Tháng 1/2024 doanh thu thuần của TNG đạt 524 tỷ đồng
Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG, mã cổ phiếu TNG - sàn HNX) vừa công bố báo cáo tài chính riêng tháng 1/2024 với doanh thu thuần đạt 524 tỷ đồng và lãi ròng đạt 15 tỷ đồng, lần lượt tăng 32% và 168% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, trong tháng 1, doanh thu tài chính tăng 27% lên hơn 7 tỷ đồng, song không đủ bù đắp khoản chi phí tài chính đạt 18 tỷ đồng. Cộng thêm đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý lần lượt là 7 tỷ đồng và 29 tỷ đồng, tăng 39% và 9% so với cùng kỳ. Do giá vốn tăng nhanh hơn doanh thu khiến biên lãi gộp giảm nhẹ 0,4 điểm phần trăm xuống 12,6%. Sau khấu trừ chi phí, TNG lãi sau thuế 15 tỷ đồng, tăng 168% so với cùng kỳ.
Lãnh đạo TNG cho biết, năm nay đơn hàng dồi dào, các đối tác lớn đã bán hết hàng tồn kho nên TNG đã ký được các đơn hàng may xuất khẩu với nhiều đối tác như Decathlon, Columbia, The Children’s Place, Sportmaster, Costco, Nike, Adidas… Đơn hàng lớn đã kín hết 6 tháng đầu năm từ trước Tết.
Báo cáo tài chính của TNG cho thấy, cuối tháng 1/2024, tổng tài sản của TNG đạt 5.082 tỷ đồng, giảm 70 tỷ đồng so với đầu năm. Tiền và tiền gửi ngân hàng đạt 256 tỷ đồng, giảm 14%; trong khi đó, hàng tồn kho tăng 2% lên 906 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ phải trả đạt 3.386 tỷ đồng, giảm 40 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng nợ vay tài chính hơn 2.500 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính ngắn hạn hơn 1.700 tỷ đồng, giảm 5%.
Kết quả của TNG khả quan đặt trong bối cảnh tháng đầu tiên của năm, chỉ số sản xuất của ngành dệt may tích cực, trong đó dệt tăng hơn 46%; sản xuất trang phục tăng gần 21%; sản phẩm vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 57%; quần áo mặc thường tăng 25,8%...
Dệt may cũng đứng vào top 4 ngành hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng gần 29% so với cùng kỳ năm 2023. Thành quả này được nhận định là nhờ sự phục hồi của các doanh nghiệp từ cuối năm 2023, khi đơn hàng dần tăng trở lại nhờ nhu cầu may mặc vào dịp lễ, Tết.
Theo đánh giá của SSI Research trong phân tích mới đây, triển vọng phục hồi của xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm 2024 vẫn chưa rõ ràng trong bối cảnh dự kiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ và châu Âu.
Đồng quan điểm, Quỹ đầu tư VinaCapital nhận định, hoạt động xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong năm 2024 vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức; trong đó, nhu cầu từ thị trường Mỹ còn yếu sẽ kìm hãm quá trình phục hồi của ngành dệt may.
Quỹ đầu tư VinaCapital dẫn các nguồn tin thị trường cho biết, các đối tác quốc tế đã thông báo cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam về việc chuẩn bị đón lượng đơn hàng lớn hơn trong năm nay, nhưng các đơn hàng này lại được chia nhỏ hoặc ở dưới dạng đơn giao gấp nhiều hơn thay vì kế hoạch nhập hàng trước từ 6 - 12 tháng như trước đây.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 23/2, thị giá cổ phiếu TNG hiện ghi nhận ở mức 20.600 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hóa của doanh nghiệp may mặc này trên thị trường ước đạt 2.338 tỷ đồng.
Tiến Hoàng