ của điện mặt trời, điện gió đã bổ sung lượng điện lớn điện tái tạo vào quy hoạch, vượt xa công suất điện mặt trời, điện gió tại Quy hoạch điện 7 và điện 7 điều chỉnh hàng chục lần.
Điện mặt trời, điện gió được bổ sung dồn dập vào quy hoạch khiến một số tỉnh thành như Ninh Thuận, Bình Thuận... xảy ra tình trạng quá tải lưới điện, khiến nhiều dự án lâm cảnh sản xuất ra không bán được điện, bị giảm phát điện.
Tính đến hết năm 2021, tổng công suất đặt các nguồn năng lượng tái tạo đạt 20.670 MW, chiếm 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống (76.620 MW); sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo đã đạt 31,508 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Cụ thể về điện gió, Việt Nam có 70 dự án điện gió (công suất 3.987 MW) đã vận hành thương mại, sản lượng điện sản xuất năm 2021 đạt 3,34 tỷ kWh, chiếm 1,3% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Với điện mặt trời, riêng sản lượng điện từ các nguồn điện mặt trời trong năm 2021 chiếm khoảng 10,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Tổng công suất lắp đặt điện sinh khối và rác là 321 MW đến tháng 10/2021.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã có đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tạm dừng cấp chủ trương đầu tư với các dự án điện gió, điện mặt trời đã có trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được phê duyệt nhưng chưa triển khai tính tới ngày 26/1/2022, để chờ kết quả rà soát trong quá trình xây dựng, hoàn thiện quy hoạch điện VIII theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đối với các dự án đã được phê duyệt, đã có chủ trương đầu tư đến thời điểm 26/1/2022 và chưa đủ điều kiện áp dụng cơ chế giá bán điện cố định (FIT), Bộ Công Thương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ đầu tư được đàm phán với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để xác định giá mua bán điện nằm trong khung giá phát điện do Bộ này ban hành, với quy trình theo quy định.
Hồng Quang